Thứ 6, 03/05/2024, 05:33[GMT+7]

Xã hội hóa công tác tu bổ, tôn tạo di tích

Thứ 5, 28/12/2023 | 08:25:05
18,163 lượt xem
Đình làng Chung Linh, xã Quỳnh Khê (Quỳnh Phụ) vừa được khánh thành với tổng kinh phí xây dựng khoảng 3,8 tỷ đồng, phần lớn từ nguồn xã hội hóa do con em quê hương và du khách thập phương đồng thuận chung tay đóng góp. Trong năm 2022, chùa của làng cũng được khánh thành sau quá trình trùng tu, tôn tạo từ nguồn kinh phí này. Điều đó cho thấy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư địa phương đối với việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Di tích lịch sử văn hóa đình làng Chung Linh được tu bổ, tôn tạo phần lớn từ nguồn xã hội hóa.

Tạo niềm tin trong xã hội hóa

Với lịch sử hàng trăm năm, đình làng Chung Linh là nơi thờ Thành hoàng làng và ngũ vị đại vương có công với dân, với nước, hiện còn lưu giữ 8 sắc phong cổ. Năm 2004, đình làng được trao bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, là niềm vinh dự, tự hào của người dân địa phương, là điểm đến của du khách gần xa mỗi dịp có cơ hội thăm thú mảnh đất và con người nơi đây. Trải qua những biến thiên của thời gian, mặc dù đình làng luôn được nhân dân chung tay gìn giữ nhưng đến năm 2018 xuống cấp nghiêm trọng, người dân địa phương đóng góp kinh phí khắc phục một phần hạng mục cung cấm. Tuy nhiên, sau quá trình tu sửa, nhiều hạng mục, trong đó có 5 gian đại bái vẫn không bảo đảm an toàn cho những hoạt động đông người diễn ra.

Ông Vũ Tiến Hoạt, một trong những bậc cao niên của làng Chung Linh chia sẻ: Với nguyện vọng chung của dân làng là kiến thiết, tôn tạo lại ngôi đình, chúng tôi xác định khó khăn lớn nhất là về kinh phí. Lãnh đạo thôn tổ chức họp bàn dân làng, con em xa quê và phát động đóng góp tùy tâm, người đóng góp kinh phí, người đóng góp ngày công, tùy theo khả năng của gia đình. Quan trọng nhất trong huy động kinh phí xây dựng đình làng là mọi nguồn thu - chi đều được công khai, minh bạch để tất cả người dân trong làng, biết, không để xảy ra “điều qua tiếng lại”. Vì vậy, nhiều con em xa quê đang công tác, lao động trên mọi miền Tổ quốc đã tin tưởng như anh Hoàng Xuân Chiến gửi về công đức 1 tỷ đồng, anh Hoàng Xuân Hiếu công đức hơn 300 triệu đồng... Những người có đóng góp lớn trong việc xây dựng đình làng, ban tổ chức đều có biểu dương, ghi nhận tấm lòng với quê hương trong dịp khánh thành đình làng để mọi người dân biết.

Niềm tự hào của người dân địa phương

Tháng 5/2023, được sự cho phép của các cơ quan chức năng, di tích lịch sử văn hóa đình làng Chung Linh khởi công xây dựng giữ nguyên kiến trúc chữ Đinh với tổng diện tích hơn 315m2 gồm các hạng mục như đình chính, nghi môn, sân, tường bao, hồ bán nguyệt... 

Ông Bùi Công Trọng, trưởng thôn Chung Linh thông tin: Sau 8 tháng thi công, di tích được khánh thành, hài hòa trong tổng thể các công trình sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh của làng. Lãnh đạo thôn tiếp tục tuyên truyền tới người dân địa phương nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đã được trùng tu khang trang.

Là một trong những người con quê hương tích cực kêu gọi các nguồn xã hội hóa cũng như đóng góp kinh phí, anh Hoàng Xuân Hiếu chia sẻ: Tuổi thơ của thế hệ chúng tôi gắn liền với cây đa, bến nước, sân đình, trong đó đình làng đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống văn hóa tinh thần, không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng mà còn diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của làng. Vì vậy, khi đình làng xuống cấp, chúng tôi rất trăn trở. Công trình đình làng được khánh thành là kết tinh của tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, ý thức trách nhiệm giữ gìn bản sắc văn hóa quê hương. Mong sao từ những thiết chế văn hóa cộng đồng, mỗi người dân thêm gắn bó với quê hương, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo, đi vào hoạt động ngày càng phát huy giá trị, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương tham quan, chiêm bái, cầu phúc, cầu an, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa tâm linh cũng như quảng bá mảnh đất và con người ở mỗi địa phương. Các di tích được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn kinh phí xã hội hóa không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ông cha để lại. Để công tác xã hội hóa ngày càng đạt hiệu quả cao, các địa phương cần đẩy mạnh giáo dục về di sản để người dân hiểu, từ đó chung sức giữ gìn và phát huy giá trị di tích, thúc đẩy du lịch văn hóa tâm linh ngày càng phát triển.

Đình làng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.


Tú Anh