Thứ 3, 21/05/2024, 19:07[GMT+7]

Xóm trại đã có "mùi Hà Nội"

Thứ 2, 23/10/2017 | 09:05:48
735 lượt xem
Cách trung tâm thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải) chỉ chừng 1km theo đường chim bay, nhưng mãi đến tháng 2/2016, người dân thôn Tam Đồng, xã Vũ Lăng, xưa còn gọi là xóm trại chuối, mới biết đến nước máy...

Gia đình ông Đặng Tuấn Cương (Tam Đồng, Vũ Lăng) giờ đã có nước máy để sinh hoạt.

“Làng mình bây giờ đã có “mùi Hà Nội” - ông Đặng Văn Đông, 53 tuổi, thôn Tam Đồng thường nhắc lại câu nói ấy của con cháu, hàng xóm đi làm ăn ở các thành phố mỗi lần về thăm quê. Cái “mùi Hà Nội” ấy chính là nước máy mà xóm mới lắp đặt. 

Cũng thật ngạc nhiên bởi khi xung quanh đã có nước máy từ lâu thì chỉ mỗi xóm trại chuối là không có. Nhưng cũng không khó lý giải khi xóm trại nằm lọt thỏm giữa cánh đồng. Xung quanh toàn sông nước, ruộng đồng, người dân trước đây trồng nhiều chuối nên thường gọi là xóm trại chuối. Cách trung tâm xã có lẽ đến một, hai cây số nên chuyện nước sạch về làng hầu như ít người nghĩ tới. Người dân tận dụng nguồn nước mặt như ao, sông, nước mưa, nguồn nước ngầm làm nước sinh hoạt. Xưa thì đồng trũng ruộng sâu, ao tù nước đọng, nay thì một năm mấy vụ trừ sâu, thêm vào đó, các nhà máy, xí nghiệp, trang trại chăn nuôi mọc lên như nấm. 

Chỉ nghĩ thôi ông Đông cũng thở dài, lo âu cho sức khỏe con cháu mai sau. Nhưng kéo nước máy về là điều rất khó bởi ngăn sông cách ruộng. “Thế nên khi anh chị Hiền Hòa có ý tưởng đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch quy mô nhỏ ngay tại thôn tôi đã nhiệt tình ủng hộ. Mình không có tiền để góp thì thêm một tiếng nói giải thích, vận động bà con cùng lắp nước máy, bảo đảm công suất vận hành” - ông Đông bộc bạch.

Vốn là người hiểu biết, ông Đông lý giải cái “mùi Hà Nội” từ nước máy cho bà con trong làng rằng đó là mùi clo - một hóa chất có tác dụng diệt khuẩn được sử dụng trong xử lý nước với nồng độ Bộ Y tế cho phép là từ 0,3 - 0,5mg/lít. Nước máy phải trong, nhẹ mùi clo mới là đúng chuẩn. Vì bà con thấy có mùi xông xông như mùi thuốc tẩy thì khá e dè. Ông cho rằng, thậm chí thấy mùi đó phải mừng, yên tâm vì nước đã được khử khuẩn. Bà con xả ra một lúc là mùi bay hơi hết. Chứ doanh nghiệp họ dại gì mà bơm clo quá liều, vừa gây ngộ độc nguy hiểm cho khách hàng vừa tốn kém thêm chi phí. Nếu có sợ thì chỉ sợ ít clo quá không đủ khả năng diệt khuẩn.

Anh Ngô Đức Hòa, chủ doanh nghiệp Hiền Hòa cho biết, lúc đầu bà con chưa quen với nước máy có ý kiến về mùi clo, thực tế nhiều đơn vị trên địa bàn cũng giảm lượng clo để bớt mùi nhưng để bảo đảm chất lượng nước cũng như các tiêu chuẩn theo quy định anh vẫn duy trì mức clo như ban đầu. Thêm vào đó, nước máy do doanh nghiệp sản xuất có công nghệ từ châu Âu, chế độ châm clo tự động, bảo đảm độ ổn định clo tồn dư trong nước. Theo kết quả kiểm tra chất lượng của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, các mẫu nước do doanh nghiệp Hiền Hòa sản xuất đều có tồn dư clo từ 0,3  - 0,5mg/lít, đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nhà máy của anh Hòa có một lợi thế mà ít đơn vị có được đó là anh tận dụng khoảnh ao trước cửa làm bể sơ lắng. Khi nước lên bể lắng đã khá trong, độ đục thấp. Sau giàn phơi và bể lắng chuyển sang bể lọc thô đã sạch khoảng 90%. 10% còn lại xử lý trong bể lọc tinh với các máy châm clo tự động.

Xả bể lắng của Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Hiền Hòa.

Chia sẻ về ý tưởng làm nước máy, anh Hòa cho biết bà con mong chờ nước sạch lắm, nhưng đợi đến bao giờ. Thêm vào đó, mình cũng đang loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, anh em bạn bè tư vấn, lại đúng lúc tỉnh có chủ trương khuyến khích mở rộng mạng lưới cấp nước sạch nên quyết tâm làm. 

Nhớ lại hôm ứng cứu vụ cháy xưởng dệt OE thuộc cụm công nghiệp Tây An (Tiền Hải), anh Hòa cởi mở: Tối đó đúng dịp nghỉ lễ 2/9, tôi cùng vợ con về nhà ngoại ở Nam Hà chơi. Khi được yêu cầu hỗ trợ, tôi đã điện thoại cho công nhân yêu cầu đóng các van cấp nước khác, chỉ mở van ra xưởng dệt, chỉ đạo thợ lắp đặt tăng cường thêm một đường ống, tắt máy nhỏ, mở máy công suất lớn nhất chạy suốt đêm, bơm hàng trăm mét khối nước vào sông phục vụ cứu hỏa.

 “Khi thiết kế đường nước cho OE, chúng tôi đã để đường cứu hỏa nhưng vì vụ cháy quá lớn, quá nhanh nên anh em phải mở gấp thêm một đường ống cấp nước cho các xe cứu hỏa. Dù công tác ứng cứu của các lực lượng tương đối khó khăn nhưng dù sao Hiền Hòa cũng đã nỗ lực trong khả năng cho phép. Chúng tôi cũng thấy an lòng vì đã góp một phần nhỏ giải quyết vụ việc” - anh Hòa bộc bạch.

Ông Nguyễn Trần Hạnh, Trưởng thôn Tam Đồng cho biết, việc đưa nước sạch đến với người dân không chỉ là việc làm ăn của doanh nghiệp mà là chủ trương chung của tỉnh, của huyện trong việc nâng cao đời sống, sức khỏe nhân dân. Khi dự án nước sạch về thôn, mặc dù ở cuối làng nhưng gia đình ông là một trong những gia đình đầu tiên đăng ký. Bên cạnh đó, ông Hạnh cũng báo cáo, thông qua chi bộ rồi tiến hành họp ban công tác mặt trận thôn, thống nhất các chủ trương, biện pháp. Các thông báo về ý nghĩa, mục đích của chương trình nước sạch được phát trên hệ thống loa của thôn. Tại cuộc họp dân cũng thông báo chi tiết chương trình nước sạch, các quy định của nhà nước, các khoản kinh phí đầu tư. Vì doanh nghiệp cũng là người làng nên bà con rất tin tưởng, ủng hộ. Chẳng gì bằng thực tế. Có nước máy, nhà tắm, nhà vệ sinh, chậu rửa, vòi nước cứ sáng bóng, sạch sẽ. Quần áo thì trắng tinh, thơm tho. Những hộ gần hầu như đã lắp đặt hết. Chỉ những hộ xa thì đang triển khai dần dần. Thêm vào nữa, giá nước doanh nghiệp thu là 6.000 đồng/m3, phù hợp nên bà con cũng phấn khởi.

Xóm trại chuối năm nào nay đã thành làng có “mùi Hà Nội”, “mùi” của sự phát triển, “mùi” của công nghệ và văn minh. Và dù vẫn nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng bốn mùa xanh ngát, xóm trại nay đã thoát khỏi cảnh ao tù nước đọng, vươn mình với dòng nước sạch mát trong veo, vươn mình với những con đường mới, với tương lai là nhà máy, công trường...

Sau hơn một năm vận hành với vốn đầu tư ban đầu 11 tỷ đồng, công suất thiết kế 1.200m3/ngày đêm, nhà máy nước sạch của doanh nghiệp Hiền Hòa đã đấu nối gần 400 đồng hồ, chiếm khoảng 60% số hộ của 3 thôn Tam Đồng (Vũ Lăng), Tiền Phong (Tây An), Trung Tiến (Tây Lương) vốn là những địa bàn khá biệt lập so với các vùng khác. Công suất thực tế mới đạt khoảng 30% công suất thiết kế. Đây cũng là hướng mở để doanh nghiệp đón đầu các đơn vị vào đầu tư tại cụm công nghiệp Tây An, khu chăn nuôi Vũ Lăng cũng như tiếp tục vươn tới những hộ dân nhỏ lẻ xa hơn.


Đỗ Hà

Đài TTTH Tiền Hải

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày