Thứ 2, 20/05/2024, 00:40[GMT+7]

Chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp thêm ý chí, niềm tin, khát vọng xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng

Thứ 3, 07/05/2024 | 07:49:03
676 lượt xem
Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Hơn ¾ thế kỷ đã trôi qua song tầm vóc lịch sử, ý nghĩa thời đại của chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn luôn tỏa sáng, tiếp thêm ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên xây dựng nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Thành phố Điện Biên Phủ - nơi lưu giữ những chiến tích oai hùng của quân và dân ta.

Mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Đến năm 1953, chúng ta đã làm chủ trên các chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta. Để cứu vãn tình thế, thu - đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã triển khai kế hoạch Nava tăng cường binh lực và phương tiện chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam, giành lại thế chủ động trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị hòng tiếp tục sự chiếm đóng lâu dài. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự kiên cố. 

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược đông - xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi sơ hở và nơi xung yếu của địch mà đánh, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, buộc địch phải phân tán lực lượng. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào, Thượng Lào và Đông Campuchia, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng buộc quân Pháp lâm vào tình thế bị động chiến lược, phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp các chiến trường. 

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy nằm ngoài dự kiến ban đầu của kế hoạch Nava nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Ở đây tập trung 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 - 300 tấn hàng và thả dù từ 100 - 150 quân, bảo đảm nguồn tiếp viện trong quá trình tác chiến. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của kế hoạch Nava. 

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”; dặn dò Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi Đại tướng ra mặt trận: Phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của chiến dịch, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy đã quyết định tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ gồm 4 đại đoàn công pháo với tổng quân số trên 40.000 cán bộ, chiến sĩ. Cả nước đã tập trung sức mạnh cho mặt trận Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, ngày đêm bạt rừng, xẻ núi mở đường, kéo pháo, xây dựng trận địa sẵn sàng tiến công địch. Cả một hậu phương rộng lớn của đất nước đều dồn sức người, sức của với hơn 260.000 dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn, hướng về Điện Biên bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch. 

Ngày 25/1/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng ủy chiến dịch đã đưa ra quyết định mới: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ, chiến dịch diễn ra thành 3 đợt trong gần 2 tháng. 

17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tướng De Castries cùng toàn bộ bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. 

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ toàn thắng, đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”. 

Các lực lượng luyện tập phục vụ lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thái Bình dốc sức cho tiền tuyến 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được Trung ương giao nhiệm vụ, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã đoàn kết một lòng, chủ động phục vụ chiến trường bằng tất cả tinh thần, sức lực, trí tuệ và của cải với mục tiêu tất cả cho chiến thắng. Ở khắp mọi nơi trong tỉnh, nhân dân đã nghe theo tiếng gọi của Đảng và Hồ Chủ tịch, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, bom đạn của địch, sẵn sàng huy động sức người, sức của cho mặt trận; sẵn sàng hy sinh phục vụ chiến dịch, tham gia chiến đấu tiêu diệt kẻ thù. Từ tháng 2 - 5/1954, Thái Bình đã bổ sung cho bộ đội chủ lực gần 3.000 người và hàng nghìn dân công; huy động hàng trăm phương tiện với hàng nghìn ngày công để gánh gạo, tải thương vượt sông Hồng, sông Đáy đi phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh đã nhận được hàng vạn lá thư, hàng chục nghìn gói vật phẩm gồm thuốc lào, thuốc lá, xà phòng, thuốc đánh răng, thuốc chữa bệnh, quần áo, hàng chục tấn quà để gửi tới chiến sĩ Điện Biên Phủ. Chỉ riêng các khoản thuế quy ra thóc, từ năm 1951 đến tháng 6/1954 tỉnh Thái Bình đã đóng góp cho nhà nước 63.000 tấn. Có hàng nghìn chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã xung phong lên đường, trực tiếp tham gia chiến dịch. Trong số đó, có 2.538 người đã để lại một phần xương máu ở chiến trường, 268 người đã anh dũng hy sinh. Thế hệ những người Thái Bình hôm nay cũng rất tự hào về gương chiến đấu của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tạ Quốc Luật, xã Thụy Hải (Thái Thụy) - người Đại đội trưởng gan dạ, dũng cảm, dẫn đầu tổ xung kích xông vào sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ bộ tham mưu của quân Pháp vào chiều ngày 7/5/1954. 

Dù tuổi cao, sức khỏe yếu, trí nhớ có phần giảm sút nhưng khi trò chuyện với chúng tôi về chiến dịch Điện Biên Phủ, ánh mắt cụ Phạm Văn Tỉnh, xã Đông Á (Đông Hưng) lại bừng sáng, những kỷ niệm về những ngày tham gia chiến dịch lại ùa về. Cụ chia sẻ: Thái Bình là một trong những hậu phương chủ chốt cung cấp sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường lên Tây Bắc ngày ấy gian nan lắm, phải trèo đèo, lội suối, có những đoạn phải vừa đi vừa mở lối, nhưng lực lượng thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến Thái Bình đã vượt hàng trăm cây số đường rừng giữa “mưa bom bão đạn”, dốc cao, vực sâu, để đưa lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men... vào chiến trường. Những ngày chiến đấu gian khổ ở Điện Biên Phủ, bộ đội kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, đào hầm ngủ đất, bị những cơn sốt rét rừng hành hạ... nhưng ý chí và tinh thần rất cao, đánh cho địch mất hết đường tiếp tế dẫn đến thất bại hoàn toàn. 

Du khách tham quan Bảo tàng Lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khí phách Điện Biên Phủ trong thời kỳ mới 

Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng đã trở thành một chương hào hùng bậc nhất trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta và thành “di sản tinh thần quý báu của dân tộc Việt Nam”. Để rồi, chân lý sáng ngời “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” cùng khí phách Điện Biên Phủ hào hùng đã cổ vũ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai, thu giang sơn về một mối, để đất nước nở hoa độc lập. Cũng chính tinh thần bất diệt của chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn dắt dân tộc ta tiếp tục đứng lên làm một cuộc “trường chinh” mới - công cuộc bảo vệ và dựng xây Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố, nâng cao. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. 

Trong hành trình vẻ vang ấy, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình tự hào vì có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp chung của đất nước. Nổi bật là sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (2021 - 2023), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt 8,18% (năm 2021 tăng 7,66%; năm 2022 tăng 9,52%, đứng thứ 6 vùng đồng bằng sông Hồng và thứ 18 cả nước; năm 2023 tăng 7,37% (đứng thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng). Quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 67.948 tỷ đồng, gấp 1,3 lần năm 2020. Tổng giá trị sản xuất tăng bình quân đạt 9,7%/năm. Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bảo đảm chất lượng, khoa học, có tầm nhìn và nhiều định hướng, đột phá, phát triển mới mở ra cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh phát triển trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Chính từ ý chí, khát vọng vươn lên, những năm gần đây, Thái Bình luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước giải ngân vốn đầu tư công. Khu kinh tế Thái Bình đã hình thành rõ nét, khẳng định được vai trò động lực phát triển của tỉnh, tạo được niềm tin, sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư có uy tín trên thế giới. Năm 2023, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt gần 98.300 tỷ đồng, gấp 4,6 lần so với năm 2022; trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng - gần 3 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay và xếp thứ 5 toàn quốc. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư đồng bộ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực. Công tác an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, xanh, sạch đẹp, văn minh, hiện đại. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; dân chủ ở cơ sở và vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền và vai trò, sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng lên. 

Những ngày tháng 5 lịch sử này, có rất nhiều người dân Thái Bình hòa cùng dòng người từ khắp mọi miền của Tổ quốc đến với mảnh đất Điện Biên anh hùng, thăm những di tích gắn liền với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Trong dòng người ấy, có những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tự hào mang trên ngực những tấm huân chương; du khách quốc tế, học sinh, sinh viên... và cũng không ít người mới lần đầu đến với Điện Biên, đến với các di tích của chiến trường xưa. Mỗi người một cảm nhận, một tâm trạng nhưng đều thể hiện lòng biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đã hy sinh xương máu để làm nên chiến thắng. Ông Nguyễn Văn Nhinh, quận Kiến An, thành phố Hải Phòng chia sẻ: Chúng tôi đến với Điện Biên trong niềm kiêu hãnh và tự hào về chiến thắng lẫy lừng của dân tộc Việt Nam. Qua những công trình, kỷ vật được bảo tồn, trưng bày ở Điện Biên Phủ chúng ta càng cảm phục, biết ơn thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thông qua các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ một lần nữa khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng đất nước ta thêm mạnh giàu. 

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, đất nước Việt Nam tiếp tục vững bước trên hành trình tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc gia - dân tộc trên trường quốc tế. Trong bối cảnh có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, phát huy cao độ nội lực; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng; giữ vững và tăng cường đoàn kết quân dân, đoàn kết hữu nghị với nhân dân và quân đội các nước; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tạo dựng thời cơ, vượt qua thách thức, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thành phố Điện Biên Phủ cờ hoa rực rỡ chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Mạnh Cường