Thứ 6, 03/05/2024, 12:39[GMT+7]

Hỏi đáp về Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022

Thứ 2, 15/04/2024 | 09:04:32
3,280 lượt xem
(Tiếp theo)

Ảnh minh họa.

Câu 5: Đề nghị cho biết, tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong những trường hợp nào theo pháp luật về phòng, chống rửa tiền?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền thì tổ chức tài chính phải nhận biết khách hàng trong các trường hợp sau đây:

- Khách hàng lần đầu mở tài khoản hoặc thiết lập quan hệ với tổ chức tài chính;

- Khách hàng thực hiện giao dịch không thường xuyên có giá trị bằng hoặc vượt mức quy định; thực hiện giao dịch chuyển tiền điện tử mà thiếu thông tin về tên, địa chỉ, số tài khoản của người khởi tạo hoặc mã giao dịch trong trường hợp người khởi tạo không có tài khoản;

- Nghi ngờ giao dịch hoặc các bên liên quan đến giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền;

- Nghi ngờ về tính chính xác hoặc tính đầy đủ của các thông tin nhận biết khách hàng đã thu thập trước đó.

Câu 6: Đối tượng báo cáo xác minh thông tin nhận biết khách hàng như thế nào?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 12 Luật Phòng, chống rửa tiền:

- Đối tượng báo cáo sử dụng các tài liệu, dữ liệu để xác minh thông tin nhận biết khách hàng, bao gồm:

+ Đối với khách hàng cá nhân: chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn sử dụng; giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Đối với khách hàng tổ chức: giấy phép thành lập, quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; quyết định về tổ chức lại, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động của tổ chức (nếu có); điều lệ của tổ chức; quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng thuê giám đốc hoặc tổng giám đốc, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán (nếu có); các tài liệu, dữ liệu liên quan đến người thành lập, người đại diện theo pháp luật của tổ chức, chủ sở hữu hưởng lợi.

- Đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định của pháp luật, thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức khác hoặc bên thứ ba để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp.

Câu 7: Trách nhiệm của đối tượng báo cáo liên quan đến cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 17 Luật Phòng, chống rửa tiền về trách nhiệm của đối tượng báo cáo liên quan đến cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị thì đối tượng báo cáo rà soát các nguồn thông tin, bao gồm cả nguồn thông tin về danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông báo, để lập danh sách khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị áp dụng tại đối tượng báo cáo.

* Đối tượng báo cáo phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có hệ thống quản lý rủi ro phù hợp nhằm xác định khách hàng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; người thụ hưởng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi của người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị;

b) Được sự chấp thuận của quản lý cấp cao theo quy định nội bộ trước khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh với khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng;

c) Thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị, những người có liên quan đến cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với đối tượng báo cáo; thực hiện giám sát chặt chẽ mối quan hệ kinh doanh với chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có người thụ hưởng hoặc chủ sở hữu hưởng lợi của người thụ hưởng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị và xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ nếu cần thiết.
Đối tượng báo cáo phải thực hiện quy định tại điểm b và điểm c nêu trên đối với khách hàng cá nhân thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Là cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của cá nhân trong danh sách khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị áp dụng tại đối tượng báo cáo;

- Là đồng sở hữu với cá nhân trong danh sách quy định của một hoặc nhiều pháp nhân, thỏa thuận pháp lý;

- Là chủ sở hữu hưởng lợi của một hoặc nhiều pháp nhân, thỏa thuận pháp lý do cá nhân trong danh sách khách hàng là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị áp dụng tại đối tượng báo cáo.

Lê Thủy
(Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày