Thứ 2, 20/05/2024, 01:01[GMT+7]

Sức mạnh Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh

Thứ 3, 07/05/2024 | 09:28:14
466 lượt xem
Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”(1).

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết tinh sức mạnh của dân tộc Việt Nam được hun đúc, tiếp nối qua hàng nghìn năm lịch sử và dưới sự lãnh đạo của Đảng được phát huy, tỏa sáng trong thời đại Hồ Chí Minh. Sức mạnh đó là nhân tố cơ bản để làm nên chiến thắng, được thể hiện trên các vấn đề lớn sau đây:

Một là, sức mạnh của đường lối, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc: Ngày 2/9/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Tuy nhiên, bất chấp nguyện vọng hòa bình của nhân dân ta, thực dân Pháp ngày càng lấn tới, nhất định cướp nước ta một lần nữa. Nhân dân ta chỉ còn con đường duy nhất là nhất tề đứng lên kháng chiến để bảo vệ thành quả cách mạng.

Đường lối kháng chiến của Đảng xác định lúc này là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh là chính và tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế. Đây là đường lối chiến tranh nhân dân tài tình, sáng tạo được kế thừa và phát triển cao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, với lực lượng nền tảng là giai cấp công, nông dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Thực hiện đường lối của Đảng, nhân dân ta vừa kháng chiến vừa kiến quốc(2).

Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng đã xác định đường lối tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội(3), cùng quyết tâm “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”.

Thực hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, quân và dân ta không ngừng tăng cường thế và lực cho cuộc kháng chiến. Cuối tháng 9/1953, Bộ Chính trị ra Nghị quyết lịch sử thông qua kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, quyết tâm phá Kế hoạch Navarre.

Trước tình thế mới, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị nghe Tổng Quân ủy báo cáo về phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954; đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy và thành lập Bộ Chỉ huy, Đảng ủy Mặt trận; Chính phủ thành lập Hội đồng Cung cấp Mặt trận. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hậu phương tập trung toàn lực chi viện cho chiến dịch.

Hai là, sức mạnh của nghệ thuật quân sự tài tình, sáng tạo, cùng sự trưởng thành và chiến đấu kiên cường, anh dũng của Quân đội nhân dân Việt Nam: Sau gần chín năm xâm lược kéo dài và bị sa lầy tại Việt Nam, giới cầm quyền Pháp vẫn cố gắng để tìm một kết thúc có lợi.

Ngày 24/7/1953, Chính phủ và Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua kế hoạch quân sự mới của Navarre - Tổng Chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương(4), với hy vọng trong vòng 18 tháng sẽ giành lấy một thắng lợi quyết định.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cuối năm 1953). Ảnh: hochiminh.vn.

Sau khi phân tích và đánh giá đúng tình hình chiến sự, giữa tháng 11/1953, Trung ương Đảng chủ trương tập trung lực lượng, mở những cuộc tiến công chiến lược nhằm vào những nơi mà lực lượng của địch tương đối yếu, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng, phá âm mưu tập trung binh lực của địch.

Từ chỗ không có trong kế hoạch, Điện Biên Phủ đã trở thành trung tâm của Kế hoạch Navarre, có vị trí chiến lược quan trọng, được xác định làm bàn đạp để chiếm lại Tây Bắc, uy hiếp hậu phương Việt Bắc của ta.

Trên cơ sở phân tích mạnh, yếu nêu trên, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược, hạ quyết tâm phải tiêu diệt tập đoàn cứ điểm để tạo bước ngoặt mới trong chiến tranh.

Để tạo thuận lợi cho trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường với năm đòn chiến lược(5).

Phương châm ban đầu là “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Tuy nhiên, trên cơ sở cân nhắc, phân tích kỹ lưỡng tình hình chiến trường, Bộ Chỉ huy Chiến dịch, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp(6) quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” theo chủ trương của Đảng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ba là, sức mạnh của lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kết tinh trí tuệ, bản lĩnh của Đảng, với bộ chỉ huy thao lược, tài ba và những cá nhân, đảng viên luôn tiên phong, gương mẫu; cùng quân và dân ta trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết rộng rãi, lao động quên mình, chiến đấu dũng cảm, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi gian khổ, đặt lợi ích của nhân dân, của cách mạng lên trên hết, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập tự do.

Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, cả nước đã cùng ra trận, đẩy mạnh tiến công về quân sự, phong trào chiến tranh du kích, phá tề trừ gian và các cuộc đấu tranh chính trị, qua đó tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế: Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cách mạng thế giới, xác định cuộc kháng chiến của nhân dân ta không chỉ giành tự do cho đồng bào, độc lập cho Tổ quốc mình mà còn vì tự do, độc lập, dân chủ và hòa bình thế giới.

Để giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nói chung, toàn dân tộc đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực rất cao và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, cùng những thời cơ thuận lợi của thời đại.

Chiến thắng đã đánh dấu chấm hết cho sự ngoan cố, hiếu chiến của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc Chính phủ Pháp ký Hiệp định Geneva (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Đây cũng là thắng lợi to lớn của nhân loại tiến bộ và của các lực lượng yêu chuộng hòa bình, là nguồn cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân dưới mọi hình thức, giành độc lập - tự do, mở đầu cho sự tan rã không thể cứu vãn của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam, cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và luôn luôn giữ vững hệ quan điểm chỉ đạo mang tính nguyên tắc trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế để xây dựng niềm tin vững chắc trong nhân dân.

Thứ hai, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự thống nhất về ý chí và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong sạch, vững mạnh toàn diện. Chú trọng xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và trong nhân dân.

Thứ tư, kiên trì, thực hiện nghiêm, hiệu quả đường lối quốc phòng toàn dân trong bối cảnh mới. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ.

Thứ năm, giữ vững độc lập, tự chủ, tự cường, dựa vào nội lực là chính, xây dựng tiềm lực về mọi mặt của đất nước, của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh, bền vững. Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Thứ sáu, nghiên cứu, dự báo và tham mưu chiến lược, toàn diện, đề xuất các chủ trương, đối sách, giải pháp sát, đúng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ vững thế chủ động chiến lược, các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.

Thứ bảy, kiên trì, kiên định và thực hiện nhất quán đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, bình đẳng, hợp tác và phát triển, trên tinh thần lợi ích quốc gia - dân tộc là trên hết. Tiếp tục đưa quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất, thiết thực, tăng cường đan xen lợi ích và tin cậy chính trị.

Thứ tám, tăng cường tổng kết lý luận và thực tiễn, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo những bài học về nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, cũng như tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam và thế giới để xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(1) Lê Duẩn, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, Hà Nội 1970, tr.90.

(2) Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng dân quân du kích, dân quân tự vệ phát triển mạnh mẽ, rộng lớn trên khắp thôn, bản, làng, xã, phố phường với số lượng hàng triệu, biểu hiện thực sự “mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài” trong cuộc kháng chiến.

(3) Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 1 (1930-1954), quyển 2, Nxb Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.322-323.

(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1964, tr.182.

(5) (1) Tiến công Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía Bắc. (2) Phối hợp với quân giải phóng Lào mở chiến dịch tiến công vào Trung Lào. (3) Tiến sâu xuống Hạ Lào và Đông Campuchia. (4) Tiến công trên mặt trận Bắc Tây Nguyên. (5) Phối hợp tiến công phòng tuyến địch tại Thượng Lào.

(6) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận.

THƯỢNG TƯỚNG NGUYỄN TRỌNG NGHĨA

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương

Theo: nhandan.vn