Chủ nhật, 12/05/2024, 15:14[GMT+7]

Nâng cao văn hóa đọc cho học sinh

Thứ 6, 01/12/2017 | 08:35:45
1,790 lượt xem
Với mục đích để học sinh có được những thông tin tích cực phục vụ quá trình học tập, rèn luyện các phẩm chất năng lực và hình thành văn hóa đọc, góp phần hình thành kỹ năng sống cho các em, những năm qua, nhiều trường học trong tỉnh tập trung khai thác hiệu quả thư viện nhà trường và xây dựng, phát huy hiệu quả của các thư viện lớp học.

Học sinh Trường Tiểu học Thanh Nê (Kiến Xương) trong thư viện của trường.

Thái Thụy là một trong những huyện thực hiện tốt việc triển khai và nhân rộng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh, thư viện xanh ngoài trời. Mỗi trường học tại Thái Thụy có một cách huy động sách khác nhau nhưng chủ yếu tập trung vào các biện pháp như: huy động xã hội hóa góp tiền, góp công tự xây dựng tủ sách cho học sinh; kêu gọi cựu học sinh ủng hộ sách; gửi thư ngỏ đến các công ty, doanh nghiệp tài trợ sách cho học sinh. Chỉ tính riêng dịp tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, toàn huyện đã huy động được 45.701 cuốn với tổng trị giá quy thành tiền trên 630 triệu đồng. 

Ông Nguyễn Trường Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chia sẻ: Mỗi tủ sách phụ huynh hay tủ sách thư viện xanh bao gồm một tủ chứa khoảng hơn 150 đầu sách được chọn lọc kỹ với các lĩnh vực: đạo đức, khoa học, văn học, lịch sử, danh nhân, kỹ năng sống và ngoại ngữ, kể chuyện… Trước kia, bình quân một học sinh chỉ đọc khoảng 3 cuốn sách/năm, nhưng từ tháng 3/2013 đến nay, khi xây dựng tủ sách phụ huynh thành công, mỗi lớp có một tủ sách với khoảng trên 150 đầu sách thì tỷ lệ này đã tăng lên 9 cuốn sách/học sinh/năm, thậm chí có những học sinh đọc từ 20 cuốn đến 30 cuốn sách/năm. Giờ đây, việc đọc sách đã trở thành một nhu cầu tự nhiên của học sinh.

Cô giáo Dương Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy) cho biết: Trong xây dựng kế hoạch giáo dục năm học, nhà trường rất quan tâm đến quỹ thời gian đọc sách của học sinh và có quy định cụ thể về thời gian đọc sách trong ngày để việc đọc sách ban đầu là việc thực hiện nền nếp quy định sau trở thành hoạt động tự giác. Bên cạnh đó, nhà trường tăng cường tổ chức các hoạt động khuyến đọc trên cả quy mô trường và lớp như: giới thiệu sách vào buổi sinh hoạt tập thể đầu tuần, sinh hoạt lớp; tổ chức cho các em viết cảm nhận mỗi khi đọc xong một cuốn sách, chia sẻ vào hòm thư điều em muốn nói; giáo viên lựa chọn những bài viết hay giới thiệu và khen thưởng các em trước toàn lớp, toàn trường… Hiệu quả của các tủ sách lớp học đã góp phần giúp học sinh trong Trường rèn luyện được các phẩm chất tốt, hình thành và phát triển năng lực. 

Tại Trường THCS Thụy Liên, mỗi lớp học đều có một cuốn sổ ghi chép mượn, trả sách và quản lý đầu sách do chính học sinh của lớp phụ trách, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Sau một thời gian ngắn, học sinh đã biết đọc sách vào giờ quy định và hình thành thói quen đọc sách, giữ gìn sách cẩn thận.

Học sinh Trường Tiểu học Phú Châu (Đông Hưng) đọc sách ở thư viện xanh ngoài trời.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm trường học có thư viện đạt chuẩn quốc gia, chỉ tính riêng cấp tiểu học có 288 trường đạt chuẩn. Những thư viện nhà trường, tủ sách lớp học đã góp phần định hướng văn hóa đọc cho học sinh trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Để định hướng văn hóa đọc cho học sinh, giúp các em có niềm say mê với việc đọc sách, một số trường tiểu học trong tỉnh đã triển khai mô hình thư viện vườn trường, thư viện xanh. Với ý tưởng tạo cho các em một môi trường đọc thân thiện, những thư viện này thường được đặt tại sân trường, dưới những bóng cây xanh hay tại mỗi lớp học nhằm tạo thuận lợi cho các em dễ dàng lựa chọn sách và có thể đọc sách trong mọi thời gian rảnh rỗi. Việc tạo thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc cho học sinh là yếu tố quan trọng trong việc định hướng các em tới thư viện. 

Hàng năm, hưởng ứng ngày sách Việt Nam, nhiều trường đã tổ chức các cuộc thi kể chuyện, thi đọc và làm theo sách, tặng sách cho học sinh giỏi… đồng thời có những hình thức huy động sách khác nhau như kêu gọi phụ huynh hoặc các tổ chức cá nhân tài trợ sách, xây dựng phong trào kế hoạch nhỏ lấy tiền bán giấy vụn hàng năm để mua sách hay vận động học sinh, phụ huynh ủng hộ những cuốn sách cũ… 

Ông Trần Tuấn Anh cho biết thêm: Không chỉ nâng cao văn hóa đọc cho học sinh, các nhà trường còn khuyến khích giáo viên tự học, tự nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ qua việc đọc và nghiên cứu các tài liệu của thư viện nhà trường. Đặc biệt, việc sử dụng trường học kết nối tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên trao đổi những cuốn sách hay cũng như thông tin bổ ích về công tác giảng dạy.

Việc đọc sách không chỉ trau dồi kiến thức các môn văn hóa cho mỗi học sinh mà còn nâng cao hiểu biết về cuộc sống xung quanh cũng như những kỹ năng sống cần thiết. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng tủ sách lớp học, thư viện trường học, việc xây dựng văn hóa đọc trong mỗi học sinh là rất cần thiết. Hãy để các em tự tìm đến sách và coi sách là một phần quan trọng của cuộc sống.

Đặng Anh 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày