Thứ 6, 03/05/2024, 17:12[GMT+7]

Bức thông điệp lịch sử (Kỳ 15)

Thứ 2, 24/07/2017 | 08:16:21
2,693 lượt xem
Chiến thắng Phước Long đã ghi dấu bước ngoặt lịch sử, thấy rõ thế mạnh của quân giải phóng trên chiến trường.

Sơ đồ diễn biến chiến dịch đường 14 - Phước Long.

Kỳ 15: Chiến thắng Phước Long và chiến dịch Tây Nguyên đại thắng

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, người chỉ huy đầy bản lĩnh và dũng mãnh nay đã ở tuổi chín mươi, ông cho biết: Trước chiến dịch Tây Nguyên có hai trận đánh lớn, đáng chú ý là trận Thượng Đức thuộc tỉnh Quảng Nam tháng 7/1974. Quân lực Việt Nam cộng hòa huy động sư đoàn dù tổng trù bị phản công nhưng bị quân giải phóng đánh bật trở lại.

Tiếp đó, giữa tháng 12/1974, mặt trận Đông Nam Bộ mở chiến dịch Phước Long. Một trận đánh táo bạo, mưu trí. Hơn 20 ngày chiến đấu quân giải phóng đã tiêu diệt và bắt sống trên 3.000 tên địch, giải phóng thị xã Phước Bình và toàn bộ vùng đất thuộc tỉnh Phước Long. Đây là tỉnh đầu tiên trên dải đất miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Chiến thắng Phước Long đã ghi dấu bước ngoặt lịch sử, thấy rõ thế mạnh của quân giải phóng trên chiến trường.

Sau khi ký Hiệp định Paris, người Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện học thuyết Nixon, giúp quân lực Việt Nam cộng hòa cố sức vãn hồi tình thế đang suy sụp.

Sau chiến thắng Thượng Đức và Phước Long, cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng càng nỗ lực chuẩn bị cho những trận đánh mới quyết liệt hơn. Núi rừng bao la hùng vĩ trở thành đại bản doanh của quân giải phóng. Các đoàn quân trùng trùng lớp lớp bài binh, bố trận chuẩn bị cho một chiến dịch lịch sử.

Trong tháng 10 và tháng 12 năm 1974, Bộ Chính trị hai lần mở hội nghị chỉ đạo chiến dịch Tây Nguyên.

Chưa bao giờ ta có đầy đủ điều kiện chính trị, quân sự như thế. Thế và lực quân giải phóng đang mạnh. Thời cơ chiến lược đã đến. Trong hai năm 1975, 1976, khi có cơ hội đầu hoặc cuối năm 1975 sẽ lập tức giải phóng miền Nam Việt Nam ngay trong năm 1975.

Kế hoạch tiến đánh Tây Nguyên ngay sau đó đã được Bộ Chính trị phê duyệt.
Những ngày đầu năm 1975, dưới cánh rừng Tây Nguyên bao la, lực lượng quân giải phóng triển khai chuẩn bị cho một cuộc chiến khẩn trương, sôi động. Người, vũ khí, quân lương, súng đạn được di chuyển tới các vị trí chiến lược, sẵn sàng một cuộc động binh lịch sử.

Chiến sĩ vận tải Tây Nguyên vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến dịch. Ảnh tư liệu

Mở đầu chiến dịch, ta đánh lạc hướng đối phương. Cuộc xuất binh của các đơn vị quân giải phóng đã thu hút quân Việt Nam cộng hòa vào một số điểm nghi binh mà chúng không thể lường được.

Sư đoàn 23 bộ binh ngụy đang ở Buôn Ma Thuột được điều động lên đánh Pleiku, chúng tưởng rằng hướng tấn công của quân giải phóng ở đó.

Thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay đã xóa đi dấu vết đạn bom của một trận thắng lớn tháng 3/1975. Thay vào đó bằng tượng đài ghi dấu thời khắc quân và dân Buôn Ma Thuột đồng loạt tấn công, một trận đánh kỳ diệu diễn ra ngày 10/3/1975.

Sau hơn một ngày quân giải phóng chiến đấu, lực lượng quân đồn trú ngụy kháng cự quyết liệt. Tướng Phạm Văn Phú, tư lệnh quân khu 2 ngụy vẫn ảo tưởng đây là đòn nghi binh. Trong khi đó, lực lượng giải phóng từ các binh chủng hợp thành nhanh chóng vượt qua chướng ngại vật đánh thẳng vào trung tâm Buôn Ma Thuột.

Dẫu thời gian đã lùi xa hơn 40 năm, một trận đánh trong ký ức các cựu chiến binh dù ở chiến trường miền Trung hay Tây Nguyên, Buôn Ma Thuột mãi mãi là một trận đánh lịch sử. Liên tiếp các ngày sau đó, các lực lượng quân giải phóng ào ạt đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của địch. Quân phản kích Việt Nam cộng hòa được tăng cường đổ xuống ứng cứu nhưng chưa kịp đứng chân đã bị tiêu diệt.

Trung đoàn 273 xe tăng thuộc Quân đoàn 3 mặt trận Tây Nguyên tiến vào bắn phá các mục tiêu quân ngụy đang co cụm. Lực lượng bộ binh Quân đoàn đánh thọc sâu vào sào huyệt của địch.

Những chiếc xe tăng của Trung đoàn 273 hùng dũng chiến đấu giữa thị xã Buôn Ma Thuột làm quân ngụy hoang mang cực độ. Sau hơn 30 giờ quân giải phóng dũng mãnh tấn công, quân ngụy lần lượt tan rã.

Ngày 11/3/1975 quân giải phóng đánh bại lực lượng phòng thủ của địch, tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn tên trong đó có viên đại tá tỉnh trưởng, đại tá sư đoàn phó sư đoàn 23 ngụy và chỉ huy trưởng tiểu khu Đắk Lắk. Thị xã Buôn Ma Thuột hoàn toàn được giải phóng.

Tinh thần chiến đấu của quân đội Bắc Việt khi đó rất cao. Họ đã buộc kẻ thù mạnh nhất của mình là quân viễn chinh Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Bạn biết đấy, thiện chiến như quân đội Mỹ còn phải bỏ cuộc. Quân lực Việt Nam cộng hòa không còn chỗ dựa, mất đi sức mạnh của đồng minh. Sau Hiệp định Paris họ trong tâm trạng bi quan, sức chiến đấu sa sút. Quân đội Bắc Việt nhận được cơ hội để tấn công. Chiến bại ở Tây Nguyên của địch là điều không tránh khỏi.

Thế lực của quân đội Việt Nam cộng hòa xuống rất thấp khi quân đồng minh không còn ở bên họ, trong khi quân đội Bắc Việt đang mạnh, ý chí chiến đấu của họ rất cao. Quân đội Việt Nam cộng hòa dù có ưu thế trang bị quân sự hiện đại nhưng ứng chiến kém hiệu quả. Tinh thần lại hoang mang. Họ thua cuộc là tất yếu.

Chiếm xong thị xã Buôn Ma Thuột, các lực lượng chiến đấu mặt trận Tây Nguyên hình thành thế trận bao vây tiêu diệt quân địch co cụm tại Pleiku, chuẩn bị điều kiện cho những trận đánh tiếp theo khi quân đội Việt Nam cộng hòa âm mưu chiếm lại thị xã. Đúng như dự đoán, mất Buôn Ma Thuột, mất vùng chiến sự quan trọng nhất Tây Nguyên, địch lồng lộn tìm cách phản công.

Ngày hôm sau, ngày 12/3 và ngày tiếp theo, ngày 13/3, quân đội Sài Gòn điều trung đoàn 44, trung đoàn 45 của sư đoàn 23 bộ binh cấp tốc từ Pleiku đổ quân xuống căn cứ Phước An phản kích hòng chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột. Tại đây, các lực lượng quân giải phóng đã bài binh, bố trận sẵn sàng. Vừa đổ quân xuống đã bị lực lượng quân giải phóng chặn đánh, địch tập trung hỏa lực tại các cứ điểm sân bay Hòa Bình, quân lỵ Phước An và chi khu quân sự Buôn Hồ nhưng đều bị quân giải phóng tấn công, tiêu diệt.

Ngày 18/3, lực lượng vũ trang Tây Nguyên và trung đoàn quân giải phóng đánh một trận đáng ghi nhớ, tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu, đánh bại sư đoàn 23 ngụy, đập tan cuộc phản kích của quân lực Việt Nam cộng hòa với mưu đồ hòng chiếm lại Buôn Ma Thuột.

Người Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên hôm nay, trong ký ức của ông, từng chi tiết của trận đánh ông vẫn nhớ.

Thời khắc làm nên chiến công của quân và dân Tây Nguyên, của quân và dân thị xã Buôn Ma Thuột ngày đó sẽ còn lưu truyền mãi mãi.

Chiến trường năm xưa, thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay đang trên đường phát triển, hòa nhập, cuộc sống bình yên giữa núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Chiến thắng Tây Nguyên đã đi vào lịch sử như một trang huyền thoại, sống mãi với thời gian.

(còn nữa)

Ký sự của nhà văn Minh chuyên