Thứ 6, 03/05/2024, 01:15[GMT+7]

Âm nhạc Thái Bình: Đồng hành cùng sự phát triển của quê hương

Thứ 7, 30/12/2023 | 10:25:44
22,960 lượt xem
“Anh đến quê em một chiều nắng ấm / Khúc hát quê hương ru dài theo sóng / Thái Bình ơi Thái Bình/ Ai đặt tên cho đất Thái Bình tự bao giờ…”. Ra đời đã lâu, được nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện nhưng cho tới nay, những lời ca dạt dào tình cảm trong ca khúc “Nắng ấm quê hương” vẫn luôn được yêu mến qua giọng ca của NSND Đình Chiểu – NSND Huyền Phin. Đồng hành cùng sự phát triển của quê hương, những ca khúc về Thái Bình do nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh sáng tác, thể hiện đang từng ngày góp phần lan tỏa vẻ đẹp mảnh đất và con người nơi đây.

Chương trình nghệ thuật do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo biểu diễn kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, nhạc sĩ Nguyễn Thái Dương, Chi hội trưởng Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Thái Bình là người đã nổi tiếng với không ít giải thưởng âm nhạc tại nhiều cuộc thi trong nước. Ông luôn tự hào về các thế hệ nhạc sĩ Thái Bình cũng như những ca khúc đã gắn liền với quá trình phát triển của “quê hương năm tấn”. 

Nhạc sĩ Thái Dương cho biết: Chú trọng vai trò của văn nghệ sĩ là khơi gợi cái hay, cái đẹp trong mỗi con người, sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật phục vụ cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước, các nhạc sĩ người Thái Bình ở khắp mọi miền đất nước qua các thời kỳ đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng, được công chúng đón nhận. Phải kể đến trong đó là nhạc sĩ Thái Cơ với ca khúc “Rặng trâm bầu”, “Qua bến đò Quan”, “Nghe tiếng trống quê hương”; nhạc sĩ Tô Hải với sáng tác “Hẹn mùa mười tấn năm sau”; nhạc sĩ Bùi Anh Tú với nhạc phẩm “Anh hãy về quê em”… Ngoài ra, cũng đã có nhiều tác phẩm nổi tiếng về Thái Bình do các nhạc sĩ tỉnh ngoài về thăm và sáng tác như “Nắng ấm quê hương”, “Bài ca 5 tấn”, “Hai chị em”, “Cô gái Thái Bình”, “Mẹ Thái Bình”… đã khắc họa chân thực, sinh động mảnh đất mang trong mình nhiều dấu ấn của văn hóa, lịch sử.

Còn đối với nhạc sĩ Mai Cách, dù nay đã ở tuổi gần 70 nhưng ông luôn là một trong những hội viên tích cực của Chi hội Âm nhạc và Múa, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. 

Về quá trình phát triển của âm nhạc Thái Bình, nhạc sĩ Mai Cách chia sẻ: Âm nhạc Thái Bình được coi là có tầm chuyên nghiệp kể từ thập niên cuối của thế kỷ XX. Hiện nay, trong khu vực đồng bằng Bắc Bộ, số lượng nhạc sĩ của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tại Thái Bình so với các tỉnh, thành phố khác là khá lớn. Gia tài âm nhạc của nhạc sĩ Thái Bình cũng phong phú, đa dạng với nhiều thể loại như nhạc giao hưởng, nhạc sân khấu, lễ hội, tác phẩm hòa tấu nhạc cụ dân tộc và riêng mảng ca khúc chiếm khoảng 80% gia tài âm nhạc của đa số các nhạc sĩ. Nói đến âm nhạc Thái Bình là nói đến mảng ca khúc đa phong cách, đa hình thức và thể loại, được nhào nặn nhuần nhuyễn từ chất liệu dân gian kết hợp với tính bác học của âm nhạc hiện đại. Với lời ca đậm chất chèo, chất thơ, nhiều ca khúc đã đạt giải thưởng danh giá của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, ngoài ra còn có nhiều cuộc thi sáng tác do các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức… đánh dấu sự trưởng thành của âm nhạc Thái Bình, ghi nhận tính chuyên nghiệp trong mảng sáng tác ca khúc của một chi hội âm nhạc ở địa phương.

Các chương trình nghệ thuật do nghệ sĩ Thái Bình biểu diễn được dàn dựng công phu phục vụ nhân dân trong tỉnh.

Khích lệ những sáng tác chất lượng của hội viên, năm 2023 là năm đầu tiên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh trao giải cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật chủ đề "Doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội". Nhiều nhạc sĩ Thái Bình đã có tác phẩm được ghi nhận tại cuộc thi. Từ thành công này, nhạc sĩ Thái Bình tích cực tham gia nhiều chuyến đi thực tế và các cuộc vận động sáng tác ở mọi miền Tổ quốc, đưa hơi thở của cuộc sống thường nhật vào tác phẩm âm nhạc. 

Nhạc sĩ trẻ Kỳ Nam là một trong những hội viên mới được kết nạp vào Chi hội Âm nhạc và Múa, hiện đang công tác tại Nhà hát Chèo Thái Bình, trong năm 2023 đã có ca khúc “Sứ mệnh doanh nhân Thái Bình” đạt giải B tại cuộc thi "Doanh nghiệp, doanh nhân Thái Bình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội", ca khúc “Bài ca những anh hùng biển cả” đạt giải C thể loại âm nhạc trong cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam…

 Nhạc sĩ Kỳ Nam cho biết: Trong gia tài sáng tác của tôi hiện có khoảng 30 tác phẩm đang được công chúng đón nhận. Tôi mong muốn tiếp bước thế hệ nhạc sĩ đi trước ngày càng có nhiều ca khúc chất lượng, phản ánh về mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là quê hương, đất nước đang đổi mới từng ngày.

Nghệ sĩ Thái Bình nỗ lực bảo tồn nghệ thuật truyền thống trên quê hương.

Ông Phạm Tấn Anh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Quan tâm định hướng sáng tác cho hội viên, ngoài các hoạt động thực tế sáng tác, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã tổ chức tọa đàm “Âm nhạc Thái Bình trong thời kỳ đổi mới” thu hút không chỉ đông đảo hội viên Chi hội Âm nhạc và Múa mà còn có sự góp mặt của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các thầy giáo, cô giáo giảng dạy bộ môn âm nhạc trong nhà trường. Mục tiêu trong thời gian tới, Hội sẽ nỗ lực hỗ trợ nhạc sĩ Thái Bình quảng bá tác phẩm tới công chúng trong và ngoài tỉnh.

Mong rằng, bằng nhiệt huyết, niềm đam mê và mong mỏi sáng tác nên những ca khúc bất hủ về quê hương, với sự ủng hộ thiết thực của các ngành chức năng, thế hệ nhạc sĩ Thái Bình hôm nay sẽ góp phần tích cực quảng bá vẻ đẹp mảnh đất, con người Thái Bình cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tú Anh