Thứ 6, 17/05/2024, 11:16[GMT+7]

Vụ mùa “khó chồng thêm khó”

Thứ 6, 27/10/2017 | 08:32:44
600 lượt xem
Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung xuống đồng thu hoạch lúa mùa. Thiên tai, sâu bệnh hại là những gì người ta nghĩ đến khi nói về vụ mùa năm nay.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân các địa phương trong tỉnh tập trung xuống đồng thu hoạch lúa mùa.

Thực hiện kế hoạch sản xuất, ngành Nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tiếp tục chuyển dịch mạnh cơ cấu giống và thời vụ thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là bệnh bạc lá đưa vào sản xuất. Các giống lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7, T10, Nếp 97, lúa Nhật chiếm khoảng 25%; giống lúa năng suất cao như BC15, TBR225, TBR-1, Thiên ưu 8 chiếm khoảng 75%. 

Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nên thời vụ gieo cấy vụ mùa 2017 kết thúc sớm hơn so với vụ mùa năm 2016 từ 5 - 7 ngày. Toàn tỉnh có 103 xã sản xuất theo cánh đồng lớn với diện tích 6.360ha, trong đó diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm là 4.172ha. 

Do mưa trên diện rộng kéo dài trong nửa đầu tháng 7 đã làm ngập úng cục bộ một số diện tích lúa, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng. Mặc dù tỉnh, huyện và các ngành chuyên môn không khuyến khích gieo thẳng nhưng nhiều địa phương vẫn tự phát mở rộng ở cả những chân ruộng trũng, không gọn vùng nên khó tiêu thoát nước. Có trên 600ha gieo thẳng sau ngày 10/7, gieo sau lịch của tỉnh (ngày 5/7), sau gieo gặp mưa kéo dài làm xô dạt mộng, ảnh hưởng đến mật độ, phải gieo cấy lại. 

Từ trung tuần tháng 9, một số địa phương bắt đầu thu hoạch lúa để trồng cây màu vụ đông ưa ấm, đến ngày 5/10 toàn tỉnh thu hoạch được trên 9.400ha (bằng 11% diện tích). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trên địa bàn tỉnh xuất hiện mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đầu tháng 10 đã làm chậm tiến độ thu hoạch, không những vậy đã có trên 36.000ha lúa mùa bị ảnh hưởng, thiệt hại trên 30% diện tích. 

Cùng với việc tập trung tiêu thoát nước, nông dân đã tranh thủ thu hoạch lúa theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Do nhiều diện tích bị ngập sâu, máy gặt không thể xuống đồng, bà con phải gặt tay, dùng thuyền, chậu để vận chuyển lúa lên bờ. Đến ngày 19/10, toàn tỉnh thu hoạch được 63.828ha lúa mùa, bằng 79,5% diện tích gieo cấy.

Không chỉ thiệt hại bởi thiên tai, vụ mùa năm 2017 còn chịu ảnh hưởng nặng nề của bệnh lùn sọc đen, một số diện tích bị ảnh hưởng bệnh bạc lá. Toàn tỉnh có trên 14.000ha lúa mùa nhiễm lùn sọc đen bị thiệt hại từ 30% diện tích trở lên. 

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, mặc dù ngay trên cây mạ nông dân đã có ý thức phòng, trừ các đối tượng sâu ăn lá, sâu đục thân nhưng việc phun rầy ít được các địa phương áp dụng. Trong vụ mùa, ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo các địa phương 3 đợt phòng, trừ sâu bệnh lớn, tập trung vào các đối tượng: rầy, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ vào cuối tháng 7, trong tháng 8 và đầu tháng 9. 

Qua vụ sản xuất nhiều khó khăn cũng cho thấy hạn chế của một số giống lúa trong chống chịu sâu bệnh; bộc lộ nhiều tồn tại, nhược điểm của phương thức gieo thẳng cũng như cái giá của việc không chấp hành nghiêm đề án sản xuất, tâm lý chủ quan của nhiều địa phương trong phòng, trừ sâu bệnh.

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, bất cập trong vụ mùa vừa qua, nhằm bảo đảm an toàn cho sản xuất, cần thiết phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, đoàn thể và người dân về công tác phòng, chống dịch bệnh lùn sọc đen; thực hiện kịp thời các biện pháp tiêu hủy nguồn bệnh, chủ động các biện pháp để phòng, chống bệnh lùn sọc đen, ngăn chặn dịch bệnh lây lan sang vụ đông năm 2017 và những vụ lúa tiếp theo. Lấy vụ đông bù vụ mùa đang là giải pháp được nhiều địa phương quyết tâm thực hiện nhằm khắc phục phần nào thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra.

Lưu Ngần


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày