Thứ 5, 30/05/2024, 06:14[GMT+7]

Ngô ngọt thay lúa xuân trên đất Điệp Nông

Thứ 5, 21/05/2015 | 08:19:20
1,991 lượt xem
Thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng mô hình chuyển đổi một số diện tích cấy lúa xuân sang trồng ngô, cây màu vụ xuân năm 2015, xã Điệp Nông (Hưng Hà) đã triển khai thực hiện mô hình chuyển lúa xuân sang trồng ngô ngọt. Đây là mô hình điểm thực hiện luân canh 4 vụ/năm: ngô ngọt - dưa gang - lúa mùa sớm- ngô ngọt đông để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Thu hoạch ngô ngọt tại thôn Ái Quốc, xã Điệp Nông.

 

Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN Điệp Nông cho biết: Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, đề án về chuyển một số diện tích cấy lúa sang trồng cây màu vụ xuân. Cùng với đó, HTX DVNN đã xây dựng kế hoạch, biện pháp thực hiện cụ thể, chi tiết, giao chỉ tiêu diện tích, quy vùng đến từng thôn để vận động nhân dân chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng ngô ở vụ xuân năm nay. Để bà con nông dân yên tâm sản xuất, HTX DVNN cùng với Công ty Xuất nhập khẩu Đồng Giao và Công ty Xuất nhập khẩu Hải Dương liên kết sản xuất và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nhằm giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, HTX đã phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức tập huấn kỹ thuật cho nông dân, đồng thời làm tốt công tác thủy lợi và quy hoạch vùng sản xuất. Với sự vào cuộc tích cực của chính quyền và nhân dân địa phương, toàn xã đã có 463 hộ nông dân chuyển đổi 50ha cấy lúa sang trồng ngô ngọt ở vụ xuân, trồng dưa gang ở vụ hè.

 

Đang thu hoạch ngô ngọt vụ xuân để bán cho công ty bao tiêu sản phẩm, bà Ngô Thị Quy (thôn Ái Quốc) chia sẻ: Nghe địa phương tuyên truyền chủ trương của tỉnh về chuyển đổi lúa xuân sang trồng ngô, rau màu, gia đình tôi đã quyết định chuyển 5 sào cấy lúa sang trồng ngô ngọt. Trước khi sản xuất, gia đình tôi cũng băn khoăn vì sợ giống ngô mới không hợp với đồng đất, lo đầu ra không được bảo đảm. Nhưng sau khi được tập huấn kỹ thuật, được công ty hỗ trợ giống ngô Su gơ 75 và giống Smit nhập từ Thái Lan, chúng tôi yên tâm sản xuất. Đến nay diện tích ngô của gia đình tôi đã được thu hoạch, năng suất cao hơn so với các giống ngô trước đây, ước tính đạt khoảng 550 kg/sào.

 

Ông Trần Minh Chiêu cho biết thêm: Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật, địa phương đã mạnh dạn thực hiện mô hình này với mong muốn chuyển đổi dần diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây màu, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân. Với giá các công ty thu mua 4.000 đồng/kg, bình quân mỗi sào nông dân thu lãi từ 1,8 - 2 triệu đồng, gấp 3 lần so với cấy lúa. Hơn thế, ngô ngọt là loại cây dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ khoảng 70 - 80 ngày là được thu hoạch, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, nhất là được công ty thu mua bắp tươi nên nông dân không phải lo khâu bảo quản sau thu hoạch. Sau khi thu hoạch ngô, xã tổ chức cho bà con nông dân trồng thêm một vụ dưa gang, sau đó mới đến vụ lúa mùa, cây vụ đông. Với mô hình luân canh 4 vụ/năm, ước tính giá trị thu nhập khoảng 240 triệu đồng/ha.

 

Hiệu quả của mô hình chuyển từ cấy lúa sang trồng ngô, cây màu đã thấy rõ, tuy nhiên không phải tất cả cán bộ, nhân dân địa phương đều đã nhận thức đúng, đủ về chủ trương này. Mặt khác, vấn đề lao động, kinh phí đầu tư hệ thống thủy lợi bảo đảm tưới, tiêu cho cây trồng và quan trọng nhất là đầu ra cho sản phẩm đang là thách thức không nhỏ đối với quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa xuân sang trồng ngô, cây màu ở Điệp Nông.          

 

Mai Thư

 

Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm HTX DVNN

Để chủ trương chuyển đổi  đạt  hiệu quả cao, tỉnh và ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ nông dân đầu tư sản xuất, hỗ trợ địa phương kiên cố hóa kênh mương, đường trục trong vùng sản xuất để bảo đảm việc tưới, tiêu và thu mua sản phẩm được thuận lợi.

Ông Trần Văn Đức, Trưởng thôn Việt Yên 3

Cần tăng cường tập huấn kỹ thuật cho nông dân; thị trường tiêu thụ nông sản cần phải ổn định để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất...

Ông Nguyễn Văn Chủ, thôn Ái Quốc

So với cấy lúa trước đây thì việc trồng ngô ngọt có phần vất vả hơn vì phải chịu khó tìm hiểu kỹ thuật, mất nhiều công chăm bón nhưng trồng ngô lại cho giá trị cao, nông dân có cơ hội tăng vụ sản xuất, tăng thu nhập, đặc biệt không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Tôi mong muốn mô hình này sẽ được duy trì bền vững để nông dân yên tâm sản xuất.

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày