Thứ 7, 04/05/2024, 15:57[GMT+7]

Đề cương gợi ý trả lời Cuộc thi "Bác Hồ với Thái Bình - Thái Bình làm theo lời Bác"

Thứ 2, 08/04/2013 | 15:52:23
7,498 lượt xem

Bác Hồ về thăm Nam Cường (Tiền Hải) Ảnh: Tư liệu

Câu 1: Bạn hãy cho biết, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bao nhiêu lần về thăm Thái Bình? Bối cảnh lịch sử, ý nghĩa những lần Người về thăm?

Gợi ý trả lời:
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần về thăm Đảng bộ và nhân dân Thái Bình.
Lần thứ nhất: Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền dân chủ nhân dân vừa mới thành lập, đứng trước muôn vàn khó khăn, thử thách: 28 vạn người chết đói, 500 quân Tưởng kéo vào quấy phá, đê Đìa (Hưng Nhân) và đê Mỹ Lộc (Thư Trì) bị vỡ. 15 giờ, ngày 10 - 01 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hưng Yên đến thăm Thái Bình. Người làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại Uỷ ban hành chính tỉnh, Người căn dặn: Phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết các thân hào, thân sỹ,  trước hết phải lo giải quyết nạn đói cho nhân dân và nhanh chóng khắc phục đoạn đê mới  bị vỡ. Sau đó, Người đến thăm đoạn đê Đìa thuộc huyện Hưng Nhân. Trước đông đảo đồng bào Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên và nhắc nhở: nhiệm vụ trước mắt là phải đắp lại đê và cứu đói.

Lần thứ hai: Ngày 28 - 4 - 1946, biết tin nhân dân Thái Bình chỉ trong ba tháng đã khắc phục được hậu quả hai quãng đê bị vỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình lần thứ hai. Cùng đi với Người có ông Huỳnh Thúc Kháng, Lê Văn Hiến và một số lãnh đạo khác. Tại nhà Trí thể dục (thị xã Thái Bình), Người đã gặp gỡ, nói chuyện với hơn 5 vạn cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Người khen ngợi thành tích tăng gia lao động sản xuất của nhân dân và kêu gọi mọi người phải đoàn kết, ra sức diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Sau đó, Bác đến thăm quãng đê vỡ đã được hàn gắn. Người xem xét rất kỹ đoạn đê và nhắc phải đầm đất kỹ hơn nữa.

Lần thứ ba: Ngày 26 - 10 - 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình. Người gặp gỡ Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Uỷ ban hành chính tỉnh tại trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo tình hình và những công việc của tỉnh đã làm được trong năm 1958. Rời Trụ sở Uỷ ban hành chính tỉnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chuyên gia Trung Quốc tại công trường nhà máy Xay. Sau đó, Người tới dự Đại hội sản xuất Đông - Xuân tỉnh Thái Bình. Tại sân vận động thị xã, Chủ tịch Hồ Chí Minh có buổi nói chuyện với 4 vạn đại biểu nhân dân Thái Bình từ cấp xã, huyện, tỉnh. Người đánh giá cao những thành tích mà quân dân Thái Bình đã đạt được và nhắc nhở một số điểm cần khắc phục như vấn đề tiết kiệm, chủ quan, tự mãn. Người kết luận “Thái Bình có nhiều điều kiện thuận lợi, người đông, đất tốt, nước có sẵn, đồng bào và cán bộ phải cố gắng làm cho tỉnh nhà thành một tỉnh gương mẫu trong miền Bắc”.

Lần thứ tư: Được biết, Thái Bình có phong trào lấn biển khai hoang và toàn tỉnh đạt thành tích cao trong sản xuất, ngày 26 - 3 - 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm và động viên phong trào. Từ máy bay trực thăng xuống, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các tầng lớp nhân dân ra đón. Người đến thăm xã Nam Cường (huyện Tiền Hải), xã điển hình đi đầu trong công tác lấn biển, mở rộng diện tích đất canh tác, Người khen ngợi thành tích ngăn biển, khai phá đất hoang và tặng huy hiệu cho 4 cán bộ, xã viên có thành tích xuất sắc trong xã.

Người đến thăm Hội nghị cán bộ toàn tỉnh, gặp gỡ các đại biểu đang họp tại xã Đông Lâm (huyện Tiền Hải). Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi nhân dân Thái Bình có nhiều cố gắng trong tăng vụ, vỡ hoang, làm thuỷ lợi, phân bón. Thay mặt Trung ương, Người giao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên tỉnh Thái Bình phải xây dựng Thái Bình thành một trong những tỉnh khá nhất về mọi mặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã tặng huy hiệu của Người cho 14 chiến sỹ thi đua về lao động sản xuất trong toàn tỉnh. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm một số gia đình xã viên của xã Đông Lâm, thăm một đơn vị bộ đội đóng quân tại địa phương.

Lần thứ năm: Chiều ngày 31-12-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thái Bình, tỉnh đầu tiên đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Cùng đi với Bác có các đồng chí: Tố Hữu và Hoàng Anh. Người làm việc với các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại nơi sơ tán - thôn Đại Đồng, xã Tân Hoà, huyện Thư Trì, nghỉ lại 1 đêm tại đây. Sáng ngày 01-01-1967, Người tới thăm xã Hiệp Hoà, huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) nói chuyện với cán bộ, nhân dân tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hoà, Người biểu dương những cố gắng của nhân dân Thái Bình trong nhiều năm qua, đặc biệt năm 1966, Thái Bình đã sản xuất giỏi, toàn tỉnh đạt năng suất cao (5 tấn/ha). Người nhắc nhở cán bộ và nhân dân Thái Bình phải cố gắng hơn nữa, đặc biệt phải khắc phục một số tật xấu như tệ đánh vợ, chưa coi trọng phụ nữ, không nên chủ quan, tự mãn. Cuối cùng, Người kết luận: “Thái Bình có tiến bộ nhiều, Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”.

Ngoài những vinh dự trên, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình còn nhận được muôn vàn tình thương yêu và chăm sóc của Bác như: trong nhiều năm theo dõi Báo “Thái Bình tiến lên”, Bác đã thưởng huy hiệu cho 67 người tốt, việc tốt. Bác khen 41 giáo viên dạy giỏi, 197 học sinh giỏi. Bác hai lần gửi thư khen Hợp tác xã Tân Phong, Đông Bình cách chăn nuôi trâu, bò giỏi, khen ngợi Hợp tác xã Hiệp Hoà trồng cây giỏi, khen đội thuỷ lợi Quang Trung làm thuỷ lợi giỏi. Bác gửi Tỉnh uỷ ba tấm ảnh có chữ ký của Người làm phần thưởng. Đầu năm 1969, cả Ban Thường vụ Tỉnh uỷ được vào thăm và chụp ảnh với Bác.

Câu 2: Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tỉnh Thái Bình, Bác Hồ từng căn dặn: “Thái Bình có nhiều tiến bộ, Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Bạn hãy cho biết câu nói trên Bác nói ở đâu? Vào thời gian nào? Nội dung, ý nghĩa của bài nói chuyện đó?

Gợi ý trả lời:
Trong bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ, chiến sĩ tỉnh Thái Bình, Bác Hồ từng căn dặn: “Thái Bình có nhiều tiến bộ, Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt”. Câu nói trên Bác nói tại đình Phương Cáp, xã Hiệp Hoà, huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư) vào ngày 01 tháng 01 năm 1967 khi Người về thăm Thái Bình lần thứ năm.

Toàn văn bài nói chuyệ của Bác với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình ngày 01 - 01 - 1967
Hôm nay, Bác cùng với các đồng chí Tố Hữu và Hoàng Anh, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm Thái Bình là tỉnh trong năm 1966 đã sản xuất khá giỏi. Bây giờ có mấy câu chuyện nói với các cụ, các cô, các chú.

Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng và toàn dân ta là sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Sản xuất và chiến đấu là hai mặt trận quan hệ rất mật thiết với nhau. Các hợp tác xã nông nghiệp là đội quân hậu cần của quân đội chiến đấu ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã là chiến sỹ sản xuất, cần phải cố gắng như chiến sỹ ngoài mặt trận. Các xã viên hợp tác xã phải sản xuất tốt để bộ đội và nhân dân ta ăn no, đánh thắng. Vì vậy, nhiệm vụ của các hợp tác xã nông nghiệp, của bà con xã viên, của cán bộ công tác ở nông thôn là rất quan trọng.

Các chiến sỹ ở ngoài mặt trận phải có đủ vũ khí, phải nắm vững chiến thuật để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trên mặt trận sản xuất, cán bộ và xã viên phải nắm vững kỹ thuật canh tác để thâm canh tăng năng suất. Muốn tăng năng suất, trước hết phải làm tốt thuỷ lợi, phải nhiều phân bón. Phân bón thì có thứ phân bón sẵn có, chỉ cần ta xúc lấy là được, như bùn, nước phù sa. Nhưng phân chuồng vẫn là loại phân bón tốt nhất. Muốn có nhiều phân chuồng thì phải chăn nuôi tốt, nhất là nuôi lợn. Có đủ nước, nhiều phân rồi, lại còn phải chọn giống tốt, phải phòng trừ sâu bệnh thì mới thu hoạch được nhiều. Trong sản xuất có nhiều việc quan hệ với nhau. Có làm tốt cả các biện pháp thì ruộng mới có năng suất cao, mùa màng mới thắng lợi.

Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, phải coi trọng cả lúa và hoa màu. Có lúa lại phải có nhiều hoa màu thì lương thực mới dồi dào. Hoa màu dùng làm thức ăn cho người, lại còn để chăn nuôi lợn.

Trong việc chăn nuôi chú ý nuôi nhiều cá, để thêm thức ăn.
Một việc rất quan trọng nữa là phải trồng cây gây rừng. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Trồng 100 cây mà sống cả, tốt cả thì hơn trồng 1000 cây mà chỉ sống được 90 cây. Việc trồng cây nên dựa vào lực lượng các cụ phụ lão và các cháu nhi đồng. Các cụ vừa có kinh nghiệm trồng cây, vừa cẩn thận, tỉ mỉ chăm sóc cây cối. Các cháu nhỏ ở nông thôn cần giúp các cụ giữ gìn cây tốt, không để cho trâu bò phá hại.

Muốn làm tốt những công việc sản xuất thì phải tổ chức và phân phối sức lao động cho tốt. Sau này, kháng chiến thắng lợi, chúng ta sẽ có nhiều máy móc để thay thế cho sức người và sức trâu bò. Nhưng bây giờ chúng ta còn cần nhiều sức trâu bò. “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Phải chăm sóc trâu bò, không được để trâu bò đói rét.

Muốn sử dụng tốt sức người vào công việc sản xuất, thì cần ra sức cải tiến công cụ. Một người gánh khoẻ cũng chỉ được độ 50 cân, nhưng một người kéo một cái xe thì có thể chở được hơn vài tạ, tức là gấp mấy lần gánh.

Sức người có nhiều loại: có thanh niên, có phụ nữ, có người trẻ, có người già. Phải phân công cho hợp lý, người khoẻ thì làm việc nặng, người yếu thì làm việc nhẹ.

Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khoẻ cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt. Ví dụ: Khi phụ nữ có kinh thì hợp tác xã chớ phân công họ đi làm ở chỗ ruộng sâu, nước rét. Các hợp tác xã phải có những tổ giữ trẻ tốt để phụ nữ có con mọn có chỗ gửi các cháu để yên tâm lao động.

Một điều nữa, Bác cần nói là: phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lê nin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ. Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa.

Bây giờ Bác nói đến tình hình các hợp tác xã nông nghiệp ở Thái Bình. Nói chung đều có tiến bộ, thu hoạch khá. Nhưng chưa phải hợp tác xã nào cũng đều tốt cả. Cho nên các hợp tác xã đã khá rồi phải cố gắng vươn lên nữa. Các hợp tác xã kém thì phải cố gắng tiến lên thành hợp tác xã khá. Các hợp tác xã đều phải:
- Đoàn kết chặt chẽ giữa xã viên với nhau, đoàn kết giữa ban quản trị và xã viên.
- Thực hành dân chủ, nghĩa là công việc đều phải bàn bạc với xã viên, cán bộ không được quan liêu, mệnh lệnh.
- Tài chính phải công khai, tuyệt đối chống tham ô, lãng phí.

Các hợp tác xã phải làm thế nào để các xã viên đều thấy rằng mình là người chủ tập thể của hợp tác xã, có quyền bàn bạc và quyết định những công việc của hợp tác xã. Có như thế thì xã viên sẽ đoàn kết chặt chẽ, phấn khởi sản xuất và hợp tác xã sẽ tiến bộ không ngừng.

Năm nay, Thái Bình được mùa khá. Nhưng chớ thấy được mùa mà chủ quan, cụ thể là:
a. Phải cố gắng hơn nữa, không nên cho như thế là đủ rồi. Phải làm cho năng suất cao hơn nữa;
b. Phải tiết kiệm, không được lãng phí;
c. Thái Bình vốn là một tỉnh đất hẹp, người đông. Cho nên phải hết sức tăng năng suất cây trồng, nhưng vẫn phải đi vỡ hoang thêm ruộng đất. Trong việc vỡ hoang có xã Nam Cường, năm nọ Bác về thăm thì mới bắt đầu vỡ hoang. Bây giờ Nam Cường chẳng những sản xuất đủ ăn mà còn xung phong bán thóc làm nghĩa vụ cho Nhà nước. Như thế là rất tốt.

Ruộng đất khôn lắm, nó cũng biết suy tính đấy. Người chăm sóc nó chừng nào thì nó trả ơn cho người chừng ấy. Về chuyện ruộng đất, có hai nhóm tranh luận với nhau: nhóm A thì cho đất tốt là do người chăm sóc nó. Nhóm B thì cho đất tốt, đất xấu là do nó vốn có sẵn như vậy. Bác cho rằng nhóm A là đúng. Như hợp tác xã Tân Phong chẳng hạn. Đất Tân Phong trước đây cũng không tốt mấy. Nhưng Đảng bộ và bà con xã viên ở đó quyết tâm cải tạo đất. Bây giờ cả hợp tác xã Tân Phong đạt hơn 7 tấn thóc/ha. Đạt được như vậy cũng chưa phải là tột bậc, còn có thể đạt cao hơn nữa.

Bác nghe nói ở Thái Bình đang có phong trào báo công, bình công. Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ai có công thì báo công và đưa ra trước xã viên bình công. Làm như thế là tốt, vì:
- Ai có công, ai không có công, bà con xã viên đều biết. Do đó thúc đẩy lẫn nhau, cùng cố gắng lập công mới.
- Người có công gì tự báo công để tập thể bình bầu, như thế là thực hành quyền dân chủ trong nhân dân, làm cho mọi người đều phấn khởi và cố gắng.
- Đó cũng là một dịp để phê bình và tự phê bình một cách thiết thực, nhân dân tự  giác giáo dục lẫn nhau, qua đó mà mọi người biết làm việc gì thì tốt, làm thế nào là tốt...
- Về việc xây dựng Đảng ở Thái Bình, phát triển Đảng như vậy là khá. Nhưng đảng viên phụ nữ hiện nay mới chiếm 17 % tổng số đảng viên, như thế là còn ít, còn hẹp hòi với phụ nữ. Trong lúc đề bạt cán bộ trẻ phải chú ý đến sự đoàn kết giữa đảng viên cũ và đảng viên mới. Trong Đảng ta có nhiều đảng viên già, nhiều đảng viên trẻ. Đảng viên nhiều tuổi thì từng trải. Đảng viên trẻ tuổi thì hăng hái. Cho nên đảng viên phải giúp đỡ lẫn nhau cùng nhau tiến bộ. Công việc cách mạng rất nhiều, không sợ thiếu việc. Phải chú ý đến phát triển Đảng vào thanh niên. Không nên hẹp hòi. Nhưng việc phát triển Đảng phải làm cẩn thận, không được cẩu thả.

Còn hai điều nữa, phải rất chú ý:
Một là, việc phòng không nhân dân phải làm tốt hơn nữa. Địch càng thua, càng liều lĩnh. Chiến tranh có thể còn gay go hơn. Cho nên phải đào nhiều hầm hào để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Hai là, nhân dân phải ra sức bảo vệ tài sản của Nhà nước và của hợp tác xã hơn nữa. Phải giáo dục nhân dân, làm cho mọi người rõ: của Nhà nước, của hợp tác xã, tức là của mình, do đó mọi người phải ra sức giữ gìn, không để cho mất mát, hao hụt.

Cuối cùng, Bác nhờ các cụ, các cô, các chú chuyển lời thăm hỏi tới toàn thể bà con xã viên trong hợp tác xã, công nhân trong xí nghiệp, cán bộ trong cơ quan, các đơn vị bộ đội và công an, dân quân trong tỉnh. Năm nọ, Bác về thăm, cán bộ và đồng bào trong tỉnh đã hứa với Bác sẽ đưa phong trào tiến lên mạnh mẽ. Bây giờ, Bác rất vui lòng thấy Thái Bình có tiến bộ nhiều. Bác mong các đồng chí và đồng bào đều cố gắng hơn nữa để làm cho Thái Bình trở thành một tỉnh gương mẫu về mọi mặt.

Câu 3: Bạn hãy cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hợp tác xã đầu tiên nào của Thái Bình và cũng là hợp tác xã đầu tiên của miền Bắc đạt thành tích 5 tấn thóc/ha? Ý nghĩa của sự kiện đó đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay?

Gợi ý trả lời:
* Hợp tác xã Tân Phong, xã Việt Hùng, huyện Thư Trì (nay là huyện Vũ Thư), tỉnh Thái Bình là Hợp tác xã đầu tiên của Thái Bình và cũng là hợp tác xã đầu tiên đạt năng suất lúa cao nhất toàn miền Bắc với thành tích 5 tấn thóc/ha. (Nêu một vài nét khái quát về Hợp tác xã Tân Phong, xã Việt Hùng, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình).

* Ý nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay
-  Thái Bình đạt 5 tấn thóc/ha, ghi dấu mốc trong lịch sử là tỉnh đầu tiên đạt năng suất lúa cao nhất trên toàn miền Bắc trong điều kiện đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc; phương tiện, công cụ sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, thiếu thốn nhưng với tinh thần quyết tâm, tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chắc tay súng, vững tay cày, vừa chiến đấu, vừa sản xuất. Sự kiện này thể hiện ý chí, sức mạnh đoàn kết của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã làm nên kỳ tích trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc...
- Tích cực đóng góp sức người, sức của, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước...
- Phát huy những thành tích đã đạt được trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; sự kiện Thái Bình đạt 5 tấn thóc/ha năm 1966 vừa là bài học về huy động sức dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay, đồng thời vừa là động lực giúp Đảng bộ và nhân dân Thái Bình không ngừng phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, quyết tâm đưa Thái Bình trở thành một tỉnh nông thôn mới, có nền nông nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020...

Câu 4: Thực hiện lời huấn thị của Bác, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đạt được những thành tựu gì, đặc biệt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới? Là một người con của quê hương, bạn sẽ làm gì để góp phần xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh "gương mẫu về mọi mặt"?

Gợi ý trả lời
- Thái Bình là vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng; nhân dân kiên cường, bất khuất, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt là từ khi có Đảng đến nay, 83 năm qua, Đảng bộ và dân dân Thái Bình đã khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, không ngừng phấn đấu, xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng phát triển.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Thái Bình luôn là hậu phương vững chắc của quân và dân đồng bằng Bắc Bộ, chỉ huy sở tiền phương của Chiến khu Ba, Mặt trận 5, Thành đội Hải Kiến... Mặt khác, Thái Bình không chỉ đảm bảo đủ nhân tài, vật lực cho kháng chiến tại địa phương mà còn huy động đáng kể sức người, sức của cho chiến trường cả nước, bổ sung cho bộ đội chủ lực (bao gồm cả cán bộ, chiến sĩ) với quân số tương đương ba đại đoàn; huy động 10 triệu ngày công phục vụ chiến đấu, cung cấp cho Trung ương và các tỉnh bạn hàng chục vạn tấn thóc. Chỉ riêng các khoản thuế quy ra thóc (từ năm 1951 đến tháng 6-1954), Thái Bình đã đóng góp cho Nhà nước 63.600 tấn.

- Sau thắng lợi ở Hội nghị Giơnevơ, cùng với miền Bắc, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân bắt tay vào công cuộc khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, đồng thời tiến hành đấu tranh giảm tô, cải cách ruộng đất, đẩy mạnh phát triển sản xuất; chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến.

- Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lao động nam khỏe, trẻ được huy động gia nhập quân đội, đi thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các yêu cầu khác của đất nước... Lao động còn lại ở địa phương chiếm 70 đến 75% là nữ, những người trung niên, cao tuổi và trẻ em... Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ đã quán triệt cho toàn Đảng, toàn dân trong tỉnh nhận thức rõ đặc điểm và thế mạnh của địa phương, lấy nông nghiệp làm trọng tâm, sản xuất lương thực, thực phẩm là quan trọng hàng đầu. Do đó, toàn Đảng, toàn dân ra sức phấn đấu, đưa năng suất lúa, tổng sản lượng lương thực của tỉnh không ngừng tăng. Từ năm 1955 trở về trước, năng suất lúa của Thái Bình mới đạt trên dưới 3 tấn/ha, năm 1965 lên 4 tấn/ha, năm 1966 đạt 5 tấn/ha. Với thành tích trên, Thái Bình đã vinh dự được Bác về thăm lần thứ năm. Tại buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh ngày 01-01-1967, Bác đã căn dặn phải "xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh gương mẫu về mọi mặt".

- 46 năm qua, những tình cảm sâu nặng, lời chỉ bảo ân tình và mong muốn của Bác đã khắc sâu trong tâm trí của mỗi người dân Thái Bình, trở thành động lực tinh thần to lớn, thôi thúc Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị trong các giai đoạn cách mạng.

Thấm nhuần chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, với tinh thần vì miền Nam ruột thịt, “thóc thừa cân, quân vượt mức”, Đảng bộ và nhân dân đã huy động cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến; hàng chục vạn người con ưu tú của quê hương đã lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường. Thái Bình là tỉnh có tỷ lệ tham gia quân đội so với dân số cao nhất miền Bắc. Trên quê hương ngày đêm bị bom Mỹ bắn phá, nhân dân Thái Bình vẫn “vững tay cày, chắc tay súng”, vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi; kiên cường, bất khuất, bám đồng ruộng, nhà máy, công trường, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, đạt năng suất lúa 5 tấn và trên 5 tấn/ha ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ; văn hóa, xã hội không ngừng phát triển; đồng thời, tổ chức tốt công tác phòng không, bảo vệ sản xuất, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tập thể và tính mạng, tài sản của nhân dân. Cùng với việc không ngừng tăng gia lao động sản xuất, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Thái Bình đã anh dũng chiến đấu bắn rơi 44 máy bay, bắn cháy 4 tàu chiến của giặc Mỹ.

- Từ khi cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhất là trong hơn 25 năm đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng. Hoàn thành chương trình “điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch”, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Thực hiện 5 trọng tâm phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đã quy hoạch và xây dựng các khu, cụm công nghiệp, đẩy mạnh phát triển nghề và làng nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa và phát triển kinh tế biển, đưa kinh tế của tỉnh thoát khỏi tình trạng trì trệ, duy trì tốc độ tăng trưởng khá.

- Trong những năm qua, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, suy giảm kinh tế trong nước, nhưng kinh tế của tỉnh vẫn tăng trưởng khá. Năm 2012, tổng sản phẩm (GDP) đạt 13.558 tỷ đồng (giá cố định 1994), tăng 7,82% so với năm 2011; trong đó, nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,3%, công nghiệp, xây dựng tăng 9,7%, dịch vụ tăng 11,2%. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, thủy sản chiếm 38,2%, công nghiệp, xây dựng chiếm 32,5%, dịch vụ chiếm 29,3%. GDP bình quân đầu người (giá thực tế) đạt 24,8 triệu đồng/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Năm học 2011 - 2012, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,94%, bổ túc trung học phổ thông đạt 99,83%; có 56/68 (82%) học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đạt 64%. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường học, cơ sở dạy nghề tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Đến nay, toàn tỉnh có 594/903 (65,8%) trường học đạt chuẩn quốc gia.

Các chương trình mục tiêu quốc gia: y tế, phòng, chống dịch bệnh... được thực hiện có hiệu quả, không để dịch lớn xảy ra. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước; cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật và nhân lực ngành y tế được tăng cường; đã quan tâm đầu tư xây dựng trạm y tế xã theo chuẩn quốc gia.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" được duy trì. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá được chú trọng; năm 2012, chùa Keo được công nhận di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Các thiết chế văn hoá, thể thao được đầu tư xây dựng. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng; thể thao thành tích cao có tiến bộ.

Việc làm, đời sống nhân dân khá ổn định. Năm 2012, đã dạy nghề cho 33.200 người, giải quyết việc làm cho 32.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 34%. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ; triển khai Đề án thực hiện một số chính sách đối với người và gia đình có công của tỉnh giai đoạn 2012 - 2015. Hoàn thành xây dựng, nâng cấp 1.779 nhà ở cho người có công với cách mạng. Thực hiện trợ cấp ưu đãi trên 1000 tỷ đồng cho 139.566 lượt người có công với cách mạng; hỗ trợ 16,5 tỷ đồng mua bảo hiểm y tế và tiền điện cho các đối tượng nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo 6,8%, giảm 1,32% so với năm 2011.

An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác cải cách tư pháp, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, có hiệu quả, góp phần giải quyết kịp thời những tồn đọng, bức xúc và những vụ việc phức tạp mới nảy sinh ở cơ sở.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt được một số kết quả tích cực. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị; hoàn thiện, bổ sung chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng "về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp".

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương (khoá X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt Nghị quyết số 02 – NQ/TU, ngày 28 - 4 - 2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới, đã và đang tạo nên diện mạo mới cho nông thôn Thái Bình. 267/267 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết giao thông, thuỷ lợi nội đồng; 218 xã hoàn thành quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã; 201 xã hoàn thành lập đề án xây dựng nông thôn mới; 148 xã hoàn thành dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp. Các địa phương trong tỉnh đã và đang tích cực triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tính đến hết ngày 01/01/2013, toàn tỉnh có 332.827 người được Nhà nước ghi nhận có công với cách mạng, trong đó có 916 người được công nhận là cán bộ Lão thành cách mạng; 258 người được công nhận là cán bộ Tiền khởi nghĩa; 2.205 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 78 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng lao động; 51.195 người con của quê hương Thái Bình đã anh dũng hy sinh trong các cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc; 20.600 thương binh, 12.309 bệnh binh; 28.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 5.387 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị tù, đầy; 211.786 người hoạt động cách mạng, giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và 93 người có công giúp đỡ cách mạng. Nhiều người con Thái Bình đã ghi vào lịch sử những dấu son chói lọi như Vũ Ngọc Nhạ, Tạ Quốc Luật, Bùi Quang Thận, Phạm Tuân...

Ghi nhận những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang Thái Bình đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Huân chương Độc lập, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công cho các tập thể và cá nhân trong toàn tỉnh.

 * Là một người con của quê hương, bạn sẽ làm gì để góp phần xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh "gương mẫu về mọi mặt"?

- Người dự thi tự liên hệ bản thân trả lời.

Câu 5: Bạn hãy viết về một tấm gương người tốt, việc tốt hoặc một tập thể tiêu biểu ở địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc địa bàn tỉnh Thái Bình mà bạn biết trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh? (Số lượng không quá 4000 từ).

Gợi ý trả lời:
* Thông tin về tập thể, cá nhân
- Tên đơn vị, cá nhân.
- Địa chỉ cụ thể
+ Đối với cá nhân (Họ và tên, năm sinh, giới tính, quê quán...)
+ Đối với tập thể (Tên cơ quan, đơn vị, địa chỉ cụ thể...)
* Những thành tích đạt được
- Khái quát về cơ quan, đơn vị, quá trình phấn đấu của cá nhân
- Những thành tích nổi bật của cơ quan, đơn vị, cá nhân đã đạt được trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Ý nghĩa của những đóng góp đó.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
                           


  • Từ khóa