Thứ 2, 06/05/2024, 02:14[GMT+7]

Ðầu tư nghệ thuật nhiều hơn cho múa minh họa

Thứ 6, 10/08/2012 | 09:37:40
2,274 lượt xem
Hiện nay múa minh họa, phụ họa phát triển mạnh trên sân khấu ca nhạc. Múa minh họa cho hát đang là vấn đề được nhiều nghệ sĩ và người xem quan tâm, đạt được nhiều thành tựu nghệ thuật nhưng cũng đang bị lạm dụng với cách làm xô bồ, kém chất lượng cần được chấn chỉnh, đầu tư nghệ thuật nhiều hơn để có chỗ đứng vững chắc trên sân khấu ca nhạc.

Múa minh họa, nếu được quan tâm dàn dựng, sẽ góp phần làm tôn thêm giá trị bài hát. Ảnh minh họa

NSND Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam nhận định: Múa minh họa có mặt rất nhiều trong các chương trình tổng hợp với sự ra đời rất nhiều vũ đoàn mới đáp ứng nhu cầu của người xem. Ðây là một vấn đề nóng bỏng đối với sân khấu biểu diễn hiện nay.

Khi một tiết mục hát có múa minh họa phù hợp thì hiệu quả tác động đến thẩm mỹ thưởng thức của người xem được nhân lên. Bài hát Xá thượng là một điệu dân ca nhưng có múa phụ họa khiến điệu hát trở nên sinh động hơn. Các tác phẩm Ngọn lửa cao nguyên, Tiếng trống Pa-ra-nưng, Chiếc gậy Trường Sơn, Cô gái Pa Cô... các biên đạo múa đã hòa mình vào lời ca sáng tạo ra những động tác múa khiến cho sân khấu trở nên sôi động. Nhiều người xem cũng rất tán thưởng phần múa phụ họa  trong các tiết mục hát Tình ca của Hoàng Việt, Biển hát chiều nay của Hồng Ðăng, Bài ca hy vọng  của Văn Ký khi các biên đạo đã sử dụng múa ba-lê cho một đôi hay nhiều đôi diễn viên múa thể hiện, đã thật sự mang đến hình ảnh đẹp và rung cảm mạnh mẽ cho người thưởng thức.

Tuy nhiên hiện nay xảy ra tình trạng dàn dựng múa minh họa một cách xô bồ, kém chất lượng khiến cho múa không ăn nhập gì với nội dung bài hát, múa chỉ để mà múa, để lấp đầy sân khấu, hoặc là để khoe thân, khoe trang phục, thậm chí phản cảm với nội dung và giai điệu bài hát. Hễ có bài hát nói về tình yêu là có rất đông nam, nữ ra múa, nhảy loạn xạ không hiểu muốn thể hiện cái gì và các diễn viên ăn mặc hở hang thường xuất hiện ở những màn múa này. Nhiều tiết mục múa minh họa không ăn nhập với lời ca và tiết tấu âm nhạc.  Múa minh họa được nhiều đơn vị xem như là "mốt", đua nhau dàn dựng thật hoành tráng nhưng hiệu quả thấp, thậm chí phản tác dụng. NSƯT Ngân Quý nhận xét: "Trong một số tiết mục múa minh họa, mới tiếp xúc, người xem đã cảm thấy sự đại khái, hời hợt khi các động tác múa thiếu sự trau chuốt, mượt mà, tinh tế, đường nét, động tác tạo hình chưa tạo được sự hài hòa giữa hình thức với chiều sâu tâm hồn. Sự phối hợp với ca sĩ nhiều khi không ăn nhập, thể hiện sự thiếu nghiêm túc, chuyên nghiệp".

Múa minh họa là một bộ phận cấu thành một tiết mục biểu diễn nghệ thuật mang tính tổng hợp, cần được đầu tư nghệ thuật, sáng tạo một cách công phu. NSND Lê Huân tâm sự về quá trình sáng tạo của mình: "Là một biên đạo đã có hơn 50 năm trong nghề, dàn dựng hàng trăm tác phẩm múa cho sân khấu ca múa nhạc cả chuyên nghiệp lẫn quần chúng, ở mỗi bài hát, tôi đều suy ngẫm đến nội dung, giai điệu bài hát để tìm ra được một ý tưởng, hình tượng riêng của múa. Thí dụ bài hát Về miền Trung của nhạc sĩ An Thuyên, nội dung ca từ và giai điệu của bài hát gợi lên niềm thương yêu sâu sắc, nỗi gian nan vất vả của quê hương khúc ruột miền trung. Làm thế nào để khắc họa được tình cảm đó thông qua hình tượng sân khấu? Tôi đã tìm ra hình tượng người diêm dân (người làm muối) với cây cào muối dài và chiếc nón che đầu. Nón và cào là hai vật dụng không thể thiếu của người lao động trên đồng muối được sử dụng thành ngôn  ngữ múa, hình tượng múa cộng hưởng cho sự thành công của bài hát".

Người xem khó có thể quên bài hát Việt Nam quê hương tôi của nhạc sĩ Ðỗ Nhuận gắn liền với hình tượng múa minh họa: những con sóng biển rì rào, những tà áo dài thướt tha và những chiếc nón quê hương. Ca và múa ở đây đã hòa thành một tổng thể thống nhất. PGS, TS, NSND Lê Ngọc Canh nhắn nhủ các nghệ sĩ: "Thiết nghĩ, đã đến lúc các nghệ sĩ múa tham gia dàn dựng múa minh họa, phụ họa cần quan tâm thỏa đáng đến bản chất của nghệ thuật múa là cái đẹp, là tính thẩm mỹ. Bất luận trong hoàn cảnh nào trong loại hình nào thì thẩm mỹ phải là cái gốc, là bản chất. Ðể từ đó nghiên cứu  kỹ hình tượng, tạo hình múa cho phù hợp bản chất hình tượng của bài hát. Múa góp phần làm tôn thêm giá trị bài hát và giá trị đích thực của ca sĩ".

Trong tình hình hiện nay khi nghệ thuật múa ít có điều kiện được tiếp xúc với công chúng thì việc phát triển múa minh họa là một tín hiệu đáng mừng. Song đừng để cho múa minh họa trở nên bão hòa, kém chất lượng dẫn đến sự nhàm chán cho người xem.

Theo nhandan

  • Từ khóa