Chủ nhật, 12/05/2024, 23:25[GMT+7]

Người Thái Bình đối mặt B.52

Thứ 5, 28/12/2017 | 09:22:26
2,313 lượt xem
Trong 12 ngày đêm từ 18 – 29/12/1972, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” khi đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B.52 của đế quốc Mỹ trong chiến tranh tại Việt Nam. Trong chiến công đó, có những người con quê lúa Thái Bình trực tiếp hoặc gián tiếp góp công. 45 năm sau chiến thắng, những nhân chứng đã chia sẻ với bạn đọc Báo Thái Bình về những ký ức hào hùng cùng thời khắc lịch sử làm nên chiến công đó.

Xác chiếc B.52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội vào đêm ngày 18/12/1972

Rồng lửa diệt thù 

…B52 tan xác cháy sáng bầu trời

Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời

Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần khát máu

Ý chí chúng ta đây mạnh hơn ngàn lần bom súng quân thù…

(Hà Nội – Điện Biên Phủ, nhạc sỹ Phạm Tuyên)

Trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972, Trung đoàn tên lửa 261, Sư đoàn Phòng không 361, Quân chủng Phòng không Không quân(PKKQ) được giao trọng trách bảo vệ Hà Nội - trái tim của cả nước, cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến thần thánh toàn dân tộc. 

Phối hợp cùng các lực lượng khác, Trung đoàn 261 đã lập chiến công vang dội, là lực lượng tên lửa đầu tiên bắn rơi tại chỗ máy bay B.52 trong ngày mở màn chiến dịch. 

45 năm đã qua đi, nhưng mỗi khi đến tháng 12, hồi ức về những ngày rực lửa, những phút giây cân não đối mặt quân thù vẫn nguyên vẹn trong tâm trí đại tá Dương Đình Thảo, nguyên Chính ủy Trung đoàn tên lửa 261, một người con của xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy.

Đại tá Dương Đình Thảo, nguyên Chính ủy Trung đoàn tên lửa 261, Sư đoàn 361, Quân chủng PKKQ, đơn vị đầu tiên bắn rơi máy bay B.52 trong chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không”.

Những ngày đầu tháng 12/1972, tình hình chiến đấu rất khẩn trương, Trung đoàn 261 cùng lúc nhận 2 nhiệm vụ khẩn cấp, một mặt chuẩn bị hành quân gấp vào chiến trường B và mặt khác sẵn sàng bảo vệ phía tây bắc Hà Nội khi có B.52 đánh vào.

Đặc biệt, nhiệm vụ đánh B.52 đang đè nặng trên vai cán bộ, chiến sỹ đơn vị, bởi thực tế, trung đoàn chưa một lần nào được tiếp xúc với B.52 mà chỉ thông qua lý thuyết, lúc này tư tưởng mọi người đang có nhiều diễn biến phức tạp, lo lắng đến nhiệm vụ nặng nề sắp tới.

Trước tình hình đó, lãnh đạo chỉ huy trung đoàn đã xác định phải làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng quyết tâm cho cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là kíp chiến đấu của 4 tiểu đoàn hỏa lực.

Trung đoàn tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, tập trung vào 2 nội dung chính: Khẳng định không quân Mỹ sẽ dùng máy bay chiến lược B.52 đánh vào Hà Nội, Trung đoàn 261 phải đánh rơi được máy bay B.52 khi chúng vào Hà Nội.

Công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được chia thành 3 kíp, ưu tiên 2 giờ/ngày về thực hiện chỉ huy xử lý và thao tác đánh B.52. Một phong trào thi đua học tập sôi nổi rộng khắp trung đoàn với mục tiêu bắt B.52 phải đền tội khi xâm phạm bầu trời thủ đô.

 Sau nhiều đợt kiểm tra, chỉ huy trung đoàn đã kết luận: Trình độ chỉ huy của cán bộ và thao tác của kíp chiến đấu ở 4 tiểu đoàn hỏa lực đã tiến bộ rõ rệt, có khả năng đánh thắng B.52 và nhất định đánh rơi B.52 tại chỗ.

Trung đoàn đang chuẩn bị tổng kết giai đoạn huấn luyện đánh B.52 thì bất ngờ nhận được lệnh gấp rút hành quân vào chiến trường B, một mặt phải chuẩn bị thật nhanh và đầy đủ, khi có lệnh là lên đường hành quân, mặt khác, vẫn chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tại chỗ.

Ngày 13/12/1972, chỉ huy Trung đoàn 261 bất ngờ nhận được lệnh lên Bộ Quốc phòng báo cáo tình hình đơn vị.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp gặp và nghe Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo và Chính ủy Dương Đình Thảo báo cáo về công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức cùng các phần huấn luyện, nhiệm vụ chiến đấu và phương án đánh B.52 bảo vệ Hà Nội.

Phó Tổng tham mưu trưởng chỉ thị: Hiện nay Trung đoàn 261 có hai nhiệm vụ: Chuẩn bị gấp đi B và sẵn sàng chiến đấu khi Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B.52 đánh phá Hà Nội. Trung đoàn đang bố trí lực lượng ở phía tây bắc Hà Nội đón đánh B.52 từ phía Tam Đảo bay vào đánh Hà Nội. Trung đoàn 261 phải đánh thắng máy bay B.52 ngay từ trận đầu của ngày mở đầu chiến dịch, đánh rơi tại chỗ trên địa bàn Hà Nội, bắt sống giặc lái, thu được tang vật chính xác. Chỉ cần đánh rơi tại chỗ lấy 1 chiếc, tạo điều kiện thuận lợi để đồng chí Lê Đức Thọ làm xoay chuyển tình hình đàm phán tại hội nghị Paris.

Đại tá Dương Đình Thảo xúc động chia sẻ: Tôi và anh Tạo chăm chú lắng nghe từng lời nói, ghi lấy từng câu, từng chữ một. Chúng tôi rất xúc động! Đây là mệnh lệnh mà đồng chí Phó Tổng tham mưu trưởng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó cho trung đoàn tên lửa chúng tôi. Một nhiệm vụ nặng nề nhưng thật vinh quang, nhiệm vụ khi Tổ quốc giao phó khi sắp bước vào một trận chiến cam go, quyết liệt với một tên đế quốc đầu sỏ của thời đại.

Sau khi hội ý, Trung đoàn trưởng Trần Hữu Tạo thay mặt cán bộ, chiến sỹ đơn vị xin hứa quyết tâm thực hiện chỉ thị của lãnh đạo cấp trên.

 Sau đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp gặp, nghe báo cáo nội dung công việc và quyết tâm của Trung đoàn 261 đối với nhiệm vụ sắp tới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp niềm nở bắt tay chỉ huy trung đoàn giao nhiệm vụ và chúc cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 261 hoàn thành tốt nhiệm vụ.

14 giờ ngày 16/12/1972, Phó Chính ủy Quân chủng PKKQ Nguyễn Xuân Mậu xuống trung đoàn phổ biến mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng và giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 261 ở lại Hà Nội tham gia chiến dịch phòng không và nhanh chóng triển khai phương án đánh B.52 bảo vệ Hà Nội, mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành vào đúng 19 giờ ngày 17/12.

Như kế hoạch tác chiến đã triển khai, đội hình chiến đấu của Trung đoàn 261 gồm các tiểu đoàn hỏa lực 57, 59, 93, 94 dàn thành một vòng cung như lũy thép kiên cường bảo vệ thủ đô Hà Nội từ phía bắc và tây bắc sẵn sàng đánh trả B.52 khi chúng xâm phạm bầu trời thủ đô.

Bệ phóng tên lửa của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 261 bắn tan xác máy bay B.52 đêm ngày 18/12/1972 được trưng bày tại Bảo tàng PKKQ.

18 giờ ngày 18/12/1972, sau khi nghe thông báo từ sư đoàn, toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 261 đã sẵn sàng chiến đấu. Đêm hôm đấy, trời Hà Nội mưa phùn, rét ngọt, nhưng trong lòng mỗi chiến sỹ tên lửa trên các trận địa nóng ran như lửa đốt, mọi ý chí chiến đấu đang đợi chờ phút giây khai hỏa.

18 giờ 50 phút, Quân chủng PKKQ lệnh cho các lực lượng phòng không của Sư đoàn 361 vào cấp 1. Tiếng còi báo động từ Hà Nội vang liên hồi, vượt qua sông Hồng, bay đến tận các trận địa tên lửa như tiếp thêm khí thế và sức mạnh để bảo vệ trái tim thân yêu của Tổ quốc trước bầy giặc trời khát máu.

Trong chiến trận, các kíp chiến đấu đã thể hiện rõ bản lĩnh và nghị lực phi thường với lòng dũng cảm, trình độ chiến thuật, kỹ thuật cao. Trắc thủ tên lửa với cặp mắt tinh tường đã vạch nhiễu, bám sát mục tiêu, điều khiển tên lửa chính xác diệt thù.

19 giờ 54 phút ngày 18/12/1972, các tiểu đoàn hỏa lực của Trung đoàn Tên lửa 261 khai hỏa, “rồng lửa” từ mặt đất kiêu hùng bay lên quật cổ “pháo đài bay” khi chúng xâm phạm bầu trời Hà Nội.

20 giờ 13 phút, tên lửa mang số hiệu C202A của Tiểu đoàn 59 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng, sỹ quan điều khiển Dương Văn Thuận cùng các trắc thủ đặt bệ phóng tại Cổ Loa, huyện Đông Anh đã bắn rơi tại chỗ máy bay chiến lược B.52G mang số hiệu 52122001, bắt sống giặc lái trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Theo đại tá Dương Đình Thảo, đây là lần đầu tiên trên thế giới máy bay chiến lược B.52, niềm tự hào của đế quốc Mỹ bị bắn rơi tại chỗ và bắt sống được giặc lái, chiến công đầu tiên cổ vũ tinh thần cho quân và dân thủ đô viết tiếp những chiến công trong chiến dịch 12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972.

Sau chiến công vang dội đó, các tiểu đoàn hỏa lực của trung đoàn thi đua lập công, bắn rơi B.52 tại chỗ. Kết thúc chiến dịch, Trung đoàn Tên lửa 261 đã bắn rơi 13 máy bay chiến lược B.52, trong đó có 8 chiếc rơi tại chỗ, bắn rơi 1 máy bay F4, 1 trực thăng cứu giặc lái trên hồ Đại Lải(Vĩnh Phúc).

Cùng các lực lượng khác, Trung đoàn Tên lửa 261 đã góp công lớn đập tan cuộc tập kích bằng đường không chiến lược của đế quốc Mỹ tháng 12/1972, làm nên chiến thắng 12 ngày đêm “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”.  

Minh Hưng