Thứ 7, 04/05/2024, 14:27[GMT+7]

Kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2013) Tổ chức và sử dụng lực lượng tạo ưu thế áp đảo chiến dịch

Thứ 4, 24/04/2013 | 08:56:27
1,397 lượt xem
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đảng ta đã thành công lớn trong tổ chức mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là chiến dịch tiến công lớn nhất chưa từng có trên chiến trường nước ta, vượt tất cả các chiến dịch trước đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cả kháng chiến chống Pháp, đánh dấu bước phát triển mới trên lĩnh vực nghệ thuật chiến dịch.

Xe tăng của Trung đoàn 203 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh tiến vào Dinh Độc lập trưa 30-4-1975. Ảnh tư liệu.

Thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên các mặt trận, trong đó có Mặt trận hướng Đông (Chiến dịch Xuân Lộc) đã mở ra thời cơ vô cùng thuận lợi để mở chiến dịch quyết chiến chiến lược đánh vào Sài Gòn-Gia Định, sào huyệt cuối cùng của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhằm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược mở chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn (sau đổi tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh) và quyết định tập trung lực lượng lớn chủ lực và binh khí kỹ thuật cho chiến dịch.

 

Phương châm chỉ đạo tác chiến được xác định: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Căn cứ vào phương án tác chiến, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định tổ chức lực lượng lớn gồm những binh đoàn binh chủng hợp thành, từ 5 hướng tiến công vào nội đô, kết hợp chặt chẽ với lực lượng đặc công, biệt động, lực lượng vũ trang địa phương ở bên trong, kết hợp với quần chúng nổi dậy, thực hiện trong ngoài cùng đánh, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu chiến lược, đập tan các cơ quan đầu não của địch. Chiến dịch này diễn ra từ ngày 26 đến 30-4-1975, thể hiện cuộc đấu trí, đấu lực hết sức căng thẳng, quyết liệt giữa ta và địch, trong đó với ta nổi lên bước phát triển cao về nghệ thuật tổ chức và sử dụng lực lượng được vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phát huy hiệu quả trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

 

Về nghệ thuật tổ chức lực lượng, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định tập trung lực lượng lớn bộ đội chủ lực, biệt động và các lực lượng vũ trang tại chỗ, trong đó các quân đoàn chủ lực làm nòng cốt, hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng. Đây là sự vận dụng nghệ thuật tập trung lực lượng tạo ưu thế hơn hẳn địch trên một địa bàn chiến dịch trong thời điểm quyết định giành thắng lợi cuối cùng.

 

Về nghệ thuật sử dụng lực lượng, ta đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả trong tác chiến chiến dịch. Ngày 26-4-1975, ta nổ súng tiến công các mục tiêu của địch, mở màn chiến dịch. Từ ngày 26 đến 28-4, Bộ tư lệnh Chiến dịch sử dụng các quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 và lực lượng tăng cường mở cuộc tiến công các vị trí địch ở vòng ngoài. Trước sức tiến công mãnh liệt của ta, một bộ phận lực lượng địch bị tiêu diệt và tan rã, Sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy buộc phải bỏ Biên Hòa rút về Gò Vấp. Thời cơ để bộ đội ta thực hành tổng công kích trên toàn mặt trận vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền Sài Gòn đã đến. Sang ngày 29-4-1975, Bộ tư lệnh Chiến dịch tổ chức lực lượng thọc sâu phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị thế và lực mới để đánh đồng loạt vào các mục tiêu trọng yếu của địch ở nội thành Sài Gòn. Phối hợp với đòn tiến công quân sự, lực lượng tại chỗ do các tổ chức cơ sở Đảng lãnh đạo nổi dậy, truy quét tàn quân địch, giành quyền làm chủ.

 

Sau hơn 3 ngày đêm chiến đấu, bộ đội ta đã tiêu diệt và làm tan rã 5 sư đoàn (5, 7, 18, 25, 22) chủ lực địch, đánh chiếm các căn cứ, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, bao vây và chia cắt nội thành Sài Gòn. Lực lượng ta trên 5 hướng, nhất là lực lượng thọc sâu đã tiến đến vùng ven, cách trung tâm Sài Gòn từ 10km đến 20km. Các lực lượng vũ trang tại chỗ hoạt động mạnh trên các địa bàn, giữ vững hệ thống cầu trên các trục đường vào thành phố.

 

Theo dõi chặt chẽ lực lượng tiến công trên 5 hướng, Bộ tư lệnh Chiến dịch quyết định sử dụng Quân đoàn 4 tiến công Biên Hòa và tổ chức lực lượng thọc sâu phối hợp với các hướng. Quân đoàn 1 sử dụng lực lượng đánh tiêu diệt Sư đoàn 5 ngụy và đánh lướt qua các vị trí địch dọc đường, tổ chức lực lượng nhanh chóng đột phá vào nội thành. Đề phòng lực lượng Quân đoàn 1 vào chậm, Quân đoàn 3 sẵn sàng sử dụng một bộ phận lực lượng đánh vào Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn. Sáng 30-4, trên các hướng vào trung tâm Sài Gòn, bội đội ta tiến ào ạt với khí thế quyết chiến quyết thắng. Đặc biệt, Quân đoàn 2 tổ chức lực lượng đột kích thọc sâu, cùng lực lượng biệt động đánh chiếm và cắm cờ giải phóng lên Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

 

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, Đảng ta đã thành công lớn trong tổ chức mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đây là chiến dịch tiến công lớn nhất chưa từng có trên chiến trường nước ta, vượt tất cả các chiến dịch trước đó trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cả kháng chiến chống Pháp, đánh dấu bước phát triển mới trên lĩnh vực nghệ thuật chiến dịch. Chiến dịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về khoa học tổ chức, mà còn là bước phát triển cao về nghệ thuật tạo ưu thế tuyệt đối lực lượng hơn địch trên một địa bàn chiến lược trong thời điểm quyết định. Ta đã tập trung lực lượng tạo ưu thế áp đảo chưa từng có, cả lực mạnh, thế mạnh trong thời cơ chiến lược thuận lợi chưa từng có. Xe tăng, thiết giáp được sử dụng tập trung; pháo binh, pháo cao xạ được hình thành từng cụm lớn. Cách sử dụng lực lượng như vậy đã hình thành một tập đoàn tiến công rất mạnh, tốc độ tiến công cao, đánh địch với ưu thế hơn hẳn chúng và hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch trong thời gian ngắn nhất.

Nguồn qdnd.vn

  • Từ khóa