Thứ 7, 04/05/2024, 20:03[GMT+7]

Xây dựng thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao

Thứ 4, 17/10/2012 | 09:45:38
1,523 lượt xem
Một kết quả quan trọng của việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là đã hình thành được hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao từ trung ương đến các địa phương. Nhưng còn nhiều vấn đề đặt ra cần sớm giải quyết để hệ thống này hoạt động hiệu quả.

Lớp múa Cung văn hóa thiếu nhi thành phố Hải Phòng

Thực hiện chủ trương xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở của Ðảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn kiên trì tạo dựng một hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở, phục vụ nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa, tập luyện thể thao của nhân dân, mở rộng hệ thống này đến mọi miền đất nước. Những thiết chế như nhà văn hóa, nhà tập, nhà thi đấu, bể bơi... được xây dựng trở thành những điểm sinh hoạt mang tính cộng đồng.

Số liệu mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp đã cho thấy được phần nào hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao: Hiện nay, cả nước có 70 thiết chế văn hóa cấp tỉnh, trong đó có 60 trung tâm văn hóa, ba nhà văn hóa, bốn trung tâm thông tin - triển lãm; 63 trung tâm thể dục - thể thao cùng 572 công trình đủ tiêu chuẩn thi đấu thể thao cấp quốc gia và quốc tế. Ở cấp huyện có 541/698 quận, huyện có trung tâm văn hóa thể dục - thể thao đạt tỷ lệ 78%. Ở cấp xã có 4.703 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể dục - thể thao, chiếm tỷ lệ 42% (một số địa phương như Hải Phòng, Thái Bình chiếm tỷ lệ 100%). Khoảng 43% số thôn có nhà văn hóa, khu thể dục thể thao.

Bên cạnh hệ thống thiết chế thuộc ngành văn hóa, thể thao và du lịch quản lý, còn có các thiết chế thuộc bộ, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang như: Hệ thống nhà văn hóa của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; cung văn hóa, nhà văn hóa thuộc Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh; Nhà văn hóa, thể dục - thể thao của lực lượng vũ trang.

Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao đã hình thành khắp mọi miền đất nước, nhưng vẫn chưa vươn tới các vùng xa, miền núi, nhất là vùng biên giới, hải đảo. Một thực trạng mới nảy sinh là ở nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất dường như còn ít thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân viên. Các thiết chế đã có thì phần lớn bị xuống cấp  và thiếu đồng bộ về trang thiết bị cho hoạt động sự nghiệp. Việc xây dựng về quy mô, kiểu dáng, vị trí còn tùy tiện. Nhiều nơi xây dựng được trụ sở nhưng trang thiết bị thiếu thốn, không đủ điều kiện hoạt động, nhất là ở vùng nông thôn nghèo và khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Có  thể nói, trong năm qua, vấn đề xây dựng và tổ chức hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao đã được các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương   bàn thảo nhiều. Ngay tại TP Hồ Chí Minh, nơi có phong trào văn nghệ quần chúng rất sôi nổi, hoạt động của các thiết chế cũng gặp không ít khó khăn. Giám đốc Trung tâm văn hóa TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghị cho biết: Thành phố hiện nay có 17 nhà văn hóa quận, huyện và 22 trung tâm văn hóa thanh niên, thiếu nhi nhưng hoạt động không đồng đều. Ngoài những đơn vị lâu năm có tiếng như: Nhà văn hóa thanh niên,  Nhà văn hóa Phụ nữ, Nhà văn hóa Quân khu 7 hoạt động tốt, thậm chí còn tự trang trải được kinh phí với ước tính trung bình mỗi năm mang lại doanh thu vài chục tỷ đồng, còn lại hầu hết các đơn vị hoạt động cầm chừng, gặp rất nhiều khó khăn. Ở những thành phố lớn, có nhiều thuận lợi còn như vậy, thì các thiết chế ở cơ sở sẽ khó khăn biết nhường nào? Không ít thiết chế xây dựng xong lại vắng vẻ, thậm chí còn bỏ không khiến cho người ta có cảm giác như là đang chạy theo hình thức, gây lãng phí.

Ðể thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao hoạt động có hiệu  quả, trước hết cần có sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo Ðảng, chính quyền. Tại một số địa phương, các cấp ủy đảng, chính quyền chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của văn hóa, thể dục - thể thao và mối quan hệ gắn bó giữa kinh tế, văn hóa và chính trị; chưa quan tâm phát triển đời sống kinh tế đi đôi với xây dựng và phát triển văn hóa, thể dục - thể thao; chưa coi phát triển văn hóa, thể dục - thể thao là trách nhiệm của cả hệ  thống chính trị và toàn xã hội.

Có nhiều vấn đề trong việc phát triển thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao như xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí, tổ chức bộ máy, cán bộ, các chính sách... rất cần đến sự quan tâm và giải quyết của Nhà nước. Bên cạnh đó, các thiết chế cũng cần phải có một nội dung hoạt động phong phú với nhiều hình thức hấp dẫn. Muốn làm được điều đó thì đội ngũ cán bộ văn hóa, thể dục - thể thao cơ sở phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao và chuyên nghiệp. Nhìn vào số liệu thống kê trình độ văn hóa ở các thiết chế như ở cấp tỉnh có trình độ đại học, cao đẳng trở lên đạt 60%, ở cấp huyện đạt 49%, ở cấp xã đạt 16%... chúng ta thấy đội ngũ cán bộ cơ sở đã khá mạnh.

Nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Cán bộ có bằng cấp là rất cần thiết, nhưng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể dục - thể thao luôn tiếp cận với phong trào quần chúng, đòi hỏi cán bộ phải năng động, sáng tạo, đi sát cuộc sống, hiểu rõ nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân để tìm ra các hình thức hoạt động có sức lôi cuốn. Cho nên cán bộ phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng với cách thức làm việc năng động, sáng tạo. Ở một số vùng miền núi khó khăn, nếu như cán bộ văn hóa cơ sở biết kết hợp với ngành du lịch, khai thác vốn văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc để xây dựng những chương trình hoạt động của thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao, thì chắc chắn sẽ hấp dẫn đông khách du lịch trong và ngoài nước, từ đó có thêm kinh phí hoạt động.

Các phong trào quần chúng về văn hóa, thể dục - thể thao là nền tảng để các thiết chế hoạt động sôi nổi. Người khuấy động và hướng dẫn các phong trào đó chính là đội ngũ cán bộ văn hóa, thể dục - thể thao cơ sở. Thực tiễn đã chứng minh, nơi nào lãnh đạo quan tâm, cán bộ chuyên môn năng động, sáng  tạo đề xuất được nhiều sáng kiến, nhiều chương trình hoạt động thì các thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao ở đó phát triển.

Vấn đề kinh phí hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao cũng rất cấp thiết. Kinh phí hoạt động ở cấp tỉnh, cấp huyện chủ yếu dựa vào Nhà nước, các hoạt động tạo nguồn thu tại chỗ còn rất hạn chế. Ở cấp xã phụ thuộc vào điều kiện, khả năng thu ngân sách ở địa phương, còn ở nông thôn thì do dân đóng góp, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia và huy động các nguồn tài trợ. Nói chung kinh phí hoạt động của các thiết chế rất hạn hẹp, chưa đáp ứng được các nội dung tổ chức hoạt động. Cho nên việc xây dựng cơ sở vật chất cho thiết chế phải đi đôi với việc ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm các điều kiện để vận hành hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể dục - thể thao. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chủ chương xã hội hóa phù hợp điều kiện kinh tế, các vùng, miền, phong tục tập quán của các địa phương. Xã hội hóa không chỉ về nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất mà còn xã hội hóa lực lượng làm văn hóa ở cơ sở theo phương châm "Toàn dân làm văn hóa".

Theo nhandan

  • Từ khóa