Thứ 7, 04/05/2024, 15:12[GMT+7]

Độc đáo kiến trúc Đình Lịch Động

Thứ 6, 05/10/2012 | 08:09:43
7,090 lượt xem
Làng Lịch Động (xã Đông Các, Đông Hưng) còn lưu giữ được khá nhiều thiết chế văn hóa cổ, trong đó có Đình Lịch Động. Đây là công trình kiến trúc thời Nguyễn, ghi dấu nghề thủ công truyền thống của làng. Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử và đăng ký bảo vệ.

Đình Lịch Động

Từ Thành phố Thái Bình, xuôi hướng Hải Phòng theo đường Quốc lộ 10 khoảng chừng 15km, đến cầu Đông Các rẽ tay phải, theo con đường ruột xã là đến làng Lịch Động (xã Đông Các, Đông Hưng). Tương truyền, làng Lịch Động xưa có tên là Bìa Động, làng có lịch sử lâu đời và được khẩn hoang, định hình từ cuối triều Lý, đầu triều Trần. Các cụ cao niên trong làng kể, không biết tự bao giờ, Bìa Động chuyển thành Lịch Động, có thể, theo lối chiết tự, chữ Bìa và chữ Lịch có nét gần giống nhau, nên gọi chệch thành Lịch Động.

Làng Lịch Động còn lưu giữ được khá nhiều thiết chế văn hóa cổ, trong đó có Đình Lịch Động. Đây là công trình kiến trúc thời Nguyễn, ghi dấu nghề thủ công truyền thống của làng. Đình đã được xếp hạng di tích lịch sử và đăng ký bảo vệ. Được xây dựng theo lối chữ Công, gồm 3 tòa: Đại bái, ống muống và hậu cung. Tòa đại bái gồm 5 gian làm theo kiểu chéo đao tàu, góc sừng sững, uy linh. Đao song loan cách điệu uốn cong làm cho bộ mái lợp trở nên thanh thoát. Đại bờ soi chỉ kép, bờ có cánh trụ. Thềm và hiên của đình được ghép bằng 60 phiến đá lớn, nhỏ, rộng 1,5 mét, cao 0,5 mét. Bảy hiên tiền và bảy hiên hậu được tạo ra từ một khối gỗ kích thước 40x40cm, chạm tứ quý đặt trên đầu cột. Hệ thống cột tiền và cột hậu đều làm bằng đá xanh, kích thước vuông 40x40cm. Các họa tiết phượng múa, rồng bay, câu đối chữ Hán và các nét chạm uyển chuyển, mềm mại, mạch lạc… trên mặt cột càng làm cho nét kiến trúc của đình thêm sâu đậm. Vì kèo tòa đại bái được làm theo kiểu chồng đấu, hoa sen, 47 tiền và 47 hậu, 86 đầu dư đều chạm lõng, bong kênh, lồng họa tiết rồng. Các thanh rương được chạm văn triện, mây cuộn, bầu rượu, túi thơ, rồng chầu cửa thánh.

Nét độc đáo của Đình còn thể hiện ở bộ khung, các bảy, hiên tiền, hiên hậu được lắp ghép bởi các mộng trụ đầu cột hiên đá liên kết. Nội dung các mảng chạm đều phản ánh các chủ đề thiên nhiên mang phong cách nghệ thuật cung đình như rồng chầu cửa thánh, rồng ổ, rồng quần… Tòa ống muống biểu hiện tính toàn vẹn của kiến trúc kiểu chữ công, tòa gồm hai gian đại bái và hậu cung. Kiến trúc của tòa ống muống đơn giản hơn, hành lang gồm 4 cột đá kích cỡ 40x40cm, chạm các hoạ tiết như toà đại bái. Vì kèo cốn mê, tò vò, thắt túi, chạm lưỡng long chầu nguyệt, nét chạm khá tinh tế. Tòa hậu cung nhỏ hơn tòa đại bái, gồm 3 gian, đại bờ soi chỉ kép, hồi văn 5 đấu, lợp ngói mũi. Vì kèo làm kiểu chồng đấu hoa sen, chân tảng thắt cổ bồng, soi rãnh dọc chìm. Hai cốn mê gian chính cung chạm rồng chầu để mộc, không sơn son, thếp vàng. Đồ tế khí trong toà hậu cung của đình còn lưu giữ được 3 ngai thờ; 3 mũ thờ, 2 bệ sắc, 4 bộ tam sự bằng đồng, một bộ bát biểu, một bộ chấp kích bằng đồng, một bộ chuông đồng.

Theo các cụ cao niên, toà hậu cung có bộ chấp kích và bộ tam sự bằng đồng có giá trị nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật đúc. Có thể đây là dấu ấn quan trọng đánh dấu bước trưởng thành của các nghệ nhân nghề thủ công chạm, đúc trong làng. Toà ống muống có cỗ ngai được chế tác đầu thế kỷ XX, nét tiêu biểu trong nghệ thuật điêu khắc là chạm lõng, bong kênh lồng tứ quý, tứ linh. Ngoài ra, tòa ống muống còn lưu giữ được một mâm bồng bằng đồng, một mâm bồng bằng gỗ, một cỗ kiệu bát cống và một cỗ kiệu song loan. Hệ thống câu đối khá phong phú gồm hai loại: gỗ và đá. Có đôi câu đối lòng máng ở gian chính cung của toà đại bái còn lưu giữ khá nguyên vẹn, còn lại là các câu đối chạm trên cột hiên tiền, hiên hậu được bảo tồn khá nguyên vẹn. Các bức đại tự nội dung đều ghi nhận công đức của 3 vị thần “Tam linh quyền hựu” - “Đức phạm nhĩ hà”.

Lễ hội Đình Lịch Động được tổ chức vào ngày mồng 10 Tết hàng năm. Tương truyền, đây là Tết Lềnh hay còn gọi là tết chay. Trong lễ hội có tổ chức thi bánh dầy. Bánh của phe, giáp nào trong làng to, trắng, dẻo, thơm ngon sẽ được chấm giải nhất. Các cụ cao niên trong làng kể rằng, gạo làm bánh được chọn từ giống lúa thuần chủng, được cấy trên những thửa ruộng “thiêng” của làng. Lúa tháng mười gặt về, chọn lấy những bông mẩy, phơi khô, cất kỹ. Đến gần lễ hội mới đem ra xay, giã. Gạo giã trắng, sàng chọn hạt mẩy, đều, đem nấu cơm. Cơm chín, để nguội rồi  cho vào các vỉ cói, lấy chày giã nhuyễn. Mỗi phe, giáp trong làng có cách làm bánh dầy khác nhau, độ to nhỏ, mùi thơm, độ dẻo, nhuyễn khác nhau nên phe, giáp giấu nhau kỹ thuật làm bánh, để khi vào lễ hội, bánh được “làng” chấm điểm và trao giải cao.

Làng Lịch Động nổi tiếng với nhiều nghề thủ công, mỹ nghệ độc đáo, đáng kể đến nghề kính, khoá. Trong đình còn phối thờ ông tổ truyền nghề kính, khoá Đặng Văn Hý. Ông Vũ Xuân Vinh, người trông coi đình kể rằng: cứ vào ngày mồng 10 Tết Nguyên đán hằng năm, con cháu của làng đi làm ăn xa khắp nơi lại tụ hội về đình, dự lễ hội Đình làng, rồi sắp lễ giỗ tổ truyền nghề. Cứ vài năm một lần, làng lại tổ chức thi tay nghề cắt kính, chữa khoá. Phần thưởng là những cặp bánh dày to và ngon. Sau lễ hội Đình làng, các con cháu trong làng mới “lên đường” đi làm ăn xa.

Theo đánh giá của Bảo tàng Thái Bình thì Đình Lịch Động là công trình kiến trúc thời Nguyễn ghi dấu ấn sâu đậm về nghề thủ công truyền thống của làng, đặc biệt là nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá. Đình được tạo dựng do công sức của người dân và bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng Lịch Động. Đình thờ bái vọng 3 vị thần, trong đó có hai nhân thần là Đoàn Thượng và Nguyên Phục, đây là nhân vật thời Lý được Quốc sử ghi nhận công lao.

Bài, ảnh: Lê Quang Viện

  • Từ khóa