Thứ 3, 14/05/2024, 02:04[GMT+7]

Đông Hoàng: “5 không” trong phòng, chống cúm gia cầm

Thứ 4, 08/03/2017 | 08:55:21
1,868 lượt xem
“5 không” mà Đông Hoàng (Tiền Hải) đang thực hiện là: không thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm mắc bệnh, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi. Hiện nay, Đông Hoàng đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống dịch cúm gia cầm nhằm tránh thiệt hại về kinh tế của các hộ chăn nuôi và lây bệnh sang người.

Các hộ chăn nuôi ở Tiền Hải làm tốt công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Chúng tôi về Đông Hoàng khi chính quyền địa phương đang tổ chức tuyên truyền đến nhân dân thực hiện tháng tiêu độc khử trùng từ ngày 1 - 31/3, nội dung chính tập trung phun hóa chất khử trùng tại khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán và nơi giết mổ gia cầm. 

Ông Nguyễn Xuân Bách, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2012, qua lấy mẫu kiểm dịch, phát hiện 2 hộ chăn nuôi tại thôn Chỉ Trung 1 và thôn Bạch Long có đàn gia cầm dương tính với H5N1. Dịch cúm H5N1 đã gây thiệt hại 1.400 con gà, vịt. Nhờ kết hợp đồng bộ các giải pháp như: tuyên truyền, vệ sinh tiêu độc… nên xã đã xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch tránh lây lan sang địa phương khác. Từ đó đến nay Đông Hoàng chưa xảy ra dịch cúm gia cầm. Kết quả này là nhờ chính quyền và người dân quan tâm làm tốt việc phòng, chống dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đông Hoàng không chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch cúm A/H5N1, A/H7N9. 


Gia trại chăn nuôi của ông Bùi Văn Hiếu ở thôn Bạch Long, xã Đông Hoàng thường xuyên được vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Thời gian này, địa phương đã và đang phối hợp với các ngành chuyên môn triển khai kiểm tra, giám sát tình hình chăn nuôi và phòng, chống dịch cúm gia cầm. Thực hiện tốt công tác thống kê, giám sát đàn gia cầm, tổng hợp báo cáo tình hình, tổ chức giám sát phòng, chống dịch chặt chẽ tới các thôn. Duy trì việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là kiểm soát gia cầm giống, gia cầm thịt, bán, giết mổ tại địa phương. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển, buôn bán giết mổ gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về nguyên nhân, sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm tới sức khỏe con người. Chỉ đạo các thôn tăng cường thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch để chủ động thực hiện. Công tác tuyên truyền bảo đảm phản ánh đúng tình hình về dịch cúm gia cầm tại một số tỉnh, nguy cơ dịch cúm gia cầm lại xâm nhập vào đàn gia cầm của các hộ dân. Thực hiện tốt vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường tại các thôn có ổ dịch cũ, nơi buôn bán gia cầm, hộ chăn nuôi gia cầm với số lượng lớn. Xây dựng kế hoạch xử lý ổ dịch khi có dịch cúm xảy ra.

Chúng tôi đã cùng cán bộ Ban Chăn nuôi và Thú y xã xuống kiểm tra gia trại chăn nuôi của ông Bùi Văn Hiếu, thôn Bạch Long - một trong những hộ có đàn gia cầm bị dịch cúm A/H5N1 vào năm 2012. 

Ông Hiếu cho biết: Gia đình đã rút được rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi để phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả nhất. Hiện nay gia trại của gia đình nuôi trên 700 con gà, vịt. Hàng năm đàn vịt đẻ của gia đình đều được tiêm phòng. Mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện dịch bệnh nhưng đây là thời điểm các hộ chăn nuôi tái đàn, trong quá trình vận chuyển mua bán giống gia cầm rất dễ mang mầm bệnh ở tỉnh khác xâm nhập vào. Do đó, gia đình tôi cũng như các hộ nuôi trong xã không chỉ khử trùng bằng vôi bột, phun hóa chất đối với chuồng trại mà còn thực hiện nghiêm “5 không”. Nếu phát hiện đàn gia cầm chết không rõ nguyên nhân sẽ không giấu dịch mà kịp thời thông báo đến chính quyền địa phương.

Mạnh Thắng

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày