Thứ 6, 03/05/2024, 01:51[GMT+7]

Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hồng Mùi Sống bám đường chết kiên cường dũng cảm

Thứ 3, 28/05/2013 | 14:26:21
3,644 lượt xem
Lịch sử truyền thống Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam đã ghi đậm những sự kiện lịch sử trên các trọng điểm chiến đấu ác liệt, trong đó có chiến công của đại đội TNXP 895 Ðội N89 (Thái Bình) ngày 20/8/1966 tại Ga Gôi (Nam Ðịnh) mà nổi bật là gương lao động quên mình, dũng cảm hy sinh vì đồng đội của Liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi – Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 C895 N89.

Nguyễn Thị Hồng Mùi sinh năm 1943 tại làng Nhuệ, xã Chí Hòa (Hưng Hà) trong một gia đình nông dân nghèo. Mùi là lao động chính của gia đình. Vào Ðoàn năm 16 tuổi, năm 21 tuổi chị được kết nạp vào Ðảng Cộng sản Việt Nam, trưởng thành trong các phong trào “Năm tấn thắng Mỹ”, “Ba sẵn sàng” của quê lúa Thái Bình. Hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” do Trung ương Ðoàn phát động và nhất là khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, đánh phá Thái Bình. Chị cùng cả chi đoàn đã đăng ký “Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Ðảng và Ðoàn giao cho”. Chị đã tham gia thành lập Ðội TNXP chống Mỹ cứu nước ở cơ sở và là lớp thanh niên đầu tiên của Thái Bình gia nhập lực lượng TNXP do Trung ương Ðoàn tổ chức tháng 11/1965.

 

Năm 1965, Thái Bình thành lập 4 đội TNXP với hơn 3.000 TNXP đi phục vụ ngành đường sắt. Ðội N89 có 6 đại đội. Ðại hội 895 huyện Duyên Hà (nay là huyện Hưng Hà) có 187 đội viên chia thành 10 tiểu đội. Chị Mùi là Tiểu đội trưởng tiểu đội 2 C895 gồm 18 chiến sĩ toàn nữ của các xã Chí Hòa, Minh Hòa, Minh Hồng.

 

Ðội 89 được giao nhiệm vụ bảo vệ, duy tu bảo dưỡng tuyến đường sắt Hà Nam – Ninh Bình, sửa chữa đường tàu, khắc phục hậu quả khi bị địch đánh phá. C895 đứng chân trên địa bàn xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản. Từ đầu năm 1966 đến tháng 8/1966 địa bàn này đã phải đối phó với hàng chục trận máy bay Mỹ đánh phá, thả hàng trăm quả bom các loại, kể cả bom nổ chậm, bắn hàng chục tên lửa, nhiều lần bom thả trúng đường sắt và kho tàng gây thiệt hại nặng về người và của. Ðại đội 895 luôn luôn sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu với khẩu hiệu: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Ðịch đánh ta sửa ta đi” bảo đảm thông đường, thông tàu trong mọi tình huống.

 

Tiểu đội 2 C895 là tiểu đội mũi nhọn của đại đội. Ðồng chí Mùi là đảng viên, cán bộ năng nổ, trách nhiệm cao, luôn chăm lo xây dựng tiểu đội thành tập thể mạnh sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm học tập văn hóa cho đội viên; luôn là người chị gương mẫu. Trong đời sống hàng ngày coi trọng tình thương yêu đồng chí đồng đội; lúc nghỉ ngơi lại cùng “anh chị nuôi” lo cho tiểu đội từng bữa ăn; những chị em có hoàn cảnh khó khăn được chị động viên, giúp đỡ tận tình.

 

Chiến công xuất sắc nhất trong thời kỳ này của C895 và của Tiểu đội trưởng Nguyễn Thị Hồng Mùi là trận cứu tàu, cứu hàng, cứu người tại Ga Gôi Nam Ðịnh ngày 20/8/1966 do Mỹ ném bom. Hôm ấy, khoảng 4 giờ chiều, một tàu quân sự vừa tập kết xong mấy trăm tấn hàng chuẩn bị vượt cầu Ninh Bình vào Thanh Hóa – Vinh chi viện cho chiến trường miền Nam, thì bất ngờ nhiều tốp máy bay Mỹ ập tới bắn tên lửa, thả hàng chục quả bom vào ga và đường sắt. Tàu bị trúng bom. Một số toa bốc chảy.

 

Theo nhiệm vụ đã phân công trước, lực lượng TNXP C895 do đại đội trưởng Lê Nguyên Nhung chỉ huy đóng quân tại thôn Phú Thứ nhanh chóng chiếm lĩnh trận địa, tập trung lực lượng cứu tàu, cứu hàng. Ngay từ những phút đầu tiên, sau khi được lệnh chỉ huy, Nguyễn Thị Hồng Mùi đã lao ra trận địa, điểm mặt cả tiểu đội, nhanh chóng phân công. Mỗi người một việc, xách nước, gánh nước cùng với đội phòng cháy chữa cháy dập lửa, chia cắt đám cháy, ngăn chặn không để cháy lan sang các toa tàu khác. Kẻ bốc, người vác, kẻ khiêng người gánh. Chỉ sau 1 giờ, ngọn lửa bị dập tắt và phần lớn hàng hóa được bốc dỡ, chuyển ra khu vực an toàn... Ðến toa cuối cùng gần đầu máy, những thùng hóa chất phát nổ, bốc lửa, cột khói màu cam ùn lên. Khói bom đạn, lửa cháy lại mù mịt, trùm cả toa tàu... Toàn bộ lực lượng TNXP C895, công nhân đường sắt khu vực Trình Xuyên, thanh niên dân quân địa phương dồn vào đó, tập trung dập lửa và đưa những thùng hàng chưa bị vỡ ra ngoài. Ngọn lửa nhanh chóng được khống chế, nhưng không khí cả khu vực như loãng ra, mùi hóa chất nồng nặc. Những người vào sâu, tiếp cận với hóa chất ai cũng ngạt thở, mặt mày tái nhợt, nôn mửa, nhiều người bị ngất xỉu, ngã khuỵu. Người này ngã, người khác xông lên, vừa dập lửa, vừa cứu người, cứu hàng. Số người bị nhiễm độc tăng lên, nằm ngồi la liệt trên sân ga.

 

Ngay từ đầu, chị Mùi đã lao vào khu vực nóng bỏng, khu vực nguy hiểm gần đầu máy, nơi nhiều đồng đội bị nạn đang được kéo ra, dìu ra, rồi cõng ra hết người này đến người khác. Như một cán bộ y tế thực thụ chị vừa làm, vừa hướng dẫn mọi người làm hô hấp nhân tạo, hà hơi tiếp sức và chị đã không ngần ngại hút cả đờm rãi, cả máu cho đồng đội. Rồi chị lại lao vào sâu hơn. Chị kêu gọi “Các đồng chí, tim mình có thể ngừng đập nhưng không thể không xông vào cứu đồng đội”.

 

Sau này, các chị Nguyễn Thị Kiều, Nguyễn Thị Lan, Phạm Thị Ngần (C895) đã kể lại: Như con thoi, ra vào nhiều lần, chị Mùi đã cứu được 20 đồng đội, trong đó chị đã cõng các chị Kim, Ðoán, Hạt, Phương, Kiều... Thấy còn nhiều người nằm gục gần toa chở hóa chất, chị lại lao vào cứu bạn. Nhưng do quá mệt, chị Mùi đã kiệt sức và ngã gục khi trên lưng còn cõng một đồng đội to lớn hơn mình. Ðồng đội đã kịp thời đưa chị và những người còn lại ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhưng chị Mùi đã hy sinh không kịp một lời trăng trối!

 

Trận Mỹ đánh phá Ga Gôi ngày 20/8/1966 thật ác liệt, 23 người chết, 256 người bị thương, bị nhiễm độc hóa chất, là trận bị nhiễm độc thiệt hại lớn nhất miền Bắc thời kỳ ấy... Việc cứu hàng, cứu người là một chiến công của C895 TNXP Thái Bình. Tinh thần, hành động của Nguyễn Thị Hồng Mùi là một tấm gương cao cả “Vì nhân dân quên mình, vì đồng đội hy sinh”. Chị đã yên nghỉ tại nghĩa trang xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, đã được Ban Bí thư Trung ương Ðoàn tặng Bằng khen, Chủ tịch Hồ Chí Minh truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1966, sau này Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhì. Thanh niên Thái Bình, Ðoàn Thanh niên ngành đường sắt đã phát động phong trào “Học tập gương hy sinh cao cả của liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi “sống bám đường chết kiên cường dũng cảm”. Với tinh thần “Sẵn sàng chiến đấu sẵn sàng nhập ngũ, sẵn sàng đi bất cứ đâu làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần”, TNXP Thái Bình trên các tuyến đường sắt phía Bắc đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; tham gia bảo vệ đường Trường Sơn đều tỏ ra kiên cường.

 

Cụ Nguyễn Tuân, thân phụ chị Mùi hết sức đau đớn khi nhận được tin chị Mùi hy sinh, song cụ cũng rất tự hào về sự hy sinh của người con đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Cụ đề nghị cho người con gái thứ hai là Nguyễn Thị Hồng Hợi được tiếp bước chị trong lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. Tại Ga Gôi, Ðoàn Thanh niên ngành đường sắt đã xây dựng nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ TNXP Thái Bình hy sinh ngày 20/8/1966.

 

Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Giải phóng miền Namon>, thống nhất đất nước, ngày 25/4/2013, Chủ tịch nước đã ký Quyết định truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng Mùi. Xin nghiêng mình trước linh hồn chị!

Phạm Tầm

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa