Thứ 6, 26/04/2024, 13:25[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 20)

Thứ 2, 28/08/2017 | 09:30:14
2,066 lượt xem
Vượt lên cõi chết là ký ức chiến thắng bi hùng nhất của người chiến sĩ cách mạng trong tù ngục. Đây là trại giam Phú Quốc - một trong những nơi giam cầm, tra tấn con người tàn bạo chưa từng có trong lịch sử nhà tù đế quốc tại Việt Nam.

Đây là hình ảnh tái hiện cảnh tù binh trong chuồng cọp.

Kỳ 20: Những người lính khi sa vào tay địch

Chúng tôi cùng các cựu tù Phạm Bá Lữ, Nguyễn Đức Hòe, Nguyễn Văn Mỹ tức Ba Toản ra thăm trại giam tù binh Phú Quốc. Đây là trại giam lớn nhất của người Mỹ và chính quyền Sài Gòn tại miền Nam Việt Nam. Nơi giam cầm trên 40.000 lượt chiến sĩ yêu nước và người dân chiến đấu, địch bắt được trong các cuộc chống càn.
Cựu tù Phạm Bá Lữ và đồng đội của ông từ cửa tử trở về, dẫu đã hơn 40 năm, trong sâu thẳm ký ức, trên 1.800 ngày sống quằn quại trong tù ngục, với ông như thể vừa mới đi qua.
Chuồng cọp ở Phú Quốc khác với chuồng cọp ở nhiều nơi. Trên khoảnh đất trống chừng vài mét vuông, thép gai vây kín 5 mặt. Cai ngục lùa người tù vào chuồng để tra tấn.
Chúng muốn giết thể xác người tù cho chết dần chết mòn nhưng không giết được tinh thần người cộng sản. Có kiểu tra tấn trong két xô còn dã man hơn cả chuồng cọp, nhưng người tù vẫn cam tâm nén chịu.
Từ ký ức những người sống sót, chúng ta biết được có một thời anh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ nơi mặt trận, không chỉ dũng cảm chiến đấu, mà không may khi sa vào tay địch, họ vẫn kiên cường đấu tranh không chịu khuất phục. Ban quản lý di tích trại giam Phú Quốc đã tái hiện cảnh người chiến sĩ trước sự tra khảo dã man của bọn cai ngục. Một bức thông điệp gửi cho mai sau, rằng người Việt Nam, dù có hy sinh tất cả, quyết không chịu nô lệ. Kể cả khi phải chịu tra tấn tàn bạo như thế này.
Bắt người tù dộng đầu lên phên sắt, toàn thân nén xuống lỗ cắt nham nhở, máu ứa ra đau buốt. Nhiều kiểu tra tấn khác nhau, sự tàn bạo, man rợ cũng không kém.
Đóng đinh vào đầu gối, vào mu bàn chân, vào bất cứ chỗ nào mà bọn cai tù thích đóng. Nhiều người chết, đinh vẫn nằm trong ống xương.
Một số kiểu tra tấn cho điện giật, đốt mắt bằng bóng điện, để nổ con người, bơm nước xà phòng vào mồm, vào mũi, chúng vẫn không khuất phục được anh em tù binh.
Những cơn đau thúc tận tâm can, những đòn roi quật lên cơ thể, với nhiều kiểu tra tấn hiểm nguy, anh em tù vẫn kiên trung tranh đấu.
Nhằm chống lại chế độ tàn ác của bọn cai ngục, được sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong nhà tù, anh em tù luôn đoàn kết, đấu tranh, bảo vệ đồng đội. Một số người do bị tra tấn khó có thể sống được, anh em bí mật cho vào thùng rác, cải trang rồi khiêng ra ngoài.
Dồn đẩy người tù vào các con đường chết. Không chỉ đóng đinh, đục răng, ép ván và hàng trăm kiểu hành hình dã man, bọn cảnh vệ, cai ngục còn thực hiện đào hố chôn sống những người tù mà chúng cho là cứng đầu, chống đối.
Trong phòng giam chúng nhốt từ 70 - 120 người tù. Giữa phòng đặt một thùng phi để đi tiểu. Đội trật tự canh coi rất gắt gao. Ban ngày người tù nằm co ro, ban đêm phải nằm úp thìa, ai cãi lệnh là bị ăn đòn ngay.
Một trong những món tra khảo chúng cho là ấn tượng, đó là việc đục răng, bẻ răng, làm người tù đau đớn, bạn tù xem mà rùng rợn.
Một kiểu khác là dùng đinh vít ép người vào tường, ép cho vỡ lồng ngực để người tù chết đứng.
Nhiều kiểu tra tấn khác như đục xương bánh chè, chặt đầu gối chân, ngâm người tù trong vạc nước nóng…, trên trái đất này không biết có nơi nào giết người man rợ như ở nhà tù Phú Quốc?
Đâu chỉ dội nước sôi, đốt bộ hạ, còn nhiều kiểu tra tấn khác cũng vô cùng tàn bạo như rút móng chân, móng tay, nung đỏ dùi đâm xuyên bắp chuối, nướng người, đốt miệng, xả súng vào trại giam…
Nhân chứng chúng tôi và các cựu tù gặp lại sau hơn 40 năm là cai ngục Trần Văn Nhu. Ông nguyên là trưởng giám thị khu 2 trại giam tù binh Phú Quốc. Hiện ông đang sống trong một căn nhà cách trại giam Phú Quốc chừng hơn 200m. Gặp lại ông, các cựu tù đều chưa quên những hành động dã man của ông năm xưa. Ông rất ân hận về những việc làm của mình nhưng vẫn thoái thác rằng ông làm là theo lệnh của cấp trên.
Những ngày hòa bình đầu tiên, khi tiếp xúc với cựu tù binh, ông Trần Văn Nhu cứ tưởng mọi người sẽ nguyền rủa, sẽ trả thù ông. Nhưng mọi người đã cư xử với ông không phải thế. Ân oán thù hận đã không còn. Ông Nguyễn Đức Hòe, một cựu tù, cũng từng bị ông Nhu đánh đập. Tấm lòng vị tha độ lượng của các ông, một khúc tráng ca tình người thật giàu chất nhân văn.
Rời khỏi gia đình cựu giám thị, chúng tôi trở lại phân khu Đ3, phân khu A10  là nơi anh em tù binh đấu tranh rất quyết liệt. Đấu tranh bằng nhiều hình thức như tuyệt thực, tự sát khi chúng ép chiêu hồi, hô khẩu hiệu lên án chế độ hà khắc của nhà tù. Ông Lê Văn Đồng khu Đ3, ông Nguyễn Văn Hoàng, ông Vũ Văn Kim khu B8 và nhiều người khác đã dùng dao tự rạch bụng mình để đấu tranh quyết không lùi bước.
Một số đợt đấu tranh tuy có thắng lợi nhưng sự đàn áp của bọn cai ngục hết sức dã man. Có phân khu hàng trăm người phải bỏ mạng và mang thương tích.
Trong đấu tranh nhiều người sẵn sàng hy sinh giành sự sống cho đồng đội. Những tên cai ngục ác ôn đánh tù binh, anh em xông vào đánh lại chúng. Ông Đặng Hoàng Sơn quê ở Hà Nội đánh trả cai tù bị chúng đè đầu, trói chân đóng đinh vào khắp cơ thể cho đến khi ông trút hơi thở cuối cùng. Những người như ông Sơn, ông Lữ, ông Đồng, ông Kim, ông Mỹ  và nhiều người khác dẫu chưa được phong anh hùng nhưng các ông rất xứng danh anh hùng.


Sa vào tay địch, cuộc đời người chiến sĩ đã chuyển sang một thế giới khác. Thân thể bị vùi dập, sinh mạng chính trị bị đe dọa. Hết ngày dài lại đến đêm thâu phải sống trong khổ đau, chết chóc. Điều đó đã hun đúc nên ý chí vượt ngục trong mỗi con người. Ông Nguyễn Đức Hòe, nhân chứng của một cuộc đào hầm vượt ngục cho biết: Từ con đường hầm này hàng trăm chiến sĩ đã vượt ngục trở về với cách mạng. Nhưng cũng không ít lần bị lộ, bị bắt trở lại, bị đánh đập tra tấn vô cùng dã man. Nhiều người phải bỏ mạng. Nhưng anh em vẫn quyết chí, thà chết ngoài hàng rào kẽm gai, còn hơn chết trong tù ngục.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, nhân chứng của một cuộc mạo hiểm vượt ngục qua hàng rào thép gai trong sự canh phòng nghiêm ngặt của địch.
Ông Nguyễn Văn Mỹ và số anh em vượt ngục đã ở lại Phú Quốc cùng lực lượng tại chỗ, thành lập đơn vị đặc công, chiến đấu đến ngày thống nhất đất nước năm 1975. Rồi sau đó ông tiếp tục ở lại xây dựng phát triển kinh tế huyện đảo Phú Quốc cho đến ngày nay.
Xưa kia, đây là vùng đất bỏ hoang thuộc ấp Khu Tượng, xã Cửu Dương, huyện đảo Phú Quốc. Là vùng đất sỏi đá, khô cằn, xa sông, suối, thiếu nước quanh năm. Đồng bào địa phương rất khó khăn, hầu hết phải bỏ đi sinh sống nơi khác. Ông Nguyễn Văn Mỹ đến khai hoang mua lại của người dân hơn 20 héc-ta, rồi đưa gia đình, vợ con từ tỉnh Phú Thọ vào lập nghiệp.
Những năm đầu rất khó khăn, thiếu vốn sản xuất, thiếu đủ mọi thứ. Nhưng với bản lĩnh một người bộ đội, một cựu tù binh ông quyết chí làm, bằng cách lấy ngắn nuôi dài, lấy kết quả vụ trước, nuôi vụ sau. Ban đầu mướn người đào mương dẫn nước từ suối thượng nguồn về bản rồi đầu tư làm thủy lợi, làm thủy điện.
Kể từ năm 1968, bước chân vào trại giam tù binh Phú Quốc, nay đã gần 50 năm. Bằng chí khí của một người tù cộng sản ông đã biến vùng đất chết này thành một vùng đất sống, thành rừng cây xanh tươi.
Người ta nói ở trong tù ngục là sống nơi đất chết, ông không chết. Ra tù tự do dẫu có sống trên đất chết, ông bảo với ông không có nghĩa gì. Thành quả lao động của ông, của một tù binh vượt ngục thật đáng trân trọng.
Ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, của những người còn sót trở về. Đầu năm 2016 và những năm trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cũng từng là một cựu tù binh, thường dành thời gian tham dự các buổi họp mặt truyền thống, động viên các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
Ngày 27/4/2012 Đảng, Nhà nước đã tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng tù đày tại trại giam Phú Quốc.
Sự hy sinh quả cảm và khí chất anh hùng của người chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày đã góp phần xây nên huyện đảo Phú Quốc giàu đẹp hôm nay. Góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

(còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh Chuyên