Thứ 6, 03/05/2024, 07:31[GMT+7]

Kỷ niệm 59 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2013) Tập trung ta, phân tán địch - nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ 3, 07/05/2013 | 09:31:39
8,389 lượt xem
Sau gần 2 tháng ròng rã, ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng "Điện Biên Phủ" trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam".

Trận địa súng máy cao xạ 12,7mm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

 

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nhà khoa học thì một trong những nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là: Tập trung lực lượng của ta - chia cắt, phân tán lực lượng của địch... Nghiên cứu kỹ các căn cứ để Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh xác định nghệ thuật tác chiến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện bẻ đũa mà người đời vẫn mãi lưu truyền. Với một, hai chiếc đũa đơn lẻ thì người ta có thể bẻ nó một cách dễ dàng vào bất cứ lúc nào. Thế nhưng, nếu kết nhiều chiếc đũa lại thành một bó đũa thì để bẻ nó quả là vô cùng khó. Từ câu chuyện này và bài học lịch sử dựng nước và giữ nước của tổ tiên đã cho chúng ta thấy: Để có sức mạnh tổng hợp chiến đấu và chiến thắng kẻ thù thì chúng ta phải đoàn kết, triệu người như một. Mặt khác, muốn tiêu diệt địch thì ta phải tìm cách buộc chúng chia cắt, phân tán lực lượng, không để chúng tập trung.

 

Đầu năm 1953, sau 8 năm xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã phải chịu những thất bại nặng nề, suy yếu rõ rệt. Nhằm cứu vãn tình thế, đầu tháng 5-1953, Chính phủ Pháp điều tướng Na-va sang Đông Dương. Bằng kế hoạch quân sự vạch ra, Na-va hy vọng, trong một thời gian ngắn sẽ giành một thắng lợi quyết định về quân sự, xoay chuyển tình thế cuộc chiến ở Đông Dương, chuyển bại thành thắng. Hai bước được Na-va vạch ra trong kế hoạch tác chiến là: Trong chiến cục 1953-1954, giữ thế phòng thủ ở phía bắc Vĩ tuyến 18 và tìm cách tránh giao chiến lớn với quân chủ lực của ta. ở phía Namon>, tiến công để ổn định miền Trung và Namon> Đông Dương. Đặc biệt phải đánh chiếm được Liên khu 5. Khi đạt được ưu thế về quân cơ động, nghĩa là nếu có thể thì mùa thu năm 1954, “thực hành tiến công ở phía Bắc nhằm mục đích tạo ra một tình hình quân sự cho phép đưa ra một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh" (*).

 

Thực tế chiến trường đã cho thấy, sự xuất hiện của tướng Na -va và bản kế hoạch quân sự mang chính tên ông ta đã thất bại ngay từ bước khởi đầu. Trong kế hoạch tác chiến Đông -Xuân năm 1953-1954, phương hướng chiến lược được Đảng ta xác định là: Giữ vững thế chủ động trên chiến trường chính; tập trung lực lượng mở các cuộc tấn công vào các hướng địch tương đối yếu nhằm tiêu hao, tiêu diệt một phần sinh lực địch, buộc chúng phải phân tán, đối phó. Phương châm chiến lược của ta là: "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt...".

 

Trong phương châm đó, Đảng ta đã quán triệt rất rõ tư tưởng nghệ thuật: Tập trung ta - chia cắt, phân tán địch. Điều đó cũng giải thích vì sao trong toàn cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung và trong chiến cuộc Đông -Xuân năm 1953-1954 nói riêng, quân và dân ta tổ chức lực lượng, khoét sâu những điểm yếu trong thế phòng ngự của địch, liên tục tấn công quấy rối chúng ở khắp nơi từ miền núi, đồng bằng đến đô thị. Cùng với đó, ta tổ chức đánh địch ngay sau lưng chúng ở Đồng bằng Bắc Bộ, Bình Trị Thiên, NamTrung Bộ, Namon> Bộ... làm cho chúng "ăn không ngon, ngủ không yên", đẩy quân địch lâm vào thế bị động, buộc phải phân tán lực lượng cơ động đối phó.

 

Theo kế hoạch tác chiến, quân và dân ta tích cực, chủ động tiến công địch trên các hướng chính là: Tây Bắc, Trung Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào... Đặc biệt, bộ đội chủ lực của ta liên tiếp mở các chiến dịch với mục đích bắt buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng ra khắp chiến trường Đông Dương. Đáng chú ý là: Ngày 10-12-1953, chúng ta tiến công giải phóng Lai Châu; từ 21-12-1953 đến 31-1-1954, ta mở cuộc tiến công chiến lược Trung Hạ Lào; từ 26-1 đến 10-2-1954, ta tiến công chiến lược ở Thượng Lào; từ 27-1 đến 5-2-1954, ta tiến công chiến lược bắc Tây Nguyên...

 

Các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của quân và dân ta đã làm tiêu hao đáng kể sinh lực địch, buộc chúng phải thay đổi thế phòng ngự theo hướng có lợi cho ta. Nếu trước đó, thực dân Pháp chủ yếu tập trung quân ở đồng bằng, thì sau những đòn đánh quấy rối của ta, chúng buộc phải điều quân từ đồng bằng lên những nơi rừng núi hiểm trở như: Điện Biên Phủ, Sê-nô, Plei-cu và Luông Phra-băng... Rõ ràng kế hoạch Na-va của Pháp-Mỹ đã bị phá sản ngay từ bước khởi đầu, buộc chúng phải phân tán ra nhiều hướng để đối phó.

 

Khi biết ý đồ chiến lược của quân Pháp tăng cường lực lượng lên Tây Bắc nhằm biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh hòng tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta, một mặt quân ta tập trung lực lượng chủ lực hướng lên Tây Bắc. Đồng thời ngay trong thời gian quân ta chuẩn bị đánh Điện Biên Phủ và nhất là khi ta lùi thời gian để thay đổi cách đánh ở Điện Biên Phủ, trên khắp chiến trường Đông Dương, quân và dân các địa phương liên tục nổ súng đánh địch và giành thắng lợi lớn, tiêu hao nhiều sinh lực, phá hủy nhiều vũ khí trang bị, phương tiện chiến tranh của địch.

 

Địch tập trung lên Điện Biên Phủ. Nhận thấy đây là một cơ hội lớn để tiêu diệt sinh lực địch, ta quyết định mở chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ. Sau khi công tác chuẩn bị hoàn tất, ngày 13-3-1954, ta nổ súng tấn công tuyến phòng ngự vòng ngoài. Chiến dịch quyết chiến chiến lược vĩ đại bắt đầu và giành những thắng lợi quan trọng. Sau gần 2 tháng ròng rã, ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: "Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ đã làm cho ba tiếng "Điện Biên Phủ" trở thành biểu tượng của sức mạnh Việt Nam".

Nguồn qdnd.vn

  • Từ khóa