Thứ 6, 03/05/2024, 01:11[GMT+7]

Nét đặc sắc trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Thứ 2, 20/05/2013 | 15:55:55
2,507 lượt xem
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, người còn là một thiên tài quân sự. Chưa từng học qua trường lớp quân sự nào, bằng con đường tự học và thực tiễn đấu tranh cách mạng, thiên tài quân sự của Người được phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có tư tưởng quân sự.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Chiến dịch Biên giới năm 1950. Ảnh: VŨ NĂNG AN.

Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã kế thừa có phát triển truyền thống quân sự dân tộc, tiếp thu tinh hoa quân sự thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng quân sự nói riêng còn được vận dụng phù hợp với điều kiện đất nước, con người và bối cảnh cách mạng trong từng thời kỳ. Vì vậy, sức mạnh quốc phòng, quân sự Việt Namon> được nhân lên, chúng ta đã đánh thắng nhiều đế quốc to, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.

 

Nét độc đáo, sáng tạo trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh là: Tổ chức toàn dân đấu tranh giành độc lập, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ đất nước. Kế thừa và phát huy truyền thống lấy dân làm gốc, khoan thư sức dân trong lịch sử, Người cho rằng: Lực lượng và sức mạnh đều ở dân, vì vậy phải đoàn kết toàn dân, lấy công nhân và nông dân là lực lượng chủ yếu. Cách mệnh là việc chung của cả dân chúng, do đó phải động viên toàn dân và vũ trang toàn dân; dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi. Với tư tưởng tiến bộ, lại chủ động xây dựng được lực lượng chính trị và LLVT nhân dân, thế trận đấu tranh toàn dân.

 

Bên cạnh đó, Bác còn tận dụng thời cơ có lợi, bên ngoài quân phát xít đầu hàng đồng minh, bên trong Nhật Pháp bắn nhau để tiến hành tổng khởi nghĩa. Trong khởi nghĩa, nhân dân đã vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh kết hợp chính trị với vũ trang, đánh địch với tinh thần và quyết tâm rất cao: Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, dù gian lao cực khổ mấy cũng cương quyết giành cho được độc lập. Vì vậy, ta đã tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền trên cả nước.

 

Sau khi giành được độc lập, toàn dân bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng đất nước và củng cố quốc phòng. Khác với sự nghiệp quốc phòng của nhiều nước, nước ta nghèo, dân ta đói, sau ba tuần thực dân Pháp đã đem quân trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, bên trong lực lượng phản động nổi dậy chống phá. Trước tình thế như "ngàn cân treo sợi tóc", Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã động viên toàn dân: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Kháng chiến để chặn đánh, làm chậm tốc độ tiến công của quân Pháp, tranh thủ thời gian xây dựng nền quốc phòng toàn dân bước vào kháng chiến. Kiến quốc làm tăng cường sức mạnh quốc phòng, tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Người cho rằng: "Việc cần cấp và quan trọng nhất của chúng ta lúc này là quốc phòng".

 

Khác với tư tưởng chỉ đạo xây dựng quốc phòng của nhiều quốc gia, trước nguy cơ đất nước đang phải đối phó với cuộc chiến tranh xâm lược; Bác vẫn xác định mục tiêu chiến lược của chúng ta lúc này là phải diệt cho được cả ba loại giặc: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Để diệt giặc đói, Người phát động toàn dân tăng gia sản xuất, nhà nhà lập "Hũ gạo cứu đói", người người tham gia "Tuần lễ vàng". Để diệt giặc dốt, Bác động viên nhân dân hưởng ứng phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa để xóa nạn mù chữ. Đây là yếu tố quan trọng nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, nâng cao nhận thức, phát triển tư duy đánh giặc thông minh, sáng tạo cho quân và dân cả nước.

 

Để diệt giặc ngoại xâm, Người nói: "Phải trường kỳ kháng chiến, kháng chiến toàn dân, đánh giặc toàn diện trên nhiều mặt trận cả quân sự, chính trị, kinh tế và ngoại giao, tạo sức mạnh đánh thắng kẻ thù". Làm rõ mối quan hệ giữa kháng chiến và kiến quốc, Bác viết: "Đánh giặc phải phá hoại, phải kiến thiết. Phá hoại để ngăn chặn làm suy yếu địch, kiến thiết làm nhân lên sức mạnh của ta đánh thắng kẻ thù. Hai việc đó đều phải có người, cần có nhiều người". Bác chỉ thị: "Phải tổ chức toàn dân kháng chiến, tiến hành chiến tranh du kích ở

khắp mọi nơi, tăng gia sản xuất ở khắp mọi nơi".

 

Cùng với xây dựng lực lượng và sức mạnh quốc phòng, Người còn chỉ đạo xây dựng làng xã, các căn cứ và chiến khu, chuẩn bị cho nhiệm vụ kháng chiến. Xây dựng được lực lượng, thế trận và sức mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tổ chức cho toàn dân đấu tranh quốc phòng; bằng sách lược mềm dẻo và khôn khéo, như: Đại đoàn kết, liên minh, hòa để tiến, vừa đánh vừa đàm, trên nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”; nhân dân ta đã dẹp được thù trong, loại bớt được giặc ngoài, tập trung sức mạnh đánh thắng kẻ thù chính; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, tạo cơ sở vững chắc để ta tiến hành chiến tranh nhân dân giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Người kêu gọi nhân dân cả nước: "Dù là đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không chia dân tộc, tôn giáo, đảng phái. Hễ là người Việt Namon> thì phải đứng lên đánh giặc để cứu Tổ quốc".

 

Đánh giặc bằng nhiều loại vũ khí: Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có súng, gươm thì dùng cuốc thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân đế quốc. Tư tưởng chỉ đạo của Người là: Luôn giành và giữ vững quyền chủ động tiến công; phòng ngự thế công, tấn công thoái thủ nên thần tốc. Để giành và giữ vững quyền chủ động, Bác cho rằng: Các cấp phải đánh giá và dự báo đúng các tình huống, từ đó vạch rõ kế hoạch để chủ động đối phó.

 

Thực tiễn Hồ Chí Minh cũng là người dự báo chiến lược thiên tài. Trong diễn ca lịch sử, Bác cho rằng: Năm 1945, cách mạng nước ta thành công. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Người nhận định: Mỹ dần trở nên kẻ thù chính của quân đội và nhân dân ta... Dự báo đúng, tạo tiền đề quan trọng để ta chuẩn bị, giữ vững quyền chủ động tiến công, như Người nói: Phải thấy trước, chuẩn bị trước. Tư tưởng chỉ đạo tiến hành chiến tranh nhân dân của Bác là: Kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy, chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng bộ đội chủ lực. Bước phát triển về chỉ đạo chiến tranh du kích của Hồ Chí Minh là: Không đi và đánh, hoặc tổ chức thành các binh đoàn lớn, trang bị vũ khí mạnh như một số nước. Chiến tranh du kích của ta là bám dân, trụ ở làng xã mà chiến đấu, vừa sản xuất vừa chiến đấu; đánh địch rộng khắp, với nhiều quy mô lực lượng, bằng mọi thứ vũ khí mình có, lấy của địch đánh địch; đánh cả ngày lẫn đêm, vận dụng linh hoạt nhiều chiến thuật, biện pháp tác chiến; tạo thế cài xen, chia cắt làm suy yếu quân địch, phối hợp chặt chẽ với chiến tranh chính quy, “hóa chỉnh vi linh, hóa linh vi chỉnh”.

 

Chiến tranh chính quy phải tập trung lực lượng đánh vừa, đánh lớn, đánh tiêu diệt. Người nhấn mạnh: Đánh bại mười sư đoàn không bằng trừ diệt một sư đoàn. Đánh địch phải dùng mưu kế để lừa địch, lập thế trận có lợi đánh địch. Lúc chúng co lại ta phải tìm cách kéo nó ra mà đánh, khi kẻ thù hung hăng mải miết tiến công, ta phải lừa chúng đến chiến trường có lợi để tiêu diệt; hoặc bất ngờ đánh sâu vào hậu phương, vào các mục tiêu chủ yếu, hiểm yếu của chúng... Tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh tới nay vẫn còn nguyên giá trị, rất cần được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN ở thời kỳ mới.

Nguồn qdnd.vn

  • Từ khóa