Thứ 6, 03/05/2024, 08:11[GMT+7]

Chiến tích rừng Sác và người con quê lúa

Thứ 3, 28/05/2013 | 14:46:14
3,983 lượt xem
Rừng Sác là vùng đất ngập mặn hoang sơ, không nơi nào tìm thấy nước ngọt. Dưới con mắt Mỹ ngụy, rừng Sác là nỗi ám ảnh của “Thần chết”. 10 năm đứng chân tại rừng Sác, Ðoàn 10 Ðặc công đã trở thành “khắc tinh” của kẻ thù khi chúng dám đụng đến chốn linh địa này.

Một trận chiến đấu của các chiến sĩ Ðoàn 10 đang chiến đấu trong rừng Sác. Ảnh: Tư liệu

Sinh năm Quý Mùi 1943, đang độ “thất thập”, nhưng nhìn ông vẫn thấp thoáng nét thư sinh của thời trai trẻ. Mấy ai ngờ rằng ông vốn con nhà lính, một người lính dũng nghĩa vào sinh ra tử, xông xáo trận mạc. Ông là Vũ Ðình Bạch, cựu chiến binh quê xã Thụy Trường (Thái Thụy), là một chiến sĩ với “binh hiệu” và thâm niên đáng nể: 10 năm làm đặc công rừng Sác!

 

Một trong 54 trận đánh lớn mà chiến sĩ đặc công rừng Sác Vũ Ðình Bạch trực tiếp “ra đòn”: Tiêu diệt tàu Victory. Victory là tàu vận tải quân sự vừa tối tân vừa có sức chở lớn của Mỹ. Tải trọng 1 vạn tấn, Victory được mệnh danh “kho nổi di động” chứa máy bay, xe tăng, súng pháo, thiết bị quân sự, lương thực đủ loại. Từ Mỹ sang, Victory buông neo tại Vũng Tàu rồi đón thủy triều ngược sông Lòng Tàu tới quân cảng Sài Gòn. Những chiếc tàu dạng này ngày đêm vận chuyển không biết bao nhiêu phương tiện chiến tranh để lính Mỹ và chư hầu bắn giết đồng bào  ta. Phải cắt đứt dòng sông Lòng Tàu, phải dìm chiến hạm Mỹ xuống đáy sâu, đó là đặc lệnh của Bộ chỉ huy Miền gửi các chiến sĩ Trung đoàn rừng Sác. Giữ cương vị tiểu đội trưởng, Vũ Ðình Bạch là một trong 18 dũng sĩ quyết tử, nhận sứ mệnh tiêu diệt tàu Victory.

 

Ðể ngăn chặn đặc công rừng Sác, giặc Mỹ điên cuồng trút xuống đây khối lượng khổng lồ bom đạn, chất độc hóa học bất kể đêm, ngày, mưa, nắng. Nhằm cố thủ con đường thủy huyết mạch này ngoài hệ thống đồn bốt dày đặc hai bên bờ, cứ 15 – 20 phút lại thấy tàu tuần tiễu cao tốc xuất hiện. Ðâu chỉ bom đạn mịt mù, đặc công rừng Sác còn phải đối mặt với thứ hiểm họa đáng sợ đó là rắn độc, cá sấu. Cá sấu rừng Sác nhiều và dữ tợn khôn lường. Có con nặng tới 300 kg, chúng hung hãn săn mồi cả dưới nước lẫn trên cạn. Nhiều chiến sĩ ta bị cá sấu lôi mất tích không tìm thấy xác.

 

Vũ khí mà 18 chiến sĩ đặc công dùng để “hỏi tội” Victory là hai trái thủy lôi KB, mỗi trái nặng 1075kg. Sử dụng thứ vũ khí hạng nặng này không thường quân đội các nước phải vận chuyển bằng tàu và hạ thủy bằng ray trượt. Không có và không thể áp dụng phương tiện cơ giới hiện đại, chiến sĩ rừng Sác thực thi bằng thủ pháp hết sức thô sơ nhưng cực kỳ sáng tạo: Mỗi chiếc thuyền gỗ tải một quả đạn do một cán bộ thao tác và 6 chiến sĩ điều khiển. Hai con thuyền chở 2 quả đạn bí mật, lặng lẽ tiếp cận khu vực trận địa giữa đêm 22/8/1966. Tới vị  trí định sẵn, các chiến sĩ nhanh chóng dồn sang một bên khiến con thuyền nghiêng đột ngột đủ để quả đạn từ từ “hạ thủy”. Song song khoảnh khắc ấy, cán bộ thao tác lập tức rút chốt an toàn của thủy lôi. Khi chốt an toàn gồm 5 sừng chảm to như cổ tay được chế tạo từ thủy ngân tách ra, thủy lôi đã ở ngay trạng thái mẫn cảm, bất kỳ va đập nào đều tức khắc phát nổ. Riêng hai con thuyền chở thủy lôi phải đánh đắm rồi “nhờ thủy triều” đẩy ra biển phi tang. Công việc xong xuôi, các chiến sĩ nhanh chóng vào bờ trên 2 chiếc xuồng nhỏ do 4 người điều khiển đã trực sẵn.

 

Hơn 8 giờ sáng ngày 23/8/1966, một đoàn gần 10 chiếc tàu lớn nhỏ của địch hùng hổ ngược sông tiến về Sài Gòn. Khi chúng vừa lọt vào trận địa, lập tức hai trái thủy lôi phát hỏa gầm rung như sấm dậy. Cả khúc sông Lòng Tàu mênh mông như bị dốc ngược bởi xung lực ghê gớm của vụ nổ. Nước, bùn, khỏi, lửa mù mịt một vùng rộng lớn. Chiếc tàu lớn nhất của địch mang cái tên ngạo mạn Victory chồm lên rồi quay ngang chìm nghỉm. Ngay hôm sau báo chí Sài Gòn, báo chí phương Tây tới tấp đưa tin chiến sự với hàng tít: “Sáng 23/8 Quân giải phóng đã đánh chìm tàu vận tải quân sự Mỹ trên Lòng Tàu cách Sài Gòn 20 cây số về phía Ðông Namon>”. Cũng theo đài nước ngoài, Victory là loại tàu vận tải quân sự đặc chủng, ở thời đó cả nước Mỹ mới có 10 chiếc. Ðây là chiếc thứ 2 bị đánh chìm, chiếc trước đó bị đánh trong chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Victory chết chìm dưới đáy sông Lòng Tàu mang theo 100 xe tăng, 3 máy bay phản lực, hàng trăm khẩu pháo, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm và hơn 100 lính Mỹ... Lập chiến công lừng danh này, Vũ Ðình Bạch được tặng thưởng Huân chương chiến công Giải phóng hạng Ba, danh hiệu “Dũng sĩ đánh giao thông”, “Dũng sĩ diệt Mỹ cấp    ưu tú”...

 

Rừng Sác là vùng đất ngập mặn hoang sơ, không nơi nào tìm thấy nước ngọt. Dưới con mắt Mỹ ngụy, rừng Sác là nỗi ám ảnh của “Thần chết”. 10 năm đứng chân tại rừng Sác, Ðoàn 10 Ðặc công đã trở thành “khắc tinh” của kẻ thù khi chúng dám đụng đến chốn linh địa này. Ðánh hơn 1000 trận lớn nhỏ, tiêu diệt cả trăm tàu chiến và hàng ngàn tên địch làm cho bộ máy chiến tranh Mỹ cũng phải bàng hoàng khi nghe đến hai tiếng “rừng Sác” của Việt Nam. Một nỗi đau lịch sử không bao giờ quên ấy là hơn 800 người con ưu tú khắp mọi miền mang đặc hiệu “chiến sĩ rừng Sác” đã vĩnh viễn ra đi. Các anh hy sinh do bom đạn, do chất độc của kẻ thù. Ðau xót nhất là không ít chiến sĩ ta hy sinh bởi loài cá sấu hung dữ... Trong đội ngũ đặc công rừng Sác oai hùng, chiến sĩ Vũ Ðình Bạch đã hàng trăm lần đọ sức với quân thù, trong đó có 54 trận lớn mà điển hình là kỳ tích đánh đắm vận tải hạm Victory.

 

10 năm sống chết với sừng Sác, tự tạo vũ khí đánh địch trong mọi tình huống, một mình cũng ở tư tế đạp lên đầu thù và đã lập nhiều chiến công hiển hách..., đó chính là những gam màu sống động tạo nên chân dung chiến sỹ rừng Sác Vũ Ðình Bạch. Từ đồng đội, đơn vị, cấp chỉ huy đến nhân dân và chính quyền địa phương đều mong muốn Vũ Ðình Bạch được suy tôn anh hùng LLVTND. Ðây rõ ràng là một nguyện vọng chính đáng, bởi “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vốn là lẽ sống bất biến của người Việt mình!

Hoàng Ngọc Khuyến

(Khu 3, Thị trấn Diêm Ðiền, Thái Thụy)

 

  • Từ khóa