Thứ 6, 03/05/2024, 09:46[GMT+7]

Chỗ đứng nào cho giá trị văn hóa dân gian

Thứ 6, 04/01/2013 | 15:52:58
3,487 lượt xem
Nhiều thập kỷ qua, công cuộc sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy văn hóa nghệ nhân dân gian đã đạt được những thành tựu đáng kể. Không phủ nhận bề dày của văn hóa dân gian phong phú và đa dạng, nhưng cuộc sống hiện đại với nhiều điều hấp dẫn, quan tâm đã dần làm lu mờ và lãng quên những giá trị văn hóa dân gian.

Bảo tồn là đặt di sản văn hóa đúng chỗ

 

Văn hóa dân gian có thể ví như hòn đá thử vàng cho trí tuệ và cảm xúc của mỗi dân tộc. Cũng từ những nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian mà người ta có thể định dạng và định tính cho mỗi dân tộc, chứ không thể bằng các tiêu chí nào khác, dù là về kinh tế hay chính trị, địa lý hay nguồn gốc cư dân.

 

Sự thăng hoa của một nền văn hóa ngoài sự phát triển kinh tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, công nghệ, sự phát triển toàn diện trí – đức – thể - mỹ… song song với văn hóa dân gian là nền văn hóa bác học cũng cần được phát triển tương xứng. Điều quan trọng là nền tảng văn hóa dân gian vẫn phải được bảo tồn và phát huy xứng đáng là điểm tựa vững chắc và tin cậy.

 

Với thực trạng các lễ hội, cần tránh đua đòi, bắt trước nhau đến mức các lễ hội ở các địa phương khác nhau đều có kết cấu na ná giống nhau ở cả phần lễ và phần hội, làm mất đi bản sắc riêng tạo nên lý do tồn tại từng lễ hội. Không những thế, cần đấu tranh quyết liệt với nạn buôn thần bán thánh, thương mại hóa các lễ hội đã trở thành dịp để làm tiền và lừa đảo. Lúc đó, mọi giá trị của văn hóa rơi vào tình trạng xuống cấp, phản văn hóa.

 

Với các làng nghề cổ truyền, việc bảo vệ và gìn giữ được tinh chất của mỗi nghề tổ, đồng thời giữ được thương hiệu độc đáo và giá trị quý hiếm của mỗi nghề tổ là phương hướng cần thiết. Việc quy hoạch cảnh quan môi trường, hạ tầng tại các làng nghề cũng cần hết sức cẩn trọng và khoa học để không bị phá vỡ cảnh quan và làm tầm thường hóa khung cảnh đặc trưng của làng cổ thuần Việt.

 

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, việc chúng ta biết đặt giá trị của di sản văn hóa vào đúng chỗ của nó và biết cách bảo tồn, tôn tạo, phát huy nó một cách hợp tình hợp lý, có trình tự bài bản… Bản thân việc đó cũng đã là cả một động thái lớn để bảo tồn giá trị văn hóa dân gian làm cho đời sống tinh thần của dân tộc thêm phong phú, ý nghĩa.

 

Chỗ đứng văn hóa dân gian trong trường học

 

Văn hóa dân gian với bộ phận cốt lõi là văn học dân gian, từ lâu đã có chỗ đứng trong chương trình dạy và học ở các trường. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Đình Mai thì hiện nay nhà trường chưa dạy đủ chức năng cơ bản của văn học dân gian, ngoài tính truyền thống, tính tập thể còn có tính lịch sử cụ thể và tính hàm ẩn sâu xa. Vì chưa dạy đủ các đặc trưng cơ bản này nên học sinh lứa tuổi 15, 16 không giải mã nổi nhiều bài. Thậm chí, ngay đến lứa học sinh nay đã 60, 70 tuổi rồi mà vẫn có những kiến giải khác thường. Và những kiến giải khác thường này rõ ràng đã xa rời đặc trưng lịch sử cụ thể của văn học dân gian. Ngoài ra, tác phẩm giảng dạy văn học dân gian trong nhà trường ngoài những tiêu chí đại diện cho giá trị của một dòng văn học, một giai đoạn văn học, còn mang đậm những đặc trưng cơ bản của văn học dân gian theo phương châm của UNESCO là học để biết, học để làm, học để tự khẳng định mình, học để hòa nhập với cộng đồng.

 

Âm nhạc dân tộc một lĩnh vực dễ tiếp cận hơn cũng không khả quan là mấy khi so sánh với các thể loại âm nhạc khác trong giáo trình. PGS.TS Lân Cường, Hội Âm nhạc Hà Nội đánh giá: Chương trình giáo dục phổ thông đã xác định môn âm nhạc là môn bắt buộc đối với học sinh từ tiểu học đến hết trung học cơ sở và có sách giáo khoa. Tuy nhiên, tỷ lệ bài hát nước ngoài là quá lớn, chiếm tới 14,4% trong khi những bài hát dân ca Việt lại có tỷ lệ quá thấp chỉ chiếm khoảng 16,2%. Các bài hát dân ca của các dân tộc cũng chiếm tỉ lệ ít ỏi. Dân ca Quan họ Bắc Ninh dù được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể nhân loại chỉ có một bài duy nhất là Lý cây đa. Ca trù, thể loại độc đáo cũng là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại hoàn toàn không được đề cập tới.

 

Trong khi đó, giáo dục âm nhạc vào chương trình giảng dạy phổ thông đã được nhiều nhạc sỹ thử nghiệm thành công từ những năm 1997 – 1998. Đơn cử như nhạc sỹ Trần Văn Khê được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho thử nghiệm đưa âm nhạc dân tộc vào trường PTTH Triệu Thị Trinh. Kết quả tốt nhưng không được triển khai tiếp. Nhạc sỹ Hoàng Lân đã thực hiện đề tài “Đưa giáo dục âm nhạc dân tộc vào các trường tiểu học Hà Nội”. Trong vòng hai năm nhiều em học sinh đã sử dụng được các nhạc cụ dân tộc đơn giản như: sáo, nhị, đàn bầu, tam thập lục… Nhưng đề án không được triển khai tiếp vì lý do kinh phí?

 

Hay như trò chơi dân gian với nhiều “tính năng” tốt cả về thể chất lẫn tinh thần lại đậm đà tính cộng đồng thân thiện với sự tham gia của đông đảo người chơi và người hưởng ứng rất phù hợp với môi trường giáo dục phổ thông. Thế nhưng, chúng ta không hề bắt gặp các em vui chơi trò chơi dân gian này ở sân trường giờ ra chơi hay ở gia đình. Thay vào đó là bộ bài, trò chơi điện tử sản phẩm của công nghệ Iphone, Ipad, internet đầy tính bạo lực ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi đạo đức truyền thống.

 

Có lẽ, để làm sống lại văn hóa dân gian trong lòng thế hệ trẻ thì việc đưa văn hóa dân gian vào trường học là điều cần thiết để họ thêm hiểu biết, yêu văn hóa dân gian từ đó có ý thức gìn giữ chúng. Cũng có nhiều người cho rằng, việc học của học sinh tiểu học và trung học cơ sở hiện nay đã là quá tải, nay lại “gánh” thêm trách nhiệm bảo tồn to lớn, e rằng là quá sức với các em. Nhưng, thử đặt câu hỏi nếu không giáo dục ý thức của các em từ nhỏ thì hậu quả của lỗ hổng về văn hóa truyền thống sẽ ảnh hưởng tới tương lai của các em ra sao? Bài toán đặt ra ở đây là liều lượng của các bộ môn liên quan đến văn hóa dân gian với những bộ môn khác như thế nào cho hài hòa để các em có thể tiếp thu hiệu quả nhất. Tránh thực tế như hiện nay, các “làn sóng” văn hóa nước ngoài đang có phần lấn át văn hóa truyền thống Việt.

 Theo langvietonline.vn

  • Từ khóa