Thứ 5, 02/05/2024, 06:19[GMT+7]

Ngữ cổ, ngữ âm

Thứ 6, 19/04/2024 | 15:26:08
4,260 lượt xem
Theo tài liệu nghiên cứu về di sản Hán Nôm, có ý kiến cho rằng chữ Hán được dạy và học từ vương triều của Triệu Đà. Sách Thủy kinh chú của Trung Hoa khẳng định: “Dưới triều đại “Nam Việt quốc” các Lạc tướng của Hùng Vương vẫn cai trị dân như cũ” (tức Triệu Đà chủ trương sử dụng các hào trưởng người Việt có uy tín và lực lượng hùng hậu lại thông hiểu ngôn ngữ và phong tục, tập quán địa phương để quản lý dân Lạc Việt). Bằng chứng cho việc xuất hiện chữ Hán ở tỉnh ta còn lưu lại tại đền Đồng Xâm, xã Hồng Thái (Kiến Xương) với bức đại tự đắp nổi bằng những mảnh vỡ của đồ gốm cổ, quý giá: “Nhất thống thủy”. Theo các nhà nghiên cứu Hán Nôm, 3 chữ này hàm nghĩa đây là nơi thờ Triệu Đà có vợ là Trình Thị Hoàng hậu, người làng Đường Thâm, sau đổi thành Đồng Xâm...

Chiếng chèo làng Khuốc, một trong ba chiếng chèo cổ trong tam giác chèo của trấn Sơn Nam nay là Thái Bình vẫn được duy trì và truyền dạy cho lớp trẻ ngày nay.

Theo các tài liệu khảo cứu, sau khi Triệu Đà, chức “Huyện lệnh Long Xuyên”, quận Nam Hải, lợi dụng thời cơ nhà Tần sụp đổ năm 207 (TCN) đã chiếm lĩnh 2 quận Quế Lâm và Tượng Quận, thiết lập vương triều cát cứ Nam Việt quốc (207 - 111 TCN). 18 năm sau, Triệu Đà thôn tính “nốt” nước Âu Lạc (208 - 179 TCN) của An Dương Vương, lúc này chữ Hán mới thực sự được truyền bá (tức được dạy một cách có chủ định) ở vùng đất Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam ngày nay. Với cả “ngàn năm” Bắc thuộc, bằng ý chí độc lập dân tộc và bằng “khúc xạ” văn hóa, cha ông ta đã biến đổi chữ Hán thành chữ Hán Nôm mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.

Trên địa bàn tỉnh ta còn khá nhiều di sản Hán tự cổ, trong đó có nhiều di sản Hán Nôm quý giá, như các bức đại tự, hoành phi, câu đối cổ trong đình, đền, chùa, miếu cổ nằm rải rác ở 8 huyện, thành phố, đặc biệt có nhiều bản Hán Nôm ở đình La Miên, xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ)... 

Nhà bác học thế kỷ XVIII, danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn cũng để lại nhiều trước tác ghi chép bằng chữ Hán Nôm, trong đó có tập sách Kiến văn tiểu lục ghi chép về nhiều lĩnh vực, đáng lưu ý có câu chuyện về tích “chèo cổ” vẫn được các phường chèo của Thái Bình trình diễn. Câu chuyện được chép như sau: “Một người phường chèo, vợ có nhan sắc, người khách buôn phương Bắc trông thấy, liền bỏ tiền của ra dụ dỗ vợ chồng người ấy xuống thuyền ca hát, nhân đấy cho người chồng uống rượu say, rồi đem người vợ giấu ở dưới cột buồm, bắt miệng ngậm nhân sâm để khỏi tắt thở. Khi người chồng tỉnh rượu, không thấy vợ, hỏi thì người lái buôn nói dối là “đã lên bờ từ trước rồi”. Người chồng tìm khắp nơi không thấy, bèn làm đơn tố cáo ở “cửa doanh”. Lê Đình Kiên làm trấn thủ Sơn Nam lúc đó sai người tìm kiếm trong thuyền không thấy bóng dáng đâu cả lại sai viên thuộc là Dung Vũ đem lính đi tìm. Người khách buôn hùng hổ, tuốt gươm quát to lên rằng: “Nếu không tìm được, ta sẽ giết ngươi”. Dung Vũ sức lực to lớn, xông thẳng đến ôm chặt và giật phăng lấy thanh kiếm, rồi mắng người khách lái buôn rằng: “Mày muốn kháng cự việc quan à”. Sau đó, Vũ bắt trói ba người giải nộp quan. Đình Kiên sai giam riêng mỗi người một nơi, đem hết đồ tra tấn ra để uy hiếp nhưng bọn kia vẫn không thú nhận. Đình Kiên bàn, trước hết đem hai người khảo đả thật đau, còn một người nữa thì cho đứng ngoài sân xa xa trông thấy. Khi khảo đả xong, cho lôi ra chỗ khác. Bấy giờ mới cho giải thoát người sau cùng vào mắng bảo rằng: “Bọn kia đã chiêu xưng rồi, lời cung chứng cứ đủ cả đây, mày còn giấu giếm chối cãi à?”. Vừa nói vừa cầm vờ một tờ giấy bảo cho người này biết. Người ấy hoang mang nói hết sự thật. Đình Kiên sai bắt giải về thuyền, tìm ở dưới cột buồm, quả nhiên thấy vợ người phường chèo, liền trao trả cho người ấy và phạt người khách buôn phương Bắc 70 dật bạc”. Nhân gian, người người đều khen Đình Kiên là “người khéo xét kiện”. Câu chuyện mà danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ghi chép ở trên cho hậu thế thấy rằng Lê Đình Kiên, một trấn thủ Sơn Nam có tài xét kiện, đồng thời cũng vạch trần sự xảo quyệt của tên khách buôn người Bắc quốc này. Câu chuyện bằng chữ Hán Nôm trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn cho thấy, ở thế kỷ XVIII địa bàn tỉnh ta đã có những người “sống” bằng nghề hát chèo chuyên nghiệp. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thực tế thời kỳ cận đại ở đồng bằng Bắc Bộ, nhiều ban hát không chuyên thường thường vai đào vẫn phải dùng nam giới đóng giả. Câu chuyện về hai vợ chồng người phường chèo ở trên chứng tỏ nghề hát chèo ở trấn Sơn Nam, trong đó có tỉnh ta lúc ấy đã đạt đỉnh cao nghệ thuật diễn xướng. Các nghiên cứu cũng thống nhất: Có tích (tích diễn) mới dịch nên trò (trò diễn). Theo các tài liệu khảo cứu, có khá nhiều các văn bản truyện Nôm (ý chỉ ghi chép bằng chữ Hán Nôm) được chuyển thành chèo. Quan Âm Thị Kính cũng chính là Quan Âm tân truyện in bằng chữ Hán Nôm không có lời tựa, lời dẫn nên được coi là “khuyết danh”. Theo tài liệu nghiên cứu của nhiều học giả, trước Cách mạng Tháng Tám (1945) văn bản Hán Nôm “tiền nhiệm” của chèo Quan Âm Thị Kính được phiên âm in thành chữ quốc ngữ, bản này cũng không được tra cứu. Mãi đến năm 1957, nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đức Đàn mới giới thiệu và chú thích Quan Âm Thị Kính có phân tích nội dung truyện, rồi đặt giả thiết về niên đại xuất hiện của truyện: “Ức đoán rằng tác phẩm này có thể xuất hiện vào thời Lê mạt, Nguyễn sơ...”. Năm 1958, các tác giả Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong và Nguyễn Đổng Chi viết Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển III, đặt Quan Âm Thị Kính vào loại “tác phẩm khuyết danh” và xếp ở thế kỷ XVIII (cùng sinh thời danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn). Đến năm 1962, trong cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam in lần đầu của nhóm Trần Văn Giáp (chủ biên), Tạ Phong Châu, Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Tường Phượng và Đỗ Thiện đã tiến thêm một bước, ghi tên tác giả truyện Nôm Quan Âm Thị Kính là: “Đỗ Trọng Dư, người làng Đại Mão, huyện Siêu Loại (sau là phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Năm 1819 (Gia Long thứ 18), ông đậu Hương cống, làm quan đến Tri huyện, rồi bị cách chức. Tác phẩm của ông còn lại có: Một áng văn Nôm Quan Âm Thị Kính (theo gia phả họ Đỗ).

Thái Bình được xếp vào “cái nôi” của chèo Bắc Bộ với “tam giác” chèo: Hà Xá, Khuốc - Phong Châu và Sáo Đền. Việc nghiên cứu lịch sử về chèo, đặc biệt nghiên cứu chèo cổ qua các văn bản Hán Nôm còn lưu sót lại trên địa bàn tỉnh nhà mang lại nhiều giá trị vượt trên tầm quý giá.

Theo các tài liệu nghiên cứu, Triệu Đà vốn người Hán sai con là Trọng Thủy sang Âu Lạc cầu hôn Mỵ Châu (công chúa Âu Lạc, con gái An Dương Vương). Vâng lời cha, Trọng Thủy ở rể Âu Lạc với mục đích nắm bắt thông tin triều đình Âu Lạc chuyển về cho Triệu Đà nhằm thôn tính Lạc quốc. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, sau khi đã tiêu diệt được Âu Lạc và xóa sổ triều đình An Dương Vương, Triệu Đà tiếp tục chủ trương dùng tướng Lữ Gia mà chính Sử ký Tư Mã Thiên gọi là “Việt nhân”, hiểu “nôm na” là người Hán đã Việt hóa do sống giữa cộng đồng người Việt và ghi nhận Lữ Gia làm “thừa tướng 3 đời vua...”. Hiện ở đền Vua Rộc, xã Vũ An (Kiến Xương) còn đôi câu đối cổ bằng chữ Hán: “Thụy ứng Kim Quy, thần trảo y y lưu Tỉnh thượng/Uy dương mộc Mã, kiện đề ẩn ẩn ngưỡng kiều biên”. Tạm dịch: “Linh ứng Rùa Vàng, móng thần y nhiên nơi giếng cũ/Oai dương Ngựa gỗ, vó hùng thấp thoáng chốn cầu biên”. Đại ý, nơi đây có Giếng Ngọc, địa danh công chúa Mỵ Châu tuẫn tiết và cách đó không xa là bờ biển nơi thần Kim Quy nổi lên, đón An Dương Vương xuống biển sâu...

Quang Viện