Thứ 6, 26/04/2024, 16:27[GMT+7]

Nhà báo không ký bút danh

Thứ 2, 26/12/2016 | 08:22:24
2,706 lượt xem
Viết báo là một nghề, người làm nghề báo ai cũng muốn viết bút ký, phóng sự, điều tra… rồi ký bút danh của mình dưới những bài báo đó. Nhưng có một thực tế ít ai biết, ở tờ tin Tả Ngạn của Quân khu 3 những năm 1955 - 1958 và sau này Báo Tiến Lên rồi Thái Bình Tiến Lên thời chống Mỹ cứu nước những năm 60 của thế kỷ XX đã có cả nghìn bài báo được đăng tải, tạo dư luận tốt và tiếng vang lớn mà bạn đọc không bao giờ thấy bút danh của nhà báo. Phần lớn những bài viết đó là xã luận, chính luận và tiểu

Một góc thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương).

 

Nhà báo Nguyễn Văn Thủy, nguyên Ủy viên Hội đồng Biên tập Báo Tiến Lên, khi nghỉ hưu ở quê nhà có lần đã kể cho tôi nghe kỷ niệm về người viết những bài báo không ký bút danh, ông bảo chính nhà báo Vũ Văn Hân là tác giả. Ông Hân được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy giao viết những bài “khó nhằn” mà dân làm báo chuyên nghiệp gọi là loại bài “trói voi bỏ rọ”, họ gọi vui ông là “ông xã luận”. Tháng 1/1962, Báo Tiến Lên (nay là Báo Thái Bình) ra số đầu nên Ban Biên tập do Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Ðông trực tiếp điều hành, chưa có Tổng biên tập, chỉ có phụ trách Báo và các ủy viên Ban Biên tập. Ông Vũ Văn Hân được giao phụ trách Báo Tiến lên (Tổng biên tập ngày nay), Bác Hồ đọc báo góp ý phải có chữ Thái Bình nên ngay sau đó Báo Tiến Lên đổi thành Báo Thái Bình Tiến Lên. Ông Hân là người chuyên viết những bài quan trọng và điều đáng chú ý là những bài báo do ông viết luôn ngắn gọn nhưng đủ ý, lại dễ đọc, dễ hiểu.

Nhà báo Vũ Văn Hân vốn là hương sư, sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung nông, sớm giác ngộ cách mạng ở làng Nê, xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, nay là thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương. Trước tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, ông tập hợp nhóm thanh niên làng Nê hoạt động mở đầu phong trào đấu tranh giành chính quyền. Do hoạt động tích cực và hiệu quả, thời gian không lâu sau đó ông được bầu làm chủ tịch ủy ban hành chính xã rồi ông được điều lên làm trưởng phòng thông tin huyện. Do làm tốt công việc được giao, ông lại được tỉnh điều về phụ trách tờ tin Thái Bình. Công việc luôn chọn ông, ở cơ quan nào ông “cũng phải” giữ cương vị lãnh đạo cốt cán. Sau cải cách ruộng đất năm 1954, ông được điều động ra Kiến An, giao làm chủ bút tờ tin Tả Ngạn, tờ tin phát hành 5 tỉnh trong Quân khu 3, tuần hai kỳ, ông kiêm chức vụ trưởng ban biên tập. Tòa soạn chỉ có 5 cán bộ phải xuống cơ sở viết tin, bài, chụp ảnh. Còn ông và một thư ký tòa soạn ở lại làm tất cả mọi việc, từ biên tập, trình bày ma-két, đọc mo-rát, in ấn rồi... phát hành. Những năm 1956 - 1958, công tác cải cách ruộng đất đem lại quyền lợi cho nhân dân rất cấp thiết, tờ tin Tả Ngạn do ông phụ trách được chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, ông phải viết nhiều xã luận, chính luận và tiểu luận. Tờ tin dưới sự lãnh đạo trực tiếp của ông đã góp phần định hướng dư luận, vận động, thuyết phục đảng viên, nhân dân tham gia công tác sửa sai đầy khó khăn và phức tạp, đồng thời phê phán tư tưởng tả khuynh, chống hữu khuynh phủ nhận thành quả cải cách ruộng đất... Bài ông viết khi thì căn cứ vào chủ trương của trên, lúc thì căn cứ tình hình thực tế, tờ tin Tả Ngạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên khen ngợi. Số phận có vẻ như mỉm cười với ông khi ông rất có duyên làm thông tin, tuyên truyền khiến ông được điều về làm trưởng phòng thông tin trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Bình cuối năm 1958. Ông phụ trách truyền thanh và tin Thái Bình. Lúc đó, ở làng Xuân Hòa (huyện Thái Thụy nay) giáo dân toàn tòng, dân được chia ruộng đất nhưng không vào tổ đổi công giúp nhau sản xuất nên gặp rất nhiều khó khăn. Ông cử người về viết bài phê bình. Trong một cuộc họp tại Hà Nội, Ban Nông thôn Trung ương đã đọc bài viết phê bình trên tờ tin Thái Bình do Bác Hồ cắt gửi đến cùng ý kiến của Người là phải quan tâm xây dựng phong trào đổi công, hợp tác. Không lâu sau, ông được Tỉnh ủy bổ nhiệm Phó Trưởng ban Tuyên huấn kiêm Trưởng ban biên tập Báo Thái Bình Tiến Lên. Báo Thái Bình Tiến Lên tiếp tục những loạt bài phê bình tệ mê tín dị đoan, tệ lạm sát lợn, chè chén, lãng phí, nấu rượu lậu... Dịp cuối năm, ông cử phóng viên viết phê bình việc chống rét kém để trâu bò cày kéo chết. Có một câu chuyện về tài chỉ đạo phê bình của ông Hân mà tôi được nghe kể cách đây 25 năm, ngày tôi còn công tác ở Huyện ủy Quỳnh Phụ, một lần về xã Quỳnh Nguyên tôi có may mắn gặp ông Ðinh Linh, nguyên Trưởng ty Nông nghiệp nghỉ hưu tại quê, ông Ðinh Linh kể trong chuyến công tác Hà Nội dự hội nghị toàn quốc về sản xuất nông nghiệp, Bác Hồ đến dự và nói chuyện với hội nghị. Bác hỏi: Có đại biểu Thái Bình ở đây không? Ông lễ phép trả lời: Thưa Bác, có ạ! Bác cười rồi mở cặp tài liệu lấy ra một mảnh báo cắt vuông vắn, trao cho ông Ðinh Linh và nói: Mọi lần Bác thường làm việc trao bằng khen, nay Bác trao cho Thái Bình một bằng chê. Cả hội nghị cười vui. Ông Ðinh Linh chưa hiểu nội dung bài báo mà Bác cắt đưa cho là thế nào nhưng biết chắc là khuyết điểm nên chỉ còn biết cười gượng. Bài báo sau đó được đọc tại hội nghị Tỉnh ủy Thái Bình, nội dung bài báo phê bình Hợp tác xã Văn Hải, huyện Tiền Hải lãnh đạo làm công tác lương thực chưa tốt, đồng thời biểu dương Hợp tác xã Tam Nông, huyện Duyên Hà lãnh đạo 74 hộ bỏ nghề làm bún bánh để tiết kiệm lương thực. Tỉnh ủy đã tiếp thu phê bình của Báo và cử cán bộ về Văn Hải giúp đỡ địa phương. Câu chuyện sẽ chỉ dừng lại ở chuyện khen - chê rồi rơi vào quên lãng nếu sau đó không có những bài báo tiếp tục phê bình những địa phương khác trong tỉnh thực hiện không tốt công tác lãnh đạo làm lương thực bán thóc cho nhà nước. Người chỉ đạo tích cực việc phê bình trên báo không ai khác đó chính là phụ trách tờ báo Vũ Văn Hân. Với cương vị phụ trách Báo Thái Bình Tiến Lên, ông phân công phóng viên viết biểu dương, khích lệ những điển hình tiên tiến nhưng không quên phê phán những biểu hiện sai trái của cá nhân, tập thể trong tỉnh trong đời sống và sản xuất. Phóng viên Ðỗ Ðạo nhiều lần được phân công viết về những điển hình hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có lần viết phê phán Hợp tác xã Vũ Hội, huyện Thư Trì, nay là Vũ Thư, bị một số xã viên hợp tác xã Vũ Hội viết thư  gửi chủ nhiệm Vũ Văn Hân với nội dung hăm dọa: “Cần gặp Ðỗ Ðạo” nhưng ông vẫn giữ nguyên thái độ tiến công phê bình. Lần ông cử phóng viên Ðỗ Ðạo về một hợp tác xã ở huyện Hưng Nhân (nay là Hưng Hà) viết về những sai sót trong việc để trâu cày chết rét bị chủ tịch huyện phàn nàn, ông vẫn cương quyết đăng bài.

Vốn là nhà giáo, nhà báo Vũ Văn Hân nói và viết đều rất tốt, khi còn làm phụ trách Báo Thái Bình Tiến Lên ông rất coi trọng vai trò của thông tin viên, cộng tác viên, ông thường nói với cán bộ dưới quyền rằng cán bộ, phóng viên của Báo không nhiều và không thể nắm hết tình hình cơ sở được, phải dựa vào mạng lưới thông tin viên, cộng tác viên rộng khắp. Ông liên hệ mật thiết với thông tin viên, cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra quyết định tặng danh hiệu “Thông tin viên tiên tiến” cho những người cộng tác với Báo xuất sắc. Mỗi năm một lần, Ban biên tập Báo Thái Bình Tiến Lên do ông chỉ đạo lại họp bàn, nhận xét và đề nghị tặng danh hiệu thông tin viên, cộng tác viên tiên tiến, họp tổng kết, cổ vũ cộng tác viên.

Nhà văn Bút Ngữ, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thái Bình Tiến Lên

Là người cùng làm việc với nhà báo Vũ Văn Hân nhiều năm, ông là người nói dễ nghe, viết dễ đọc, văn chính luận đích thực của ông, không vay mượn. Ông sống khiêm nhường, trung thực, không tiểu xảo. Quan điểm sống của ông là “Tri túc thường bất túc nhục”, có nghĩa là biết đủ trong cái đủ thông thường. Trong những năm phụ trách Báo Thái Bình Tiến Lên, ông ra sức kiện toàn cơ quan và chi bộ, đưa cơ quan liên tục đạt danh hiệu cơ quan “4 tốt” và tiên tiến của tỉnh. Ông là nhà báo đầu tiên của Thái Bình đi dự Ðại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III, được gặp Bác Hồ tại Ðại hội.

Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn cao cấp, nhà văn Minh Chuyên, Ðài Truyền hình Việt Nam

Cố nhà báo Vũ Văn Hân - một cây bút chính luận sắc bén, là thế hệ đi trước, có những đóng góp không nhỏ cho nghề báo trong thời kỳ khó khăn nhất. Ông đã xây dựng và bàn giao lại cho thế hệ tiếp theo của Báo Thái Bình một tòa soạn báo và cung cách làm việc nền nếp. Ðiều đó như một nguồn động viên, cổ vũ lớn lao với chúng tôi, thế hệ làm báo sau ông tiếp tục phát huy giá trị nhân văn, không ngừng phấn đấu vươn lên giành đỉnh cao trong sự nghiệp làm báo.

Ông Nguyễn Doãn Tấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Nhiếp ảnh tháng tám Thái Bình

Có điều kiện cộng tác với ông Hân nhiều năm, ông là người có chức quyền nhưng không vụ lợi, nhũng nhiễu. Khi được nghỉ hưu, ông về quê được nhân dân tin yêu, anh em trong ngành thương mến, cán bộ đương chức tin, nể. Nghỉ hưu nhưng ông vẫn thường đạp xe hơn hai chục cây số lên tỉnh tham dự hội làm vườn, hội sinh vật cảnh. Ðược phát biểu, bao giờ ông cũng nói lên ý đúng, lời phải, có sức thuyết phục người nghe.

Quang Viện

  • Từ khóa