Thứ 3, 21/05/2024, 16:37[GMT+7]

Niềm vui và hy vọng

Thứ 3, 10/10/2017 | 08:33:15
594 lượt xem
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, 9 tháng đầu năm 2017, kinh tế của tỉnh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, GRDP quý sau tăng cao hơn quý trước, hầu hết các ngành kinh tế đều có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ. Những kết quả đó không chỉ là niềm vui mà còn là hy vọng về một năm giành thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực.

Sản xuất ở Xí nghiệp May veston Hưng Hà (Tổng công ty May 10). Ảnh: Thu Thủy

Kết thúc 9 tháng đầu năm, GRDP trên địa bàn tỉnh tăng 9,98% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5%, công nghiệp, xây dựng tăng 16,98%, khu vực dịch vụ tăng 8,76% so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, bệnh lùn sọc đen xuất hiện ở một số diện tích, rầy lưng trắng và các đối tượng sâu bệnh khác phát sinh với mật độ cao so với cùng kỳ nhiều năm cùng với việc giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng 2,6%, riêng trồng trọt tăng 3%. 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Dụng cho biết: Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành, các địa phương và nỗ lực của người dân, sản xuất nông nghiệp vẫn đạt kết quả cao so với cùng kỳ năm trước, công tác xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và triển khai việc tập trung tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa được đẩy mạnh, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trong chăn nuôi, toàn ngành tập trung phát triển theo hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ, tăng số gia trại, trang trại. Đến tháng 9/2017, toàn tỉnh có 696 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó 74 trang trại quy mô lớn, 2 hợp tác xã thành lập 10 tổ hợp tác trong sản xuất chăn nuôi, hoạt động bền vững và hiệu quả. Lĩnh vực thủy sản phát triển ổn định cả về nuôi trồng và đánh bắt. Diện tích nuôi trồng đạt 14.874ha, tăng 283ha so với cùng kỳ năm 2016; sản lượng khai thác ước đạt 61.874 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2016. Mô hình nuôi cá lồng trên sông tiếp tục được phát triển với 530 lồng nuôi, tăng 78,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngư dân Thái Thụy được mùa vụ cá Nam.  Ảnh: Trần Tuấn

Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, tỉnh còn quan tâm chỉ đạo phát triển công nghiệp, từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cùng với phát động các doanh nghiệp ra quân thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu năm, theo dõi sát tình hình và chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án lớn trên địa bàn, toàn tỉnh còn tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chương trình khuyến công, đồng thời chú trọng phát triển một số sản phẩm chủ lực như khăn các loại, khí tự nhiên, nhựa polyme, sứ vệ sinh, tàu các loại... 

Bên cạnh đó, tỉnh còn chú trọng công tác thu hút đầu tư, chủ động sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; duy trì chương trình “Cà phê doanh nhân” 2 lần/tuần, từ đó tạo môi trường gặp gỡ, trao đổi thường xuyên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Chính vì thế, 9 tháng qua, ngành Công nghiệp luôn duy trì đà tăng trưởng hai con số (13,8%). 

Công tác triển khai xây dựng khu kinh tế Thái Bình và quy hoạch phát triển một số khu công nghiệp mới được UBND tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện nhằm tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới. 9 tháng qua, Thái Bình còn là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản với tổng khối lượng ước hoàn thành và giải ngân đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, bằng 87,9% kế hoạch. 

Công tác quản lý và điều hành ngân sách cũng được chú trọng. Từ đầu năm đến nay, tỉnh tập trung chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế; tổ chức nhiều hội nghị với ngành Thuế, UBND các huyện, thành phố và các doanh nghiệp theo từng lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thu ngân sách trên địa bàn. Đến ngày 30/9, tổng thu ngân sách nhà nước (không kể ghi thu, ghi chi) ước đạt 12.043 tỷ đồng, bằng 88,3% dự toán năm, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó thu nội địa ước đạt 4.559,2 tỷ đồng, đạt 75,3% dự toán; tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 7.790,5 tỷ đồng, đạt 78,7% dự toán.

Mặc dù kết quả đạt được là rất tích cực và toàn diện, thể hiện hiệu quả, hiệu lực của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và nỗ lực vượt khó của các thành phần kinh tế nhưng để đạt được mục tiêu đã đặt ra, trong những tháng cuối năm, các ngành, các cấp cần quyết liệt, linh hoạt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và đề ra các giải pháp đồng bộ, kịp thời trên mọi lĩnh vực. Trước mắt, tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ an toàn cho lúa mùa cuối vụ, tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao theo lợi thế của từng vùng, từng địa phương, phấn đấu diện tích cây màu vụ đông đạt trên 35.000ha. Trong chăn nuôi, chú trọng phát triển theo hướng gia trại, trang trại tập trung, chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi giá trị gắn kết với thị trường. Tập trung thu hoạch nhanh gọn các đối tượng thủy sản, chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi ngao bền vững. Trong công nghiệp, cần chú trọng các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng, tiêu thụ sản phẩm; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng khu kinh tế Thái Bình để đẩy mạnh thu hút đầu tư về phía biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ưu tiên hỗ trợ các mặt hàng có thế mạnh và thị trường tiêu thụ rộng. Chủ động phối hợp, đôn đốc các doanh nghiệp, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực sản xuất công nghiệp và tạo nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2017 ở cả ba cấp chính quyền địa phương, nhất là dự toán thu về thuế và phí nhằm bảo đảm cân đối chi ngân sách địa phương và xử lý các nhiệm vụ phát sinh…


Ông Vũ Ngọc Khiếu, Giám đốc Sở Công Thương


Để góp phần cùng tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, từ nay đến cuối năm, toàn ngành tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Công Thương và các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại, khuyến công, khuyến thương, kế hoạch xúc tiến thương mại và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Bên cạnh đó, ngành Công Thương cũng thường xuyên rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn; thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, khai thác tốt các thị trường truyền thống. Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tăng cường kiểm tra các ngành nghề kinh doanh có điều kiện như thuốc, vật tư y tế, xăng dầu, vàng bạc…
 

 

Ông Phan Đình Dực, Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy


Là huyện ven biển nên Thái Thụy luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các ngành và các địa phương tập trung khai thác tốt tiềm năng trong lĩnh vực thủy sản. Đến nay, toàn huyện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.334ha, sản lượng ước đạt 32.746 tấn, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016; tổng số phương tiện đang hành nghề khai thác là 535 phương tiện với sản lượng khai thác ước đạt 27.082 tấn, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016. Thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ, toàn huyện có 19 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt, hiện nay có 4 chủ tàu đủ điều kiện được các ngân hàng thương mại ký kết hợp đồng tín dụng với số tiền cam kết cho vay 52,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trên địa bàn nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất. Nhiều dự án lớn trên địa bàn hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của huyện như Công ty Chế biến thủy sản Thụy Hải (cụm công nghiệp Thụy Tân), Công ty TNHH Quốc tế SH (Thụy Sơn), Công ty Hóa chất mỏ Thái Bình - MICCO, Công ty TNHH Richbeauty Việt Nam… Nhờ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành có trọng tâm, trọng điểm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. 9 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt 12.091,4 tỷ đồng, tăng 11,51% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp ước tăng 4,32%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản ước tăng 17,55%; thương mại, dịch vụ ước tăng 8,13%.

 

 
Ông Nguyễn Trần Phi, Giám đốc Công ty May Vinap

Từ khi thành lập đến nay, Công ty luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là ngành Ngân hàng đã giúp Công ty có vốn mở rộng phát triển sản xuất. Chính vì thế, từ quy mô ban đầu chỉ tạo việc làm cho 50 lao động, sau 7 năm thành lập Công ty đã không ngừng phát triển, tạo việc làm thường xuyên cho 400 lao động với thu nhập bình quân từ 3,7 - 4 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của Công ty là áo jacket và áo trượt tuyết nay đã được xuất trực tiếp sang thị trường các nước Hàn Quốc, Mỹ, Canada.


Minh Hương