Thứ 6, 17/05/2024, 14:52[GMT+7]

UBND tỉnh nghe và cho ý kiến về báo cáo cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông; tình hình tích tụ, tập trung ruộng đất cho thuê để triển khai các dự án.

Thứ 2, 16/10/2017 | 12:23:37
1,360 lượt xem
Sáng ngày 16/10, UBND tỉnh tổ chức họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông; tình hình tích tụ, tập trung ruộng đất cho Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH – Tập đoàn TH thuê để triển khai các dự án.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Dự họp có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo 8 huyện, thành phố.

Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mưa lớn kéo dài gây ngập úng những ngày qua làm cho 34.984,7ha lúa mùa và 12.188,6ha cây màu vụ đông trong toàn tỉnh bị thiệt hại từ 30% trở lên. Để khôi phục phát triển sản xuất, ngành Nông nghiệp đã đề xuất chính sách hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh: hỗ trợ cho việc tăng diện tích cây khoai tây so với kế hoạch đã xây dựng (dự kiến 1.230ha) và một số loại cây còn thời vụ có khả năng trồng lại trên diện tích đã bị thiệt hại; hỗ trợ bằng giống cây trồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng; tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ là 26,13 tỷ đồng. Ngoài ra, trình Trung ương hỗ trợ 400 tấn giống lúa, 22 tấn giống rau màu khác, 2.000 tấn giống khoai tây vụ đông, 500 tấn giống khoai tây xuân và hỗ trợ một phần chi phí sản xuất do thiệt hại của bệnh lùn sọc đen đối với diện tích lúa mùa bị thiệt hại trên 30% diện tích.

Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: Thành Tâm.

Về tình hình tích tụ, tập trung ruộng đất cho Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH – Tập đoàn TH thuê để triển khai dự án trồng rau sạch đạt chuẩn Global GAP và Organic USDA-EU tại huyện Vũ Thư, các tháng còn lại của năm 2017, Thái Bình sẽ tập trung chỉ đạo huyện Vũ Thư và 3 xã: Nguyên Xá, Song An, Hòa Bình thực hiện tập trung, tích tụ bàn giao cho Tập đoàn TH 154,6ha đất nông nghiệp để triển khai thí điểm mô hình, sau đó sẽ mở rộng thực hiện ở các xã khác. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo Tập đoàn TH đã đồng ý với đề xuất của UBND tỉnh Thái Bình, cam kết ngoài việc triển khai mô hình thí điểm 154,6ha, Tập đoàn sẽ hỗ trợ giống khoai tây vụ đông cho 150ha đất nằm trong quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của huyện Vũ Thư đã được Tập đoàn và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát thời gian qua, sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm đạt chất lượng được nông dân sản xuất đúng theo quy trình, công nghệ của Tập đoàn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với những đề xuất hỗ trợ cho các địa phương khôi phục sản xuất của ngành Nông nghiệp; riêng đối với đề nghị hỗ trợ thiệt hại của bệnh lùn sọc đen, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất Trung ương hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. 

Về việc tích tụ, tập trung ruộng đất cho Tập đoàn TH thuê, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị riêng đối với mô hình thí điểm, đơn giá thuê đất căn cứ theo từng loại đất, đất 2 lúa 1 màu là 150kg thóc/sào/năm, đất chuyên màu 220kg/sào/năm, giá thóc tính theo giá thóc thuế do cơ quan có thẩm quyền quyết định cộng thêm 5%; điều chỉnh thời hạn thanh toán 2 năm/lần thay vì 3 năm/lần như đã đề nghị từ trước, 5 năm điều chỉnh đơn giá một lần, mỗi lần điều chỉnh không quá 5%; thời hạn thuê đất tối thiểu 25 năm; những chính sách của Nhà nước mà đối tượng được hưởng là người có quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người dân được hưởng, những chính sách ưu đãi đầu tư thì doanh nghiệp được hưởng. Đối với cam kết hỗ trợ giống khoai tây vụ đông với diện tích 150ha, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn TH có cam kết bằng văn bản, cử cán bộ tập huấn kỹ thuật cho nông dân để sớm triển khai ngay từ vụ đông năm 2017.

Ngoài ra, tại cuộc họp đã thống nhất một số nội dung khác về cơ chế hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng thực hiện việc nâng đê biển và nâng bãi triều khu vực biển Thái Thụy để phát triển công nghiệp với diện tích trên 300ha, tổng mức kinh phí bồi thường, hỗ trợ khoảng 300 tỷ đồng; một số chủ trương về các dự án đầu tư BT, BOT trên địa bàn tỉnh.

Lưu Ngần