Thứ 2, 13/05/2024, 13:32[GMT+7]

Kiến Xương: nhiều điếm canh đê xuống cấp nghiêm trọng

Thứ 2, 15/05/2017 | 09:18:27
1,565 lượt xem
Điếm canh đê là một trong những công trình quan trọng phục vụ công tác hộ đê, phòng, chống lũ, bão, bảo vệ sản xuất và tính mạng của nhân dân khi có thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện Kiến Xương, nhiều điếm canh đê đang trong tình trạng bị hư hỏng nặng, không còn khả năng hoạt động.

Điếm canh đê số 2 xã An Bình (Kiến Xương) bị bong tróc vữa, thấm dột và mất cánh cửa.

Ông Lê Ngọc Thạo, Hạt trưởng Hạt quản lý đê điều Kiến Xương cho biết: Điếm canh đê là trụ sở trực tuần tra, canh gác đê mùa mưa, bão, lũ và là nơi tập kết vật liệu hộ đê của các địa phương. Khi có báo động lũ, mỗi điếm canh đê phải duy trì từ 4 - 12 người trực. Công việc của họ là kiểm tra tình trạng đê, các công trình phụ trợ như kè, cống qua đê, phát hiện, khắc phục những sự cố nhỏ… Thế nhưng, hiện nay nhiều điếm canh đê trên hệ thống đê hữu Trà Lý và tả Hồng Hà II thuộc địa bàn huyện Kiến Xương đang xuống cấp nhanh, không còn an toàn khiến cho việc canh coi đê và phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của các địa phương gặp nhiều khó khăn.

Xã Lê Lợi có một điếm canh đê bảo đảm cho 760m đê hữu Trà Lý. Điếm này được xây dựng từ năm 1973, do thời gian sử dụng dài cộng với tác động tiêu cực của thời tiết nên công trình bị hư hỏng: vữa tường bong tróc; xà đỡ mái bị vỡ, cánh cửa sổ bị hoen rỉ và mất. Đặc biệt, năm 2013 - 2014, hai lần sét đánh trúng điếm làm vỡ góc tường, sạt mái nên cứ mỗi khi trời mưa, nước ngấm dột làm mốc tường và nền nhà. Thêm vào đó, khi nhà nước nâng cấp, cứng hóa mặt đê cao hơn nền nhà gần 30cm dẫn đến tình trạng vít chặt cửa ra vào điếm và nước mưa từ mặt đê chảy vào trong điếm. 

Ông Dương Văn Hoàn, cán bộ giao thông - công thương và xây dựng xã Lê Lợi chia sẻ: Để vào được điếm, địa phương phải cắt cửa mới mở được. Do điếm quá xuống cấp, mất an toàn nên hơn 3 năm qua, địa phương không tìm được người canh điếm; mỗi khi có bão, lũ đích thân đồng chí Chủ tịch UBND xã và một số cán bộ trong Tiểu ban tiền phương phải đi gác nước, canh đê và ở nhờ nhà bảo vệ cống Ngũ Thôn. Toàn bộ vật tư, phương tiện bảo vệ đê như: rào tre, bao tải, cuốc, xẻng… không tập kết trong điếm được nên xã đành phải chứa trong nhà kho của UBND xã cách đê khoảng 1,2km cũng gây khó khăn cho việc vận chuyển, xử lý đê khi có tình huống khẩn cấp.

Không chỉ riêng điếm canh đê ở xã Lê Lợi mà điếm canh đê trên địa bàn các xã Vũ Tây, Vũ An, Trà Giang, Hồng Thái, Bình Định, Bình Thanh... cũng đang xuống cấp nghiêm trọng. 

Ông Bùi Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tây cho biết: Địa phương có 3 điếm canh đê thì 2 điếm đã và đang xuống cấp rất nhanh. Tình trạng vữa tường bong tróc, mất cánh cửa, trần thấm dột diễn ra nhiều năm nay nên việc canh coi bảo vệ đê, gác nước báo động lũ rất khó khăn. 

Còn ông Đỗ Văn Phụ, Chủ tịch UBND xã Bình Thanh cho biết: Điếm canh đê ở thôn Đa Cốc đã bị đổ sập hoàn toàn sau trận bão số 1 năm 2016. Để bảo đảm an toàn cho người dân đi qua đây, địa phương đã tổ chức giải tỏa và chờ nhà nước cấp trên quy hoạch làm điếm mới.

Huyện Kiến Xương có 26 điếm canh đê trải dài ở 31,35km đê hữu Trà Lý, tả Hồng Hà II và đê cửa sông. Hệ thống điếm này ngoài phục vụ bảo vệ đê, nó còn bảo đảm cho 7 kè, 33 cống và trạm bơm qua đê, trong đó có nhiều công trình xung yếu. Song bước vào mùa lũ, bão năm 2017, có tới 16 điếm canh đê (hơn 60%) đang hưhỏng và xuống cấp nghiêm trọng. 

Trước thực trạng này, UBND huyện Kiến Xương đã triển khai một số giải pháp ứng phó trước mắt nhằm duy hoạt động của các điếm canh đê. 

Ông Đặng Ngọc Oánh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” phục vụ công tác phòng, chống thiên tai; tổ chức dọn dẹp vệ sinh các điếm canh đê, khắc phục khó khăn, duy trì người thường trực canh coi, gác nước tại các điếm còn an toàn. Đối với những điếm đã hư hỏng nặng, mất an toàn, kiên quyết không cho người và vật tư, phương tiện vào trong điếm khi có lũ, bão xảy ra. Đồng thời, huyện đã đề nghị cơ quan chức năng của tỉnh sớm bố trí giúp huyện được sử dụng kinh phí từ quỹ phòng, chống thiên tai để sửa chữa, nâng cấp các điếm canh đê trong thời gian tới nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên trực, chống lụt, bão.

Khắc Duẩn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày