Chủ nhật, 19/05/2024, 18:46[GMT+7]

Kiến Xương: Điều trị Methadone còn nhiều khó khăn

Thứ 5, 07/12/2017 | 07:55:05
1,601 lượt xem
Điều trị bằng thuốc Methadone là phương pháp điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện rất có hiệu quả đối với người nghiện. Tại Kiến Xương, công tác điều trị Methadone cho người nghiện ma túy bước đầu cho kết quả đáng mừng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn.

Kiến Xương tuyên truyền trực quan công tác điều trị Methadone.

Sau 4 năm triển khai chương trình điều trị Methadone, Kiến Xương luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh và UBND huyện. Các ban, ngành, đoàn thể, các dòng họ, gia đình tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động đối tượng nghiện ma túy đi điều trị. Cơ sở điều trị Methadone của huyện đã triển khai, duy trì các hoạt động theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và không để xảy ra tai biến chuyên môn. 

Bà Phạm Thị Thu Thanh, Quyền Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: Việc điều trị Methadone được duy trì hàng ngày, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết cơ sở điều trị đều phân công cán bộ y tế phục vụ đầy đủ, không có trường hợp người thân và bệnh nhân phàn nàn, khiếu nại về tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh. Qua khảo sát cộng đồng, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân khi tham gia điều trị Methadone có sự cải thiện rõ rệt; bệnh nhân khỏe mạnh, tăng cân so với trước khi điều trị đạt tỷ lệ 87,9%. 80% bệnh nhân quan tâm đến gia đình nhiều hơn và cải thiện mối quan hệ với người thân và làng xóm. Chỉ có 20% bệnh nhân còn sử dụng hêrôin sau 6 tháng điều trị Methadone. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân điều trị Methadone, ngoài cơ sở điều trị tại Trung tâm Y tế huyện, Kiến Xương còn mở thêm một điểm cấp phát thuốc tại Trạm Y tế xã Vũ Tây.

Mặc dù bước đầu đạt kết quả đáng mừng song công tác điều trị Methadone ở Kiến Xương còn nhiều khó khăn. Theo thống kê của Công an huyện, toàn huyện có 446 người nghiện ma túy trong diện quản lý. Lũy kế sau 4 năm (từ năm 2014 đến hết tháng 10/2017), mới có 181 người nghiện đăng ký điều trị Methadone, đạt tỷ lệ hơn 40% số người nghiện. 

Bác sĩ Hoàng Thị Lanh, Trưởng cơ sở điều trị Methadone (Trung tâm Y tế huyện) cho biết: Việc tuyên truyền, vận động bệnh nhân nghiện ma túy vào cơ sở để điều trị rất khó khăn nhưng tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị ổn định rất thấp, chỉ đạt 45%. Có tới 101 bệnh nhân ra khỏi chương trình điều trị Methadone chủ yếu là do bị bắt vì vi phạm pháp luật, bỏ điều trị không rõ lý do, tử vong và chuyển đi cơ sở khác.

Bệnh nhân uống Methadone tại cơ sở điều trị Methadone (Trung tâm Y tế huyện Kiến Xương).

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người nghiện không tham gia và bỏ tham gia chương trình điều trị Methadone là do điều trị một thời gian thấy không còn cảm giác thèm ma túy nên ngừng điều trị và bị bạn bè rủ rê dẫn tới tái nghiện; người nghiện sử dụng nhiều loại ma túy tổng hợp khác nhau, đặc biệt là các loại ma túy đá. Những chất gây nghiện này hiện nay y học chưa có thuốc điều trị và điều trị thay thế đặc hiệu. Ngoài ra, các đối tượng nghiện thường đi làm ăn xa, gia đình, địa phương khó quản lý, việc tuyên truyền, vận động cai nghiện cũng như tham gia chương trình điều trị Methadone gặp nhiều trở ngại. 

Ông Nguyễn Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian qua, sự vào cuộc của các ngành, xã, thị trấn chưa thường xuyên, chưa quyết liệt trong việc phát hiện, quản lý và vận động đối tượng nghiện ma túy cai nghiện tại cộng đồng và tham gia điều trị Methadone. Mặc dù nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho công tác điều trị Methadone nhưng đa số bệnh nhân không có việc làm ổn định, hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc duy trì tỷ lệ bệnh nhân điều trị.

Theo bà Phạm Thị Thu Thanh: Do chưa có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn tỉnh về cơ chế chi kinh phí cho các cơ sở điều trị Methadone, nhất là việc hỗ trợ cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nên chưa động viên, thu hút cán bộ làm việc cũng ảnh hưởng đến kết quả công tác điều trị Methadone.

Để phòng, chống ma túy và nâng cao hiệu quả chương trình điều trị Methadone, Kiến Xương đã rút kinh nghiệm và triển khai một số giải pháp, nhiệm vụ thiết thực. Trong đó, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ huyện tới cơ sở tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về điều trị Methadone tới cộng đồng; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa gia đình và cơ sở điều trị Methadone để nâng cao hiệu quả công tác điều trị; tổ chức kiện toàn và tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của cơ sở điều trị Methadone và các trạm y tế cơ sở. Đặc biệt, tăng cường quản lý bệnh nhân và kiên quyết hơn trong công tác điều trị, tổ chức xét nghiệm hêrôin thường xuyên để kiểm tra tình trạng sử dụng ma túy của bệnh nhân; thực hiện sàng lọc HIV và quy trình khám định kỳ đối với bệnh nhân điều trị Methadone, kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những trường hợp cố tình vi phạm.

Khắc Duẩn 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày