Thứ 2, 20/05/2024, 08:39[GMT+7]

Phát hiện sớm để điều trị kịp thời hội chứng rối loạn phổ tự kỷ

Thứ 2, 10/04/2017 | 09:18:51
1,879 lượt xem
Phát hiện sớm trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ (hội chứng tự kỷ) có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi khi được chẩn đoán, can thiệp kịp thời, trẻ mắc hội chứng tự kỷ sẽ có tiến bộ tốt, phát triển tương đối bình thường để hòa nhập trong môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.

Rèn kỹ năng vận động cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ.

Quan tâm hơn để phát hiện sớm

Những năm gần đây, trẻ mắc hội chứng tự kỷ được phát hiện, can thiệp sớm trước 3 tuổi ngày càng nhiều. Hiện ở Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình hàng ngày điều trị cho khoảng 20 cháu. Đa số các cháu đều được gia đình phát hiện sớm và được chẩn đoán, điều trị bài bản nên có tiến bộ rõ rệt. Tuy nhiên, cũng còn nhiều trường hợp trẻ mắc hội chứng tự kỷ, rối loạn tăng động, giảm chú ý chưa được phát hiện, phát hiện muộn khi đã ngoài 3 tuổi, thậm chí phát hiện khi đã học tiểu học dẫn đến việc can thiệp kém hiệu quả, thiệt thòi cho trẻ.

Tại một buổi tư vấn về rối loạn tự kỷ do Bệnh viện Nhi tổ chức, một phụ huynh cho biết: Do gia đình buôn bán bận mải, thấy con hay ngồi một chỗ chăm chú chơi đồ chơi mà không quấy khóc, đòi bế hay nghịch ngợm thì cho là cháu ngoan. Nhiều khi bố mẹ bận làm việc nên đưa con một chiếc ô tô đồ chơi, thấy con ngồi yên chơi được cả buổi nên cũng mừng. Song gia đình khi đó lại không để ý đến các chi tiết như cháu chơi không sáng tạo, thường ngửa ô tô lên và lặp đi lặp lại một động tác quay tròn 1 bánh xe, chăm chú nhìn vào đó mà không để ý đến mọi thứ xung quanh. Khi người khác muốn lấy hoặc đổi đồ chơi thì cháu lăn ra ăn vạ rất lâu. Gia đình cũng chỉ nghĩ đơn giản do cháu quá thích đồ chơi đó chứ không nghĩ đó là một trong những biểu hiện của trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Một phụ huynh khác thì cho biết: Từ bé thấy con thường hay la hét, đi nhón bằng ngón chân, lao đầu chạy về phía trước mà không quan sát, không biết sợ phía trước có vật cản. Nhiều khi con quay tròn nhiều vòng vẫn không có biểu hiện chóng mặt. Khi đó gia đình do thiếu kiến thức nên chỉ nghĩ đơn giản là cháu hiếu động, nghịch ngợm. Đến khi con vào học lớp 1, cô giáo phản hồi cháu không hòa đồng với các bạn, không tập trung nghe giảng, tiếp thu bài giảng khó khăn, học chữ nhưng không nhớ được chữ nào. Ngoài học ở lớp, khi về nhà bố mẹ cũng dành nhiều thời gian dạy chữ song cháu vẫn không tiếp thu được. Khi đó gia đình mới đưa cháu đến Bệnh viện Nhi khám và mới biết cháu mắc hội chứng tự kỷ. Song do phát hiện muộn, việc can thiệp gặp nhiều khó khăn, cháu có tiến bộ song rất chậm so với các bạn được can thiệp sớm.

Theo các bác sĩ Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình: Trong cộng đồng còn nhiều trẻ mắc hội chứng tự kỷ chưa được phát hiện sớm và đưa đi chữa trị kịp thời. Nhiều cháu chỉ được phát hiện qua hoạt động tư vấn giáo dục sức khỏe cộng đồng của bác sĩ, qua khám bệnh và qua cô giáo. Nguyên nhân chủ yếu do hiểu biết của cộng đồng về hội chứng tự kỷ còn hạn chế. Một phần do ông bà, cha mẹ chưa thực sự quan tâm phát hiện những bất thường ở trẻ. Có trường hợp đã phát hiện ra con cháu mình mắc hội chứng tự kỷ song bối rối, không thừa nhận, còn giấu bệnh, không đưa trẻ đến các cơ sở điều trị do ngại sự kỳ thị của xã hội. Nhiều phụ huynh do bận mải, không có thời gian theo con chữa trị, còn chủ quan, thiếu kiên trì nên buông xuôi, bỏ dở việc giúp trẻ được điều trị sớm hướng tới hòa nhập.

Điều trị giúp trẻ mắc hội chứng tự kỷ nhận biết đồ vật tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Những điều cha mẹ cần lưu ý

Bác sĩ Vũ Ngân Quỳnh, Khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ngoài cán bộ y tế, các bậc cha mẹ, ông bà là những người giữ vai trò quan trọng trong phát hiện sớm trẻ mắc rối loạn tự kỷ. Theo bác sĩ Quỳnh, các dấu hiệu đánh giá trẻ từ môi trường gia đình các bậc cha mẹ cần chú ý là giao tiếp, tương tác xã hội kém, có hành vi sở thích thu hẹp, lặp lại. Đặc biệt lưu ý nhất nếu trẻ ở thời điểm 12 tháng tuổi mà chưa bập bẹ, không biết chỉ ngón tay, không chia sẻ sự quan tâm, hứng thú đến đồ vật với người khác. Về ngôn ngữ, trẻ chưa nói được từ đơn lúc 16 tháng, từ đôi hoặc câu tự phát lúc 24 tháng; trẻ thường nói những từ không có nghĩa, lặp lại, hay gầm gừ. Trẻ mất ngôn ngữ và kỹ năng xã hội ở bất cứ thời điểm nào như không cười, không nhìn vào mắt người đối diện, không tương tác với người chăm sóc, có hành vi rập khuôn, khó thích ứng với sự thay đổi hoàn cảnh.

Do rối loạn phổ tự kỷ thường khởi phát từ nhỏ, biểu hiện trước 3 tuổi và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng học tập, hòa nhập xã hội, sinh hoạt hàng ngày của trẻ, vì vậy, khi đã phát hiện trẻ có dấu hiệu bất thường thì cha mẹ không được giấu, không chủ quan, cần dành thời gian tìm hiểu, tìm kiếm sự giúp đỡ từ các bác sĩ, chuyên gia đồng thời bảo đảm cho trẻ được đánh giá, chẩn đoán, điều trị đầy đủ.

Thực tế tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, trẻ mắc hội chứng tự kỷ được phát hiện, chẩn đoán, can thiệp sớm một cách bài bản, toàn diện, hợp lý và kiên trì đều có tiến bộ tốt. Nhiều trẻ phát triển, hòa nhập môi trường gia đình, xã hội tương đối bình thường. Với các hoạt động điều trị chủ yếu do giáo viên đặc biệt, chuyên viên tâm lý, bác sĩ nhi khoa đảm nhiệm luyện tập, giáo dục cho trẻ các kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, tư duy, giao tiếp xã hội, kỹ năng tự phục vụ bản thân. Song vai trò của cha mẹ, gia đình lại là yếu tố quan trọng, quyết định tới kết quả can thiệp bởi là những người gần bé nhiều thời gian nhất, quan tâm, yêu thương bé nhất.

Hà Dung

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày