Thứ 6, 26/04/2024, 10:51[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 05/12/2016 | 09:09:45
890 lượt xem

CHƯƠNG 21: NHỮNG CƠN HOANG TƯỞNG NGHIỆT NGÃ

Thúc được đón về làng Tống Vũ (thị xã Thái Bình), nơi gần hai mươi năm trước anh cùng các trai làng náo nức tòng quân. Về quê đã gần tháng trời nhưng cả gia đình và bà con họ tộc nhiều người vẫn còn nghi ngờ anh. Cuộc tranh luận đúng sai vẫn chưa ngã ngũ. Ðúng thằng Thúc rồi. Cậu lầm! Tớ cam đoan trăm phần trăm là không phải... Tất cả chỉ vì thời gian và thân hình Thúc dị dạng, thay đổi. Người anh gầy đét, mắt xếch lên, chân tay teo nhỏ. Vết thương đã cướp đi vóc dáng to mập, lực lưỡng của Thúc ngày mới lên đường. Ác nhất là chấn thương ở đầu. Nó luôn hành hạ Thúc bằng những cơn thần kinh hoang tưởng, nghiệt ngã. Anh thờ ơ với tất cả mọi người, cả bố, cả mẹ, cả Học nữa anh cũng dửng dưng, coi như những người thường gặp ở chợ. Ông cả Ðoan chỉ tay rồi hỏi Thúc:

- Ðây có phải là nhà chú không?

Thúc ngước lên mái ngói, lắc, gật, miệng lắp bắp:

- Phải, không không, phải.

Rồi bỗng miệng Thúc há ra, ê a hát: “Quê tôi miền trung du, rừng núi thắm xa xa, mờ mờ... À, không phải đâu. Quê tôi miền xanh xanh, đồng lúa chín xanh xanh, vàng vàng...”.

- Chú nói lung tung quá. Ðây là nhà chú phải không?

- Phải không - Thúc nhắc lại lời ông Ðoan hỏi và lại cười.

Suốt ngày Thúc tha thẩn với tụi trẻ con ở sân, ở ngõ, ngoài đường. Ðứa trêu chọc, đứa đùa cợt, Thúc mặc kệ. Ai hỏi thì lắc, gật, miệng ú ớ. Thỉnh thoảng lại chìa tay như từng hành khất những năm lưu lạc.

Từ buổi đón Thúc về, đầu óc Học cứ rối tinh lên. Buồn, vui, đau khổ cùng với công việc dồn dập làm Học chẳng kịp nhớ đến Rư để báo cho anh biết. Cũng vì lâu lắm rồi không thấy Rư lui tới thành ra Học lãng quên. Chiều nay Học đạp xe đi Vũ Phúc, tới làng Hạ để tìm gặp Rư. Biết đâu Rư sẽ nhận ra những điều ẩn khuất ở con người đang có mặt trong gia đình thầy mẹ Tám của cô. Là bạn chiến đấu của nhau ở chiến trường, có thể Rư sẽ nhận ra Thúc. Nhưng ngày đến thăm gia đình chính Rư đã xác nhận là Thúc hy sinh rồi. Bỗng dưng Học lại thấy sợ. Trời ơi! Nếu anh Rư nhận ra sự thật, sự thật con người đang ở gia đình thầy mẹ Tám không phải là Thúc thì đau khổ biết nhường nào. Thà cứ tin cái điều mình đang sắp tin còn hơn phải thất vọng trước sự thật nghiệt ngã ấy. Không! Không! Học cứ đi tìm Rư để kịp báo cho anh biết.

Con đường qua Phúc Khánh sang làng Hạ ngoằn ngoèo như dải lụa vắt qua cánh đồng vụ đông. Cái vết mòn trên đường đi nhiều vẹt xuống nằm lọt giữa hai viền cỏ. Học thận trọng lái ghi đông để bánh xe bon bon, đều đều trong khuôn khổ vết mòn. Chỉ cần chểnh mảng, sơ ý tẹo teo là bánh xe choài lên viền cỏ, trượt ngã chổng kềnh.

Làng Hạ ngày mùa, đường, ngõ bộn bề rơm khô, rạ cỏ. Học dừng lại trước ngõ một gia đình có bà già đang lọm khọm gẩy rơm. Rơm vàng quấn quýt lưng ống quần bà. Học hỏi:

- Bác ơi, đây có phải nhà anh Rư không ạ?

- Vâng. Cô hỏi Rư nào? Bà già chống cây chạc, quay ra hỏi lại.

- Anh Rư bộ đội phục viên ấy ạ.

- Xóm nay hai Rư cùng là bộ đội phục viên. Nhưng đi cả rồi.

Học ngạc nhiên:

- Ði đâu ạ?

- Ði trại giam Tam Lạc.

Trời ơi, sao lại thế này...

- Anh Rư làm sao phải đi Tam Lạc hở bác?

Bà già thở dài:

- Khổ quá, hoàn cảnh chú ấy cũng đáng thương. Ði bộ đội về, sốt rét, sức yếu chẳng làm lụng gì được. Vợ đẻ, thiếu tiền, thiếu gạo đâm làm liều.

- Liều thế nào hở bác?

- Chú ấy với một người nữa cậy kho đạm hợp tác, bị bảo vệ tóm được đưa đi trại rồi. Thế cô quen Rư nào?

- Dạ, cháu quen anh Rư cao cao, sau nhà có cây mít, mà hình như là nhà đây ạ.

- Thế đúng rồi. Chú Rư này thì đi kinh tế mới. Cô vào nhà xơi nước đã. Nhà đây là chú ấy nhượng lại cho vợ chồng tôi. Cô gặp chú Rư có việc gì vậy?

- Anh cháu cùng đơn vị với anh Rư. Anh cháu mới về bảo cháu qua mời anh Rư sang chơi. Nhà cháu bên Tống Vũ.

- Thế hở. Chú ấy đi ba năm nay rồi cô ạ.

- Ði kinh tế mới ở đâu hở bác?

- Trên Ðại Từ, Bắc Thái.

- Bác có địa chỉ của anh Rư không?

- Có. Chú ấy mới gửi thư về. Cần nhắn gì cô biên thư cho chú ấy.

Học ghi địa chỉ của Rư xong cô chào bà chủ nhà rồi đạp xe theo đường cũ quay về. Thì ra Rư rời quê hương ra đi đã mấy năm. Ra đi, anh ấy chẳng cho Học biết. Chắc là anh ấy còn giận cô. Con trai gì mà hay giận thế. Học sẽ biên thư báo tin và mời anh Rư về. Vì Thúc rất cần anh lúc này. Gặp lại Thúc, chắc anh ấy sẽ không ngờ... Mải nghĩ, vô tình cái bánh xe chồm lên viền cỏ, trượt khỏi vết mòn làm Học loạng choạng suýt ngã.

Vết thương ở ngực Thúc lại tái phát rất nặng. Nước vàng rò rỉ, Thúc nhiễm trùng sốt nóng, da xám ngắt, toàn thân run lẩy bẩy, nằm liệt giường.

Học và ông bà Tám chạy chữa thuốc men cho Thúc vẫn không chuyển. Học lên Tỉnh đội xin được giúp đỡ cho Thúc vào Viện 206. Nhưng khốn nỗi, Thúc về không có bất cứ một thứ giấy tờ gì nên nằm điều trị không có tiêu chuẩn, phải góp tiền gạo, tiền thuốc. Ðiều trị dài ngày, gia cảnh ông bà Tám hết sức khó khăn. Ông Tám trình bày hoàn cảnh và đề nghị Viện giúp đỡ. Ông Viện trưởng trả lời:

- Ðây là viện quân y, chỉ có thương binh, bệnh binh và quân nhân hoàn thành nghĩa vụ, có đầy đủ giấy tờ mới được hưởng chế độ điều trị. Còn mọi trường hợp khác bệnh nhân vào đều phải đóng góp.

Rồi ông nói tiếp:

- Trường hợp anh Thúc muốn được miễn giảm gia đình phải làm đơn trình bày các cơ quan chính sách xem xét, xác minh, kết luận xem có đúng anh Thúc là quân nhân đi chiến đấu bị thương, hay bị tai nạn, hay... có văn bản, giấy tờ chúng tôi mới cấp chế độ điều trị, thuốc men được chứ.

Thúc về nhà, vết thương ngực tạm ổn nhưng vết thương thần kinh lại phát ra. Suốt ngày anh lang thang đây đó, gặp ai cũng giơ tay chào. Khi thì lom khom nhặt cái que vạch vẽ lên đường, khi thì lúi húi nhặt mảnh sành, lá bánh đưa lên mũi ngửi, nhấm, có lúc ngồi hát nghêu ngao, có lúc lại gào gọi ai đó vẻ tức giận lắm.

Học và ông Tám lại xoay xở tiền gạo đưa Thúc đi viện tâm thần Hoàng Long. Như lần trước, không giấy tờ cũng không chế độ, tất tất gia đình phải tự túc tiền ăn, tiền gạo, thuốc men. Bệnh mười phần đỡ bảy, xuất viện, ông Tám lại đón con về nhà.

Học cùng ông Tám lên Thị đội, Tỉnh đội trình báo và kiến nghị cơ quan chính sách giúp đỡ chế độ cho Thúc. Nhưng không dễ một tháng, một năm đã xác minh được, đành phải kiên trì chờ đợi.

Ít lâu sau, thương tích, bệnh trạng của Thúc lại đâu hoàn đấy. Người anh gầy xọp, run rẩy. Ðôi mắt thụt sâu, trông rất sợ. Anh không còn đủ sức lang thang ra đường, ra ngõ. Không đuổi chòng trẻ con nữa. Không gào gọi ai nữa. Cũng chẳng thèm cười, thèm hát “Quê em miền trung du...”. Thúc nằm bẹp trên giường, chân tay co quặp, rên rỉ.

Bà Tám mủi lòng khi nghe bà con họ hàng đến thăm, khuyên giải:

- Chú ấy không phải con ông bà đâu. Ðể người ta chết ở nhà mình không bõ làm phúc phải tội. Mà chạy chữa thuốc men, nhà ông bà ăn còn chả đủ chi bằng cứ trả lại ông bà Châu trên Hà Nội là hơn.

Có người lại bảo: Ông bà Tám rõ lẩm cẩm. Con mình đã báo tử rồi, đang hưởng chế độ tử tuất còn đi rước cái của tâm thần, bệnh hoạn ấy về, không trách người ta cắt là phải.

Nuôi dưỡng, thuốc men cho Thúc kéo dài, hoàn cảnh nhà bà Tám quả là gay go. Chế độ của Thúc chẳng có gì. Có lúc ông Tám đã nản lòng, tính đến chuyện nghe lời ông cả Ðoan đem Thúc gửi lại ông bà Châu. Ông bàn với bà:

- Nếu thằng Thúc là con, có sao cũng là do số phận. Nhưng lỡ người ngoài, để chết ở nhà mình, làm phúc phải tội bà ạ.

Tuy nghe chồng cân nhắc song bà Tám vẫn cứ áy náy không yên. Ðành rằng có lúc bà bi quan, nửa tin nửa ngờ nhưng nhiều lúc bà lại linh tính người thanh niên bệnh hoạn kia là đứa con bà thắt ruột đẻ ra. Bà rầu rĩ nói với ông:

- Tôi chỉ e đúng là con mình, nó đã tìm được về đến nhà mình lại đuổi nó đi là ân hận suốt đời đấy ông ạ.

Bà Tám lau nước mắt, thở dài bước lại phía Thúc. Bà cố tìm kiếm những đặc điểm tàng ẩn của đứa con trai trên khuôn mặt người thanh niên bất hạnh đang nằm thờ ơ, đau đớn trên chiếc chõng tre ở góc nhà.

(còn nữa)

Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày