Thứ 5, 16/05/2024, 02:06[GMT+7]

Ngành Ngân hàng hỗ trợ các chủ tàu vay vốn “67”

Thứ 3, 17/10/2017 | 07:43:28
1,087 lượt xem
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản có quy định một trong những nội dung khá quan trọng đó là tạo điều kiện thuận lợi giúp các chủ tàu có vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá phục vụ hoạt động khai thác hải sản. Để góp phần đưa những con tàu “67” sớm được vươn khơi, thời gian qua, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất tích cực, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp ngư dân nhanh chóng có vốn.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình là một trong bốn ngân hàng được lựa chọn tham gia thực hiện cho vay theo Nghị định số 67.

Ngay sau khi UBND tỉnh phê duyệt danh sách 26 chủ tàu cá tham gia Nghị định số 67, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai cho vay, đồng thời lựa chọn 4 ngân hàng thương mại tham gia thực hiện cho vay gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh tỉnh, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thái Bình, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh Thái Bình và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Thái Bình. 

Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Thái Bình Nguyễn Văn Thái cho biết: Với mục tiêu triển khai có hiệu quả dự án vay vốn đóng tàu cá theo Nghị định số 67, thời gian qua, Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó có hướng dẫn chi tiết quy trình cho vay theo quy định của hệ thống; phân công cán bộ trực tiếp tiếp cận, thẩm định cho vay 2 chủ tàu được NHNN Chi nhánh tỉnh giao thực hiện cho vay theo Nghị định số 67, đồng thời chủ động bố trí nguồn vốn bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của ngư dân. Đến nay, Chi nhánh đang cho vay 1 chủ tàu với số tiền cam kết cho vay và đã giải ngân 5,1 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt hơn 4,5 tỷ đồng; còn 1 chủ tàu, Chi nhánh từ chối cho vay do khách hàng không chứng minh được nguồn vốn tự có tham gia vào dự án, khả năng quản lý tài chính lỏng lẻo. 

Đóng mới tàu cá ở Công ty Cổ phần Đại Dương (Thái Thụy).

Cùng với việc chỉ đạo các ngân hàng tích cực vào cuộc, NHNN Chi nhánh tỉnh còn chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương và các ngân hàng tổ chức 3 đoàn công tác nắm bắt sơ bộ thông tin, tình hình của các chủ tàu đề nghị tham gia Nghị định số 67, qua đó giải đáp kịp thời vướng mắc của các chủ tàu trong quá trình hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh còn chỉ đạo các ngân hàng công khai việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ vay vốn của chủ tàu và kết quả thẩm định của ngân hàng tới khách hàng, các tổ chức và cá nhân; đồng thời, cử 7 đồng chí tham gia tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 67 tỉnh để tổng hợp kịp thời những thông tin, khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. 

Với sự vào cuộc tích cực đó, đến nay, 26/26 chủ tàu do UBND tỉnh phê duyệt đều đã được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp cận, thẩm định hồ sơ; trong đó đã xét duyệt cho vay 8 chủ tàu, tổng số tiền cam kết cho vay và giải ngân 111,5 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đến ngày 30/9 đạt 108 tỷ đồng (mức lãi suất cho vay là 7%/năm, trong đó ngân sách nhà nước cấp bù 4 - 6%/năm). Bên cạnh đó, NHNN Chi nhánh tỉnh còn phối hợp với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam tài trợ máy thông tin liên lạc cho 8 chủ tàu với tổng số tiền 280 triệu đồng. Điều đáng mừng là 8/8 tàu được ngân hàng cho vay vốn đều đã hoàn thiện, đi vào hoạt động và bước đầu có hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Coóng (khu 9, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) cho biết: Được BIDV Chi nhánh Thái Bình tạo điều kiện thuận lợi cho vay vốn, tôi đã đóng mới được tàu cá vỏ thép, lưới chụp có công suất 822CV với tổng số tiền 17 tỷ đồng. Tháng 3/2017 tàu đã bắt đầu đi vào hoạt động. Nhờ được trang bị ngư lưới cụ hiện đại, có thể hoạt động ở các vùng biển xa bờ nên tàu đã khai thác được nhiều hải sản hơn, mỗi chuyến đánh bắt được từ 5 - 6 tấn mực, gần 20 tấn cá các loại…, thu về từ 400 - 500 triệu đồng/chuyến. Đến nay, tàu của tôi đã đi được 6 chuyến biển, tất cả các chuyến đi đều thuận lợi, không xảy ra sự cố gì liên quan tới máy móc, thiết bị trên tàu. 

Cũng như ông Coóng, bà Nguyễn Thị Khang (Tiền Hải) được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh tạo điều kiện cho vay 15,4 tỷ đồng để đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có công suất hơn 800CV, tàu bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 2/2017. 

Bà Khang tâm sự: Nếu không có Nghị định số 67 thì ngư dân chúng tôi không bao giờ có đủ năng lực để có thể đóng được những con tàu hiện đại và quy mô như vậy. Chính vì thế, tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể thu lời trả nợ ngân hàng và làm giàu chính đáng cho gia đình. 

Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành Ngân hàng trong thực hiện cho vay theo Nghị định số 67 đó là một số chủ tàu đăng ký tham gia nhưng năng lực tài chính còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm vận hành, quản lý tàu cá công suất lớn, hoạt động dài ngày trên biển dẫn đến rủi ro trong việc triển khai phương án đóng mới tàu cá. Chính vì thế, thời gian tới, toàn ngành sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị UBND tỉnh đưa ra khỏi danh sách các chủ tàu không đủ điều kiện vay vốn, tạo điều kiện cho các chủ tàu có đủ điều kiện được tham gia chương trình, kịp thời vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá phục vụ khai thác hải sản, từ đó góp phần phát triển ngành thủy sản theo hướng bền vững.

Phan Lợi - Minh Hương 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày