Chủ nhật, 05/05/2024, 00:20[GMT+7]

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ

Thứ 3, 26/02/2013 | 09:22:25
2,645 lượt xem
Chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phục vụ sinh hoạt chi bộ cơ sở tháng 3 năm 2013

Bác Hồ bên cạnh các Đại biểu Đại hội Đoàn Toàn quốc lần thứ III. Ảnh tư liệu

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên. Chính vì vậy, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Người luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đến công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, nhất là giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên, thanh niên.

Nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946 (lần đầu tiên nhân dân ta được đón một cái tết với vị thế của người dân một nước độc lập), trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Người còn nhấn mạnh: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”.

Người chỉ rõ vị trí, vai trò của thế hệ trẻ "Là người tiếp sức cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai". Do vậy, Người đặc biệt quan tâm tổ chức, bồi dưỡng đoàn viên thanh niên thành đội xung kích cách mạng, lực lượng hậu bị của Đảng nhằm kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp của giai cấp và dân tộc.

Để giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên phải tự giác rèn luyện, không ngừng học tập, gương mẫu xung phong trong mọi công việc. Đi đôi với việc giáo dục trí lực, nâng cao trình độ chuyên môn, nắm vững khoa học kỹ thuật, mỗi đoàn viên, thanh niên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, bởi theo Người: "Thanh niên phải có đức, có tài. Có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì lợi ích cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không có lợi gì cho loài người". Đạo đức cách mạng ấy là sự triệt để trung thành với cách mạng, một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, sẵn sàng xả thân cho đất nước, điều đó được thể hiện ở ngay trong suy nghĩ và hành động hàng ngày của mỗi đoàn viên, thanh niên.

Để đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ trở thành người cách mạng chân chính, thành con người mới XHCN, Người nhấn mạnh việc cần thiết phải giáo dục đoàn viên, thanh niên tính trung thực, ngay thẳng, tác phong khiêm tốn, giản dị, tinh thần lao động tích cực, siêng năng, táo bạo và sáng tạo. Đoàn viên, thanh niên phải luôn có tinh thần cố gắng vươn lên, sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết, phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Không những thế, Người còn yêu cầu mỗi đoàn viên, thanh niên cần phải chống tâm lý tự ti, tự lợi, chỉ lo vun vén cho lợi ích riêng và sinh hoạt riêng của mình, chống tâm lý ham sung sướng và tránh khó nhọc, chống thói xem khinh lao động, nhất là lao động chân tay... đó là những thói xấu kìm hãm chí tiến thủ của đoàn viên, thanh niên. Người còn dặn thanh niên: “Tuổi trẻ phải ham làm việc lớn chứ không phải ham làm quan to”.

Thương yêu hết lòng và đặt niềm tin trọn vẹn vào đoàn viên, thanh niên, Người nhấn mạnh: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi mới thật là thanh niên”. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho đoàn viên, thanh niên "Muôn vàn tình thương yêu", điều đó đã được Người ghi rõ trong Di chúc thiêng liêng của mình: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ"; "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế tục sự nghiệp cách mạng vừa hồng vừa chuyên”. Người căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”. Có thể nói, từ bức thư tâm huyết gửi thanh niên Việt Nam đến lời “Di chúc” cuối cùng, Bác luôn dành cho đoàn viên, thanh niên tình cảm thương yêu, trìu mến, sự chăm sóc, dạy bảo ân cần.

Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn đề cao vai trò của đoàn viên, thanh niên. Coi đây là lực lượng xung kích, là đội dự bị tin cậy của Đảng. Đảng ta khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Công cuộc đổi mới đất nước, mở cửa và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội phát triển đất nước nói chung, thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng. Trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang xuất hiện những nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà hoạt động nghệ thuật có đức, có tài trong độ tuổi thanh niên. Nét nổi bật của tuổi trẻ nước ta là ý chí vươn lên, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, ham mê nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Tuyệt đại bộ phận thanh niên cơ bản giữ vững đạo đức cách mạng, sống trong sạch, giản dị, lành mạnh, biết vươn tới các giá trị chân, thiện, mỹ. Điều đó cho thấy, thanh niên nước ta ngày nay ý thức rõ trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, mong muốn được đóng góp vào công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác kính yêu hằng mong ước.
Tuy nhiên, dưới tác động mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế, đặc biệt trước những âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, khiến cho một bộ phận thanh niên chạy theo lối sống thực dụng, sa ngã, hư hỏng, xa rời các giá trị đạo đức - văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc…

Một trong các nguyên nhân của những biểu hiện yếu kém nêu trên là do chưa có sự quan tâm đúng mức đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ trước những biến đổi to lớn của đất nước. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống còn thiếu chiều sâu, chưa thiết thực. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn có những hạn chế, bất cập.

Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác thanh niên hiện nay là giáo dục rèn luyện đạo đức cách mạng cho những chủ nhân tương lai của nước nhà phải vừa "hồng", vừa "chuyên" như lời dạy của Bác. Đó không chỉ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà còn là trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội; đồng thời phát huy vai trò tích cực của thanh niên trong tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống.

Bước sang năm 2013, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, cùng với tuổi trẻ cả nước, tuổi trẻ Thái Bình đã và đang ra sức tiếp bước, phát huy truyền thống của cha anh, phấn đấu thực hiện thắng lợi Chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục của Đoàn”, trọng tâm là: Triển khai đề án “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi trong giai đoạn hiện nay”; các cuộc vận động, các phong trào "Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc", "Đồng hành cùng thanh niên lập thân lập nghiệp", tích cực tham gia các diễn đàn "Tuổi trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi hai mươi", "Thanh niên sống đẹp, sống có ích" và đẩy mạnh cuộc vận động “Tuổi trẻ Thái Bình chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đẩy mạnh các hoạt động thanh niên tình nguyện, các giải pháp đồng hành với thanh niên trong học tập, đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thể chất và đời sống văn hóa tinh thần, hoàn thiện kỹ năng sống cho thanh niên… Tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW, ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về: “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với những phong trào, việc làm cụ thể, thiết thực góp phần xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt như lúc sinh thời Bác kính yêu hằng mong muốn.

 

 

  • Từ khóa