Thứ 7, 04/05/2024, 20:53[GMT+7]

Kỷ niệm 38 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 Nghi binh, chia cắt địch trong chiến dịch Tây Nguyên

Chủ nhật, 17/03/2013 | 17:16:47
2,472 lượt xem
Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-3 đến 24-3-1975).

Sư đoàn 316 phối hợp với xe tăng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975. Ảnh tư liệu.

Sau khi Hiệp định Pa-ri ký kết (ngày 27-1-1973), so sánh lực lượng ở miền Namon> thay đổi căn bản, có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Theo hiệp định, Mỹ phải tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, rút toàn bộ quân đội và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, công nhận ở miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát. Trước tình hình đó, Đảng ta họp Hội nghị Trung ương 21 (tháng 7-1973), Hội nghị Bộ Chính trị (tháng 10-1974), phân tích tình hình và nhận định: Quân địch đã bị thất bại trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, ngoại giao. Ta càng đánh càng thắng, thế và lực của ta đã hơn hẳn địch, chưa bao giờ ta có đầy đủ điều kiện như hiện nay. Bộ Chính trị hạ quyết tâm: Giải phóng hoàn toàn miền Nam trong hai năm 1975-1976, đồng thời dự kiến phương án nếu thời cơ đến, lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.

 

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, quân và dân ta tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mở đầu bằng Chiến dịch Tây Nguyên (từ ngày 4-3 đến 24-3-1975). Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi, tạo nên bước ngoặt quyết định của chiến tranh cách mạng, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Namon>, thống nhất đất nước. Thắng lợi toàn vẹn của Chiến dịch Tây Nguyên đã giải quyết thành công nhiều vấn đề về nghệ thuật quân sự, nổi bật là nghệ thuật nghi binh, chia cắt địch.

 

Đầu năm 1975, địch cho rằng ta chưa hội đủ điều kiện để đánh lớn ở Buôn Ma Thuột, trước hết là không giải quyết nổi bảo đảm hậu cần-kỹ thuật, nhất là không bảo đảm được việc cơ động cho xe tăng và pháo cơ giới vượt sông Sê-rê-pốc. Nếu có mở chiến dịch tiến công Tây Nguyên, thì sẽ đánh vào Kon Tum, Plei-cu là chủ yếu. Trên cơ sở phân tích về địch, điều kiện về ta, địa hình để giành thắng lợi cho chiến dịch ta lập kế hoạch tác chiến theo hai phương án: Một là, đánh địch khi chúng chưa tăng cường, phòng ngự dự phòng. Hai là, đánh địch đã tăng cường dự phòng. Ta lấy phương án hai làm cơ bản, nhưng trong thực hiện phải hết sức tạo thời cơ để đánh theo phương án thứ nhất. Tư tưởng chỉ đạo tác chiến là: “Mạnh bạo, chắc thắng, chủ động, cơ động, linh hoạt, bí mật, bất ngờ”. Để giữ ý định chiến dịch, tạo điều kiện thời cơ đánh theo phương án một, đồng thời triệt để khai thác những đánh giá sai lầm của địch, Bộ tư lệnh chiến dịch chỉ đạo các đơn vị tích cực thực hành nghi binh, chia cắt để đánh lừa địch, thu hút và giam chân khối chủ lực ở bắc Tây Nguyên.

 

Từ ngày 1-3-1975, Sư đoàn 968 tiến công tiêu diệt một loạt các vị trí địch ở phía tây nam thị xã Plei-cu, đồng thời cùng lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân mở đường rầm rộ tiến vào thị xã từ phía tây. Trong thời gian này, các đơn vị của ta bí mật cơ động vào các khu vực được phân công và tập kết vật chất đảm bảo cho tác chiến. Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320 để lại toàn bộ cụm điện đài và báo vụ viên ở lại vị trí cũ, hằng ngày các điện đài vô tuyến của các đơn vị vẫn thường xuyên duy trì liên lạc tại khu vực đã đứng chân ở bắc Tây Nguyên, phát đi đều đặn những bức điện, mệnh lệnh giả. Bộ tư lệnh chiến dịch dùng hệ thống vô tuyến điện của Sư đoàn 470, Đoàn 559 để chỉ huy. Kế hoạch nghi binh hoàn hảo của ta làm cho địch nhận định sai lầm, dàn mỏng lực lượng, sơ hở ở khu vực phòng thủ Buôn Ma Thuột.

 

Từ ngày 3 đến 9-3-1975, Trung đoàn 95A tiến công một số vị trí địch cắt đường 19 đoạn từ ngã ba Plây Bôn đến ấp Phú Yên, địch càng cho rằng sự phán đoán của chúng là đúng, đã tập trung lực lượng phản kích trên đường 19 và phòng giữ Kon Tum, Plei-cu. Ngày 4-3, Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh chiến dịch họp nhận định, ta đã điều khiển được địch theo đúng ý định và hạ quyết tâm: Đánh địch theo phương án địch chưa tăng cường phòng ngự dự phòng ở thị xã Buôn Ma Thuột. Để đánh thắng trận mở màn ở Buôn Ma Thuột, ta sử dụng Sư đoàn 320 đánh chiếm Chư Xê và CẩmGa cắt hoàn toàn đường 14. Phát hiện Sư đoàn 320 của ta, địch vội vã điều liên đoàn 21 biệt động quân lên Buôn Hồ (cách nam Thuần Mẫn 30km) để bảo vệ phía bắc Buôn Ma Thuột. Nhận thấy dấu hiệu địch tăng cường lực lượng bằng đường không cho Buôn Ma Thuột, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho lực lượng pháo binh, cao xạ kiềm chế hai sân bay Cù Hanh và Hòa Bình; Sư đoàn 968 cắt đường 14 đoạn giữa Kon Tum và Plei-cu, đồng thời tiếp tục bắn phá vào hai thị xã này. Để bảo đảm hành lang cho các đơn vị cơ động, triển khai tiến công vào hướng nam Buôn Ma Thuột, đánh lừa và thu hút thêm sự chú ý của địch, cô lập thị xã Buôn Ma Thuột, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng Sư đoàn 10 (thiếu) đánh chiếm quận lỵ Đức Lập (ngày 9-3), căn cứ 23 và căn cứ Núi Lửa, khiến địch phải co cụm và chống cự quyết liệt.

 

Trong lúc địch đang bối rối và bị động phải đối phó ở khắp nơi, Bộ tư lệnh quyết định tiến công thị xã Buôn Ma Thuột theo phương án đánh địch khi chúng không có lực lượng tăng cường phòng ngự dự phòng, bắt đầu từ 2 giờ sáng 10-3-1975. Đến trưa 11-3-1975, ta làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột, sau đó tiến công các căn cứ của địch ở khu vực xung quanh. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, địch bỏ Plei-cu, Kon Tum rút chạy theo đường số 7. Phát hiện địch rút chạy, ta tổ chức truy kích tiêu diệt toàn bộ quân địch rút chạy trên đường số 7, đoạn Cheo Reo, Củng Sơn, giải phóng toàn bộ Tây Nguyên.

 

Thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên khẳng định sự vận dụng thành công nghệ thuật nghi binh, chia cắt địch, giữ bí mật ý định và hành động chiến dịch. Quá trình thực hành chiến dịch, ta triệt để khai thác những suy đoán chủ quan, sai lầm của địch và liên tục củng cố sai lầm của chúng, dẫn dắt và hướng chúng hành động theo ý định của ta. Ta còn thành công trong việc giam chân bộ phận chủ yếu của chủ lực địch ở Kon Tum, Plei-cu. Đó cũng là quá trình gạn lọc để loại trừ và hạn chế các tình huống bất lợi cho ta, chủ động bắt địch hành động theo hướng có lợi cho ta và cũng là nguyên nhân dẫn địch đến thất bại, chấp nhận rút bỏ toàn bộ Tây Nguyên, phá vỡ toàn bộ hệ thống phòng ngự liên hoàn của chúng, tạo thế, tạo thời để ta mở tiếp đòn tiến công chiến lược thứ hai, giải phóng Huế-Đà Nẵng và kết thúc đòn tiến công chiến lược quyết định cuối cùng bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nguồn qdnd.vn

  • Từ khóa