Chủ nhật, 05/05/2024, 18:15[GMT+7]

Ðể truyện tranh phát triển lành mạnh

Thứ 2, 02/07/2012 | 09:15:56
2,490 lượt xem
Lời thoại ngắn gọn, cách kể hấp dẫn, minh họa sinh động, đó là những thế mạnh nổi trội khiến truyện tranh luôn là lựa chọn số một trong thế giới giải trí của trẻ nhỏ. Song, có nhìn vào diện mạo thị trường truyện tranh nước ta mới thấy còn tồn tại nhiều vấn đề đáng bàn cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện.

Truyện tranh là lựa chọn hàng đầu trong thế giới giải trí của trẻ nhỏ.

Ở  độ tuổi bước đầu làm quen, tìm hiểu cuộc sống, những thông tin, hình ảnh trong truyện tranh là yếu tố có tác động lớn đến sự hình thành nhận thức và nhân cách của trẻ nhỏ. Bởi qua truyện tranh, trẻ không những phát triển óc sáng tạo, trí tưởng tượng mà còn thu nhận được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, bài học kinh nghiệm từ những câu chuyện có ý nghĩa triết lý, giáo dục sâu sắc. Do vậy, sẽ đặc biệt hữu ích nếu trẻ được tiếp cận những truyện tranh mang ý nghĩa nhân văn, nhân sinh lành mạnh. Và ngược lại, hậu quả cũng nghiêm trọng không kém nếu trẻ tìm thấy những "hạt sạn" thông tin độc hại trong các sản phẩm truyện tranh thiếu chuẩn mực văn hóa. Nhưng đáng tiếc, thị trường truyện tranh nước ta lại đang đặt ra cho trẻ nhiều khó khăn, nhầm lẫn trong việc lựa chọn trước tính song hành, đan cài phức tạp của những giá trị tốt-xấu. Dạo một vòng quanh các con đường Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Khương Thượng, Phương Mai, Trung Tự (Hà Nội)..., sẽ không khó để nhận ra những truyện tranh bạo lực được bày bán ngang nhiên trên kệ sách của các cửa hàng với số lượng không ít mà đa phần có xuất xứ từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Hết Ragnarok (NXB Kim Ðồng) lại đến Túy quyền, Song hùng kỳ hiệp (NXB Phương Ðông)..., hầu như trang truyện nào cũng đầy ắp những hình ảnh sát thương đẫm máu. Các nhân vật được minh họa với mặt mũi hung hăng, mím môi, nhíu mày, trợn mắt, tay lăm le súng ống, giáo, gươm, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng lao vào nhau để tiến hành những cuộc thanh trừ đằng đằng sát khí. Kéo theo đó là những âm thanh "bùm", "chát", "kịch", "roẹt" của binh khí khi va chạm và tiếng "hây da", "hứ", "hự" của những nhân vật khi thi triển các chiêu tác chiến.

Truyện tranh châu Á tràn vào nước ta giống như một cơn lốc lớn, yếu tố bạo lực quyết liệt, mạnh mẽ bao nhiêu thì yếu tố "sex" cũng mùi mẫn, ướt át bấy nhiêu. Truyện tranh "Thủy thủ mặt trăng" một thời đã từng là niềm đam mê của trẻ em, giờ đây cũng đầy rẫy hình ảnh các nhân vật chính ôm, hôn tình tứ. Tiêu biểu nhất phải kể đến dòng truyện tranh dành cho tuổi mới lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc như Dòng sông huyền bí, Con nhà giàu, hay Punch - tình ca trên sàn đấu... Nét đẹp trong sáng, hồn nhiên của những mối tình đầu thuở học trò chẳng thấy đâu, chỉ rặt những ám thị về "sex" với các hình ảnh ướt át thái quá và lời lẽ đặc tả những "thổn thức" khiến người lớn cũng phải rùng mình. Các nhà xuất bản tự bào chữa cho mình bằng cách in các dòng cảnh báo lên bìa truyện "Chỉ dành cho lứa tuổi 15+, 16+...", song thử hỏi các bạn trẻ ở độ tuổi này học tập được gì, tiếp thu được gì từ những bộ truyện như trên ngoài sự nhảm nhí, vô bổ. Ðiều đáng bàn hơn là cho dù các cảnh báo độ tuổi có xuất hiện thì cũng chỉ mang tính hú họa, bởi tâm lý càng cấm thì càng cứ, dù tuổi chưa lớn hay mới lớn cũng đều cho mình là đã lớn, hơn nữa, cũng chẳng có chế tài nào ngăn các cửa hàng không được bán truyện 16+, 18+ cho các đối tượng nhỏ tuổi hơn. Cứ thắc mắc tại sao nạn bạo lực học đường càng lúc càng gia tăng, tại sao những câu chuyện dở khóc dở cười ở lứa tuổi học trò xuất phát từ ham muốn thể nghiệm giới tính vẫn ngày ngày tiếp diễn, một phần câu trả lời có lẽ nằm ngay ở chính những tập truyện tranh thiếu lành mạnh. Ðó là chưa kể, một số bộ truyện tranh gần đây còn dẫn đến nguy cơ làm mai một sự trong sáng của tiếng Việt với sự xuất hiện của một loạt những từ không hề có trong từ điển như: ak (ặc), bít (biết), chít (chết), bụp, phập,... Không hiếm những tựa truyện mà chỉ vừa đọc đã thấy phản cảm như: Thuyền trưởng quần lót; Siêu nhân mì ăn liền; Mèo Angus, quần lọt khe và nụ hôn thắm thiết... Nguy hiểm hơn, ngay cả những câu chuyện cổ tích đã được cha ông ta lưu truyền qua biết bao thế hệ khi được phát hành dưới dạng truyện tranh giờ cũng bị bóp méo, sai lệch về nội dung và thiếu chuẩn mực trong ngôn ngữ thể hiện. Ðơn cử như truyện "Sự tích trầu cau", tích xưa kể lại, cô con gái họ Lưu vì thấy người em nhường cháo cho người anh mới phân biệt được ai là anh, ai là em và xin phép cha được lấy người anh làm chồng, bởi theo tục cổ, anh phải lấy vợ trước em. Nhưng khi được NXB Thời Ðại phát hành, truyện đã có thêm tình tiết: sau khi biết Tân là anh, giữa Tân và cô gái họ Lưu có nhiều cuộc gặp gỡ, tình yêu của họ mỗi ngày một khăng khít nên đạo sĩ họ Lưu đồng ý gả con gái mình cho Tân. Không những thế, đến kết chuyện còn xuất hiện cụm từ thiếu tính mỹ học: "Vua bắt buộc trai gái khi kết hôn phải tìm cho được ba món: trầu, cau và vôi cho mọi người nhai nhai nhổ nhổ một tí để ghi nhớ tình yêu không bao giờ phai lạt". Rõ ràng, cốt truyện vẫn thế nhưng sự thêm thắt những tình tiết không hợp lý, việc sử dụng những từ ngữ thiếu chính xác đã làm suy giảm nét đẹp lễ nghĩa cũng như giá trị nhân văn sâu sắc của câu chuyện.

Trước sự xâm lấn mạnh mẽ của dòng truyện tranh nước ngoài cũng như những tác động tiêu cực tới giới trẻ, đã đến lúc chúng ta phải xác định việc xây dựng và phát triển thị trường truyện tranh chính là một trong những chiến lược quan trọng để phát triển con người. Chiến lược ấy sẽ không khó thực hiện nếu như những người làm công tác biên dịch, những người chịu trách nhiệm xuất bản làm việc cẩn trọng, tỉ mỉ hơn với cái tâm vì trẻ nhỏ và không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác kiểm duyệt và có chế tài mạnh mẽ để xử phạt đối với các cơ sở kinh doanh truyện có nội dung không phù hợp. Trên thế giới, một số nước phát triển đã áp dụng hiệu quả quy định phải xuất trình thẻ chứng minh hơn 18 tuổi mới được mua bia rượu, vậy tại sao Việt Nam không thể ứng dụng quy định này đối với các loại truyện tranh phân cấp độ tuổi thông qua việc nhận diện chứng minh thư, thẻ học sinh,...? Thiết nghĩ, khi du nhập các bộ truyện tranh nước ngoài, những người làm nội dung phải cố gắng tôn trọng bản gốc, song cũng cần có những chỉnh lý, biên soạn để nội dung truyện, ngôn ngữ truyện phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của đất nước mình. Ngoài ra, những bậc làm cha, làm mẹ, những người gần gũi con cái nhiều nhất nên có những định hướng, những kiểm soát nhất định đối với việc lựa chọn truyện tranh của con trẻ. Việc trẻ mới lớn tìm đến những truyện tranh có nhiều yếu tố sex còn có nguyên do sâu xa từ việc không được trang bị đầy đủ các kiến thức về giới tính, tình yêu, sức khỏe sinh sản tại nhà trường và gia đình, dẫn đến tò mò, muốn tìm hiểu. Vì thế, gia đình và nhà trường cần có sự kết hợp trong việc giáo dục giới tính cho học sinh, từ đó giúp trẻ có ý thức và kỹ năng tự bảo vệ mình trước những hình ảnh, nội dung độc hại từ nhiều luồng thông tin trong cuộc sống.

Theo nhandan

  • Từ khóa