Thứ 2, 06/05/2024, 03:06[GMT+7]

Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất Tấu lên khúc nhạc chèo vui

Thứ 2, 16/07/2012 | 08:10:06
2,461 lượt xem
Khoảng 400 nhạc công với hàng trăm loại nhạc cụ đủ các loại hình thuộc 19 nhà hát, đơn vị nghệ thuật “tiếng tăm” nhất trong toàn quốc tham dự Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất đã giúp các cơ quan chức năng, các nhà quản lý nghệ thuật có cái nhìn mới hơn đối với âm nhạc truyền thống và nghệ sỹ biểu diễn trong các dàn nhạc dân tộc.

Họ vốn là những người luôn “sống trong bóng tối”. Khán giả ít khi nhìn thấy họ mà chỉ nghe thấy những âm thanh mà họ âm thầm gửi vào các vai diễn. Họ, những người sinh ra vốn chỉ là để “làm nền” cho các vai diễn – những ông hoàng bà chúa của thánh đường nghệ thuật. Cuộc đời họ giống như những con tằm âm thầm cuộn mình trong những tổ kén tối, nhả ra những sợi tơ vàng, dệt nên những tấm lụa đẹp cho đời. Còn bản thân họ liệu có được mấy người biết đến? Họ, những nhạc công trong các dàn nhạc sân khấu truyền thống dân tộc có lẽ sẽ mãi chịu thiệt thòi như thế, nếu như...

Liên hoan nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Namon> lần thứ nhất diễn ra tại Thành phố Huế thơ mộng từ ngày 5 – 10/6/2012 thu hút sự quan tâm của những người yêu nhạc cụ cổ truyền Việt Namon>. Khoảng 400 nhạc công với hàng trăm loại nhạc cụ đủ các loại hình thuộc 19 nhà hát, đơn vị nghệ thuật “tiếng tăm” nhất trong toàn quốc tham dự đã giúp các cơ quan chức năng, các nhà quản lý nghệ thuật có cái nhìn mới hơn đối với âm nhạc truyền thống và nghệ sỹ biểu diễn trong các dàn nhạc dân tộc. Liên hoan nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống Việt Namon>; là dịp để các nghệ sỹ biểu diễn nhạc dân tộc trong toàn quốc được giao lưu học hỏi lẫn nhau. Liên hoan còn góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của công chúng và hướng sự quan tâm của bè bạn quốc tế đến với những giá trị mang tính cội nguồn Việt trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Đây cũng là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng năm du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc – Trung bộ - Huế 2012.

Nhà hát Chèo Thái Bình đến với liên hoan bằng một chương trình biểu diễn kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Được sự cố vấn về chuyên môn của Nhạc sỹ, NSƯT Hạnh Nhân, chương trình biểu diễn của dàn nhạc chèo Thái Bình đã thực sự chinh phục Hội đồng giám khảo cùng những khán giả, những bạn nghề khó tính nhất. Chất chèo đậm đặc và xuyên suốt từ khi mở màn cho đến phút kết thúc. Một chương trình biểu diễn đầy tính chuyên nghiệp không chỉ trong cái nhìn bao quát tổng thể cả chương trình mà ở cả từng chi tiết nhỏ nhất, từ việc chọn “cây”, chọn bài, chọn làn điệu, đến kết cấu, bố cục và phân mảng dẫn dắt người xem đi hết từ rung động này đến khám phá khác trong những xúc cảm, những tâm trạng rất trái ngược nhau nhưng cuối cùng vẫn hòa quyện lại, làm nên một đêm chèo... nhạc thật đắm say và quyến rũ.

Trên một sàn chơi mang tính chuyên biệt cao, Chèo Thái Bình khẳng định mình bằng các cung bậc âm thanh của đủ loại nhạc cụ truyền thống tiêu biểu nhất đã từng làm nên sức sống cho nhạc chèo với những ngón nghề rất đáng nể. Từ tấu nhị I, tấu nhị II, tấu sáo, tấu nguyệt, tấu hồ đến tấu trống... đến hòa tấu mở màn Thị Màu (dàn nhạc) đậm chất sân đình, rồi cảnh kết thúc tấu trống Ngẫu hứng Súy Vân (độc tấu trống Đình Cương) đã làm cho chương trình biểu diễn của Chèo Thái Bình đặc biệt xúc tích, ấn tượng và rất chuyên nghiệp. Cái dấm dẳng, lẳng lơ, bốc trong hòa tấu Thị Màu; cái khoan thai mềm mại của Đường trường tiếng đàn (Minh Khang), cái réo rắt bổng trầm của sáo trúc trong Luyện năm cung (Xuân Toàn); cái buồn thương da diết của Vãn canh, Sử dầu (Minh Dương), cái dồn dập chát chúa của Ngẫu hứng Súy Vân... các nhân vật chèo cổ giờ đây không hát lên bằng lời, múa lên bằng ánh mắt đầu môi nữa mà các nhân vật ấy đang hát lên bằng những tiếng đàn. Các nhân vật chèo hiện ra rất sắc nét. Mỗi cây đàn đều đầy chất ngẫu hứng, suy tư.

Và, phần thưởng xứng đáng đã được trao tặng cho các nghệ sỹ Thái Bình. Trong tổng số 18 Huy chương Vàng và 17 Huy chương Bạc được trao cho các dàn nhạc và nhạc công thì Thái Bình có tới 4 giải thưởng. Hai Huy chương Vàng cho màn Hòa tấu tập thể Thị Màu và tay trống xuất sắc Đình Cương trong ngẫu hứng Súy Vân. Minh Dương nhận về một tấm Huy chương Bạc cho màn độc tấu Sử dầu – Vãn canh bằng một cây hồ. Nghệ sỹ Ưu tú Ngọc Cải nhận thêm về cho Chèo Thái Bình giải thưởng dàn dựng chương trình có hiệu quả.

Niềm vui đó còn được nhân lên gấp bội bởi trong đợt phong tặng Danh hiệu nghệ sỹ Ưu tú năm 2012: Thái Bình có bốn người thì riêng Nhà hát Chèo đã có tới ba. Đó là các nghệ sỹ Ngọc Cải, Ánh Điện, Hồng Nhung. Vậy là, cho đến giờ này Thái Bình vinh dự có tới 25 người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ sỹ Ưu tú. Chèo đã có tới  13 người, chiếm trên 50% trong số đó. Thật không hổ danh “anh cả đỏ” trong làng chèo truyền thống Việt Namon>.

Trần Thanh Phượng

(Sở VH - TT - DL tỉnh)

  • Từ khóa