Thứ 6, 03/05/2024, 02:18[GMT+7]

Người được bầu chọn "Tổng thống tốt nhất nước Mỹ"

Thứ 2, 08/07/2013 | 10:02:42
17,903 lượt xem
Cho đến hôm nay, đối với rất nhiều người Mỹ, ông vẫn được coi là một thần tượng. Ông là người đã chèo lái con thuyền đưa nước Mỹ vượt qua hai cuộc khủng hoảng tàn khốc. Ông là vị tổng thống Mỹ duy nhất đắc cử tới bốn lần và được bầu chọn là “Tổng thống tốt nhất nước Mỹ”. Đó chính là Phran-klin Đê-la-nô Ru-dơ-ven.

Tổng thống Mỹ Phran-klin Đê-la-nô Ru-dơ-ven. Ảnh: blogspot

Ru-dơ-ven là con duy nhất trong một gia đình giàu có ở thị trấn Hai-đơ Pác, bang Niu Y-oóc. Ông lấy người em họ xa Ê-lê-no Ru-dơ-ven làm vợ. Bà là cháu gái cưng nhất của tổng thống Theo-đo Ru-dơ-ven.

 

Ru-dơ-ven là người có tài hùng biện tuyệt vời. Vận may trong sự nghiệp chính trị của ông được tạo ra từ tất cả những điều đó. Ông hai lần đắc cử Thượng nghị sĩ tiểu bang Niu Y-oóc. Trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, ông giữ chức phụ tá Bộ trưởng Hải quân. Trong sự nghiệp chính trị, Ru-dơ-ven có hai lần thất bại. Lần đầu là năm 1914 khi ông tham gia tranh cử chức thượng nghị sĩ Mỹ. Lần thứ hai là trong cuộc tranh cử Phó tổng thống Mỹ năm 1920.

 

Năm 1921, ông mắc bệnh bại liệt, phải ngồi xe lăn để tiếp tục sự nghiệp chính trị của mình. Về sau, trong sáu lần bầu cử ông đều giành được chiến thắng. Trong đó có hai lần tranh cử chức Thống đốc tiểu bang Niu Y-oóc, bốn lần tranh cử chức Tổng thống Mỹ. Nhưng điểm lại một cách tỉ mỉ thì những vấp váp mà ông gặp cũng không phải là ít.

 

Sở dĩ Ru-dơ-ven có thể trở thành Tổng thống Mỹ cũng như đã chiến thắng bệnh bại liệt là bởi vì ông có ý chí rất lớn và tài năng tuyệt vời. Giáo viên và các bạn học đều cho rằng, chỉ số IQ không cao nhưng Ru-dơ-ven lại học rất nhanh và rất cầu thị, hay tổng kết kinh nghiệm từ người khác. Ru-dơ-ven còn là một nhà diễn thuyết giỏi, có trí nhớ tốt và phạm vi hiểu biết rộng. Ông thích trở thành tâm điểm chú ý của người khác. Để hấp dẫn người nghe, ông luôn phóng đại và thêu dệt thêm vào câu chuyện. Ông luôn tự tin vào năng lực của mình và cũng giống như các chính trị gia khác, rất giàu nghị lực. Ông hấp dẫn mọi người và mọi người cũng tự nguyện đến với ông.

 

Nhìn vào tài năng và những cơ hội Ru-dơ-ven có được mà nói rằng, Ru-dơ-ven chẳng hề biết gì về lĩnh vực kinh tế học nói chung và việc kinh doanh nói riêng thì nhất định mọi người sẽ rất ngạc nhiên. Có thể vì gia đình ông đã có một gia tài khổng lồ nên không cần phải nỗ lực để hiểu được tinh thần kinh doanh và làm thế nào để kiếm được tiền. Mẹ ông, Sa-ra có lần từng nói: “Trong gia đình tôi từ trước đến nay chưa bao giờ nói đến tiền... Cuộc sống nông thôn của chúng tôi không phải là một nơi để tiêu tiền... ”. Bà còn nói: “Chúng tôi rất ít khi từ chối yêu cầu của con”.

 

Ngay cả khi cha mẹ muốn truyền đạt cho Ru-dơ-ven những kiến thức về lĩnh vực tài chính cũng không biết được là rốt cuộc nên dạy cho ông những gì. Cha ông, Giêm được thừa kế di sản khổng lồ nhưng do thất bại trong các cuộc đầu tư vào đường sắt phương Namon> và kênh đào xuyên Ni-ca-ra-goa nên đã suýt làm tiêu tan toàn bộ di sản. Trong khi đó, ông ngoại của ông là Oa-ren Đê-la-nô đã kiếm được một khoản tiền lớn do buôn bán ma túy bất hợp pháp cho Trung Quốc. “Tôi không nghĩ rằng, kinh doanh ma túy là phù hợp với đạo đức hay là mang tính chất từ thiện”, Đê-la-nô đã nói như vậy nhưng ông vẫn theo đuổi kinh doanh mặt hàng này. Khi chính phủ Trung Quốc vì việc cấm buôn bán ma túy mà tuyên chiến, Đê-la-nô đã chấm dứt việc buôn bán ma túy và chuyển đến một căn hộ ở Niu Y-oóc nghỉ dưỡng một thời gian. Do không thể chịu được sự thiếu thốn về tiền mặt, ông như “ngựa quen đường cũ”, quay trở lại buôn bán ma túy. Trong thời gian này, Sa-ra còn trẻ và cùng với gia đình sống ở Trung Quốc vài năm.

 

Từ năm 1865 đến 1910, Mỹ trở thành cường quốc công nghiệp lớn nhất trên thế giới. Gia đình Ru-dơ-ven có một khối tài sản khổng lồ nhưng trong thời gian dài hầu như vẫn vậy, không tăng thêm. Trong khi đó, những người rất bình thường khác, thậm chí là người dân nhập cư lại rất nỗ lực để làm cho các ngành công nghiệp đường sắt, dầu khí và gang thép của Mỹ trở thành vô địch thiên hạ. Và đương nhiên cũng nhờ đó mà họ trở nên giàu có. Chẳng hạn, một người nhập cư ở Niu Y-oóc là Co-nê-li-ớt Van-đơ-bin sau này đã lũng đoạn doanh nghiệp đường sắt Trung bộ Niu Y-oóc, trở thành người giàu có nhất trong nước. Một người dân nhập cư khác, Thô-mát Đích-sơn, xuất phát điểm chỉ là một người rất bình thường, sau đó đã trở thành ông trùm ngành chế tạo và là tổng giám đốc của công ty đường sắt Đê-la-oe và Thô-mát Hút-sơn.

 

Lúc đó, Giêm Ru-dơ-ven là phó giám đốc công ty này, từng làm việc với cả hai người kể trên. Nói chính xác là Giêm ở dưới quyền hai người này. Thô-mát Đích-sơn là giám đốc còn Giêm “ngoan ngoãn” làm việc dưới quyền của hai ông chủ người nhập cư thất học. Vì thế, đương nhiên là ông vô cùng tức tối. Người cháu trai của Van-đơ-bin sau khi chuyển đến gần đó đã mời Giêm Ru-dơ-ven đến nhà cùng ăn tối nhưng ông từ chối. Giêm giải thích với vợ rằng: “Nếu bây giờ chúng ta nhận lời mời thì sau này chúng ta sẽ phải đáp lễ họ”.

 

Phran-klin khi còn trẻ rất thích thú câu chuyện này và thường kể cho mọi người nghe một cách hào hứng. Ông không có kiểu phân biệt đối xử người khác theo tài sản địa vị như cha mình. Về điều này, Ê-lê-no Ru-dơ-ven từng nói: “Phran-klin vẫn hay chơi với những ngươì có địa vị xã hội khác xa so với mình”. Có lẽ vì thế mà trong lĩnh vực chính trị, ông đã dần dần học được cách thuyết phục và lãnh đạo những người nghèo.

 

Học lực Ru-dơ-ven... trung bình toàn diện!

 

Ru-dơ-ven sinh trưởng trong sự bao bọc của một môi trường yên lành ở Hai-đơ Pác, được học ở trường Grô-tơn, sau đó là Trường Đại học Ha-vớt. Việc học hành của ông ở hai trường này đều thuộc dạng "thường thường bậc trung". Sau khi tốt nghiệp Grô-tơn, ông bộc bạch: “Tôi luôn cảm thấy lạc lõng, xa lạ”. Thành tích học tập của ông không tồi nhưng cũng không phải là xuất sắc (theo đánh giá của hiệu trưởng). Về phương diện thể thao, ông cũng không hề cố gắng, chăm chỉ, cho nên không bao giờ giành được chiến thắng. Ông nói với Ê-lê-no rằng, ở đó lúc nào ông cũng như “người thừa”. Ông không tham gia đội bóng đá mà bị xếp vào một đội bóng chày với tên gọi “BBBB” (có nghĩa là đội bóng chày của những chàng trai “kém tắm”). Theo Ru-dơ-ven, những người bị xếp vào đội bóng này đều là những người kém nhất trường. Sau đó, khi tham gia môn đấm bốc,trong trận đấu đầu tiên và cuối cùng, ông đã bị bạn học hạ nốc ao. Người thắng cuộc Phun-lơ Pót-tơ sau này nói: “Tôi không thể ngờ được Phran-klin bây giờ lại được như vậy. Khi còn đi học, anh ta luôn là một học sinh kém”.

 

Những biểu hiện của Ru-dơ-ven ở trường đại học Ha-vớt cũng giống như ở Grô-tơn. Ông vẫn không thể gia nhập đội bóng đá mà bị xếp vào đội cổ vũ. Thành tích học tập cũng thường thường, nói chung không phải là C thì là C+. Ông lơ là việc nghiên cứu học thuật và chỉ chuyên tâm vào câu lạc bộ, bị cuốn vào các cuộc tranh luận về chính trị. Ông được ghi tên là thành viên của câu lạc bộ. Nhưng khi ông nộp đơn xin gia nhập câu lạc bộ Po-xê-li-an, câu lạc bộ lâu đời nhất, ưu tú nhất thì bị từ chối. Do cha của ông đã từng là hội viên của câu lạc bộ này (Ted Ru-dơ-ven và hai người con của ông ta cũng vậy). 15 năm sau, ông nói với người thân rằng: Bị câu lạc bộ Po-xê-li-an từ chối là thất bại lớn nhất trong cuộc đời tôi. Nhưng những hội viên của câu lạc bộ sau này đều là những doanh nhân, giám đốc ngân hàng hay luật sư, chỉ có Ru-dơ-ven là trở thành tổng thống Mỹ.

 

Ru-dơ-ven thường hay nói dối

 

Ru-dơ-ven khi còn trẻ cực kỳ tham vọng. Nhưng những gì ông thể hiện trong học tập lại không nói lên được những hoài bão trong ông. Có khi ông còn dùng những thủ đoạn như khoa trương, nói dối để bao biện cho thất bại của mình. Thói quen bịa đặt của ông được hình thành từ bao giờ, chẳng ai biết được, chỉ thấy rằng khi ông đi học ở Grô-tơn thì “bệnh” đã rất nặng rồi. Ví dụ: Có một lần tham gia cuộc thi chạy của 100 sinh viên, thành tích rất kém nhưng ông đã nói dối cha mẹ là mình xếp thứ 4. Sở dĩ ông nói vậy là vì tạp chí của trường (cha mẹ ông vẫn thường xem tạp chí này) chỉ đăng tên 3 người có thành tích cao nhất. Là người có nhiều năm nghiên cứu về Ru-dơ-ven, Giép-phrây Oát cho biết: Ru-dơ-ven đã quen với việc bóp méo sự thật để biện minh cho những thiếu sót của mình, “những người chạy nhanh hơn ông ta và cả những người thắng ông ta trong các lần thi đấm bốc không phải vì họ quá tài giỏi mà vì họ có vóc dáng to lớn. Vì vậy, những cuộc thi đấu đó không thể nói là cuộc thi công bằng (theo cách nói của Ru-dơ-ven)”. Trong mọi trường hợp, nếu Ru-dơ-ven cảm thấy nói dối sẽ khó bị lật tẩy thì chắc chắn ông sẽ làm như vậy mà không chút do dự.

 

Ru-dơ-ven là một luật sư... kém!

 

Sau khi tốt nghiệp Đại học Ha-vớt, Ru-dơ-ven tiếp tục học ở viện Pháp luật, Đại học Cô-lum-bi-a. Vị giáo sư Rây-nôn Giắc-sơn, người đã từng dạy Ru-dơ-ven nói: “Phran-klin Ru-dơ-ven khi học trong trường không phải là một sinh viên giỏi, sau khi tốt nghiệp cũng không phải là một luật sư giỏi... Anh ta hầu như không có chút tài năng gì về lĩnh vực pháp luật nhưng cũng chẳng chăm chỉ để bù đáp cho những thiếu hụt ấy, anh ta rất hay bỏ học”. Trong thời gian chưa có việc làm, Ru-dơ-ven đã kết hôn cùng Ê-lê-no. Đích thân Tổng thống Theo-đo cầm tay cô dâu đến trao cho chú rể. Cuộc hôn nhân này chẳng qua cũng chỉ vì lợi ích của cả đôi bên.

 

Sau đó, Ru-dơ-ven đã đến làm việc tại một công ty luật uy tín là Ca-tơ Lê-át và Min-bun. Tại đây, luật sư Lê-úy Lê-át đã đánh giá Ru-dơ-ven là “vô dụng”, người này luôn phàn nàn về chất lượng (và cả số lượng) công việc mà Ru-dơ-ven đã làm.

 

Nhưng niềm đam mê chính trị của Ru-dơ-ven ngày càng rõ nét. Ông tuy không có tài năng và khát vọng đối với nghề luật và kinh doanh nhưng lại nắm bắt rất nhanh những kỹ xảo của hoạt động chính trị. Ông đã học được cách làm thế nào để gây ảnh hưởng đối với người khác. Khi mới chỉ 25 tuổi, còn chưa hình thành những quan điểm lập trường về chính trị, Ru-dơ-ven đã để mắt tới ngai vàng Tổng thống. Trong văn phòng luật sư Lê-át, Phran-klin và một số luật sư khác thường ngồi bàn luận về chính trị. Ông đã nói với mọi người rằng, mục đích mà ông đang hướng tới là một ngày nào đó sẽ đắc cử tổng thống. Ru-dơ-ven đã dùng kỹ năng thuyết phục độc đáo để miêu tả cho mọi người về chiến lược của mình. Ông đã vạch ra từng bước để đi đến đích đó là: Sẽ ứng cử vào Nghị viện tiểu bang, sau đó sẽ giành lấy chức phụ tá Bộ trưởng Hải quân, tiếp theo sẽ ứng cử làm Thống đốc tiểu bang Niu Y-oóc, lấy chức Thống đốc của tiểu bang lớn nhất nước Mỹ này làm nền tảng để tranh cử Tổng thống. Trong thời gian 25 năm tiếp theo, ông đã thực hiện đúng theo lộ trình trên.

 

Dần dần Ru-dơ-ven đã chứng tỏ chính trị mới thực sự là lĩnh vực “sở trường” của mình. Mối quan tâm lớn nhất của ông đã chuyển từ làm thế nào để kiếm được nhiều tiền sang làm thế nào để lôi kéo được nhiều cử tri. Ô-li-vơ Oen-đen Hôm-mét đã đánh giá Ru-dơ-ven là: “Chỉ số IQ loại hai còn khí chất thì loại một”.

 

Năm 1910, Ru-dơ-ven mới chỉ 28 tuổi và tham gia tranh cử chức Thượng nghị sĩ tiểu bang Niu Y-oóc, bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình. Không giống như những biểu hiện tầm thường khi còn trong trường học, ông đã chứng tỏ rằng mình hoàn toàn có đủ năng lực chinh phục cử tri. Hai năm sau ông đã giành số phiếu áp đảo và thắng cử. Dựa vào sức hấp dẫn như nam châm và là cái tên những người qua đường đều biết mà ông đã biến mình trở thành người có thể. Tổng thống Uốt-đrây Uyn-sơn đề bạt ông vào nội các, làm phụ tá Bộ trưởng Hải quân. Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Ru-dơ-ven luôn đảm nhận chức vụ này. Cuối cùng ông cũng đã thành người nổi tiếng và con đường vào Nhà Trắng cực kỳ hanh thông. Trong số các bạn cùng học của Ru-dơ-ven, có không ít nhà kinh tế học thành tích loại ưu, cũng có không ít người trở thành luật sư giỏi hoặc nhà quản lý giỏi. Nhưng chỉ có Ru-dơ-ven là chiến thắng qua từng lần tranh cử cam go để trở thành Tổng thống Mỹ.

Nguồn qdnd.vn

  • Từ khóa