Thứ 6, 26/04/2024, 12:44[GMT+7]

Mùa Vu Lan - sống chậm lại để yêu thương nhiều hơn

Thứ 3, 05/09/2017 | 07:44:49
1,260 lượt xem
Cứ đến rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, các tín đồ Phật tử lại hân hoan hướng về đại lễ Vu Lan báo hiếu. Bởi mang ý nghĩa quan trọng của Phật giáo nên trong ngày này, các chùa thường tổ chức rất trọng thể để giới tăng ni, Phật tử tham gia cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được bình an, mạnh khỏe, cha mẹ quá vãng được siêu sinh tịnh độ.

Ảnh minh họa.

Năm nào cũng vậy, khi tiết trời đã chuyển sang thu, phận làm con lại tự nhắc nhở lòng mình hướng về lễ Vu Lan, dịp lễ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Phật giáo để báo hiếu cha mẹ, tìm về với cội nguồn của yêu thương. Đó cũng là truyền thống của người dân đất Việt luôn trân trọng những tấm lòng thảo thơm, ân nghĩa.

Nguồn gốc của lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Đại Mục Kiều Liên. Vốn là một tu sĩ khác đạo, Mục Liên đã quy y và tu luyện nhiều phép thần thông, được liệt vào hạng thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Phật. Một ngày, Mục Liên ngậm ngùi nhớ đến mẫu thân của mình là bà Thanh Đề nên đã dùng tuệ nhãn quan sát khắp “bốn phương tám hướng”. Ngài đau lòng khi nhận ra mẹ của mình dù đã qua đời nhưng đang chịu cảnh tội đồ, thân thể gầy héo, xanh xao, đói không được ăn, khát không được uống, khổ đau khôn xiết.

Dù thấu hiểu đó là hậu quả của những điều sai trái mà mẹ đã gây ra thuở sinh thời, ngài vẫn không khỏi thương xót. Vậy là, dùng phép thuật của mình, Mục Liên quyết mang cơm đến dâng lên mẹ. Nhưng nghiệp chướng quá lớn, bát cơm bà Thanh Đề bưng trên tay đều hóa thành than đỏ. Ngài Mục Liên đau lòng, về thuật lại với Phật, mong linh hồn mẹ được siêu thoát. Cảm động trước tấm lòng hiếu nghĩa, Đức Phật khuyên Mục Liên vào ngày rằm tháng bảy, hãy nhờ hợp lực của các chư tăng khắp mười phương. Nhờ vậy, bà Thanh Đề đã được siêu thoát và các vong linh khác cũng được nhờ phúc lành này.

Noi theo tấm gương hiếu nghĩa của Tôn giả Mục Kiều Liên, từ ấy, cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, ngày lễ Vu Lan được tổ chức với ý nghĩa báo hiếu cha mẹ và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Đây là một tập tục đáng quý của người Việt.

Bông hồng màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc vẹn toàn.

Bông hồng cài áo - biểu tượng của ngày lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan không chỉ là ngày của riêng các Phật tử mà còn là mùa báo ân, báo hiếu của tất cả những người làm con dành cho cha mẹ đã sinh thành, dưỡng dục mình. Bởi vậy, đây cũng là dịp để mỗi người hướng về cội nguồn để biết trân trọng và thương yêu nhiều hơn.

Là một trong những nghi thức quan trọng, việc cài hoa hồng vào ngày lễ này đã được Thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào thập niên 60 của thế kỷ trước với ý nghĩa rằng con cái luôn nhớ về cha mẹ, dù cha mẹ còn hay đã mất. Tham gia nghi thức cài hoa hồng tại đại lễ Vu Lan của chùa Từ Xuyên, thành phố Thái Bình, nhiều người không khỏi xúc động khi được nghe giảng giải về bông hồng cài áo và nhớ về công lao của mẹ cha. Bởi hoa hồng từ lâu đã được vinh danh là loài hoa biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương thơm nên trong ngày lễ này, nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực áo bông hoa hồng là tấm lòng thơm thảo của người con dành cho cha mẹ của mình.

Người được cài hoa hồng đỏ hẳn sẽ rất vinh dự và tự hào vì còn cả mẹ và cha để có thể báo đáp công ơn sinh thành. Còn bông hồng trắng dành cho những người đã không còn mẹ, cha trên đời. Cài lên ngực bông hoa màu trắng, họ nhớ về bậc sinh thành và nguyện với lòng mình không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ gìn nền nếp gia phong để cha mẹ được yên lòng.

Trong ngày lễ Vu Lan, những bông hồng màu vàng được dành riêng cho các bậc tu sĩ đã lìa bỏ đời sống thế tục để sống cuộc đời của người xuất gia. Thay vì cài bông hồng đỏ, hoặc trắng để dành cho cha mẹ hiện tiền, người tu sĩ cài bông hồng vàng dành cho tất cả chúng sinh vì họ coi đó là cha mẹ, là họ hàng thân hữu của mình.

Ngày lễ Vu Lan báo hiếu, mỗi người như sống chậm hơn để nghĩ suy về công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, từ đó làm tròn bổn phận của người con. Tham dự lễ Vu Lan, từ câu chuyện xả thân cứu mẹ của Tôn giả Mục Kiều Liên, mỗi người lại tự nhắc nhở bản thân mình về lòng kính trọng với cha mẹ, ngọn lửa ấm áp của lòng hiếu nghĩa bởi vậy luôn được gìn giữ và lưu truyền.

Anh Tú