Chủ nhật, 12/05/2024, 14:13[GMT+7]

Hệ thống thư viện cơ sở góp phần nâng cao văn hóa đọc ở nông thôn

Thứ 6, 05/01/2018 | 14:43:11
2,537 lượt xem
Các thư viện ngày một phát triển và hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến kiến thức..., phục vụ tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí cho cán bộ, nhân dân. Hàng năm, các thư viện đã triển khai và khai thác vốn tài liệu hiện có của thư viện, phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của người đọc.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Để thực hiện được mục tiêu này, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm thông tin cho người dân nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tế đã khẳng định: thư viện là một thiết chế văn hóa có vai trò quan trọng góp phần nâng cao dân trí, làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện. 

Trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện, tủ sách cơ sở là cấp cuối cùng, bao gồm: thư viện huyện, thư viện xã, tủ sách cơ sở do thôn làng, cụm dân cư thành lập với các chức năng văn hóa, thông tin, giáo dục và giải trí. Nhiều năm qua, mạng lưới thư viện, tủ sách cơ sở trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp tích cực vào thành tích của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và xây dựng nông thôn mới.

Toàn tỉnh có 8 thư viện huyện, thành phố, hoạt động dưới sự quản lý trực tiếp của trung tâm văn hóa, thể thao các huyện, thành phố, sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh. Các thư viện ngày một phát triển và hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến kiến thức..., phục vụ tốt nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí cho cán bộ, nhân dân. Hàng năm, các thư viện đã triển khai và khai thác vốn tài liệu hiện có của thư viện, phục vụ tốt nhu cầu ngày càng cao của người đọc. 

Hệ thống thư viện huyện, thành phố hiện có trên 100.000 bản sách, gần 200 đầu báo, tạp chí; mỗi năm thu hút gần 60.000 lượt bạn đọc và phục vụ khoảng 300.000 lượt sách, báo. Điều này khẳng định văn hóa đọc ở các địa phương trong tỉnh vẫn được duy trì và có sự phát triển.

Ngoài phục vụ bạn đọc tại chỗ và luân chuyển sách, báo xuống thư viện cơ sở, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, thư viện huyện, thành phố đã làm tốt công tác tổ chức các hoạt động tuyên truyền thông qua việc trưng bày sách, triển lãm tranh, ảnh theo các chủ đề, hình thức khác nhau mừng Đảng, mừng xuân, nhân các ngày lễ trọng đại, các sự kiện chính trị của địa phương và của đất nước; tăng cường hoạt động tuyên truyền về biển, đảo; tích cực triển khai công tác quần chúng, được các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân nhiệt tình ủng hộ như việc tổ chức giao lưu văn hóa đọc, mời diễn giả về nói chuyện, tọa đàm cùng độc giả và nhân dân địa phương về các chủ đề như chung tay xây dựng nông thôn mới, nuôi dạy con thành tài, hiếu thảo, hiếu học, đọc sách để làm giàu, hình tượng người chiến sĩ trong văn học... Đến nay, 8/8 thư viện huyện, thành phố đã tổ chức các cuộc giao lưu, thu hút hàng vạn người tham gia.

Đặc biệt, hội thi thiếu nhi tuyên truyền, giới thiệu sách hè đã trở thành hoạt động thường niên, có sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, nhất là phòng giáo dục và đào tạo, các nhà trường, cha mẹ và các em học sinh. Qua hội thi nhằm duy trì và phát triển phong trào đọc sách, báo sâu rộng trong thiếu nhi, học sinh, hướng dẫn phương pháp, kỹ năng đọc sách, củng cố, mở rộng kiến thức và giải trí an toàn, lành mạnh, phát triển tư duy, rèn kỹ năng tóm tắt, năng khiếu kể chuyện cho thiếu nhi địa phương.

Trong hoạt động của hệ thống thư viện cơ sở không thể không nói đến vai trò của thư viện cấp xã và các tủ sách thôn làng - một trong những yếu tố làm nên thành công của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hiện nay, nhu cầu hưởng thụ sách, báo của nhân dân trong tỉnh, nhất là nhân dân vùng nông thôn là rất lớn. Vì vậy, hướng về cơ sở, đưa sách, báo về phục vụ nhân dân ở mọi làng xã trên địa bàn được Thư viện Khoa học tổng hợp tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, được tiến hành thường xuyên nhằm thực hiện tốt mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao dân trí, đẩy lùi tai nạn giao thông, các tệ nạn trong xã hội, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện nay số thư viện xã và tủ sách thôn làng còn khá khiêm tốn. Hầu hết các thư viện hoạt động có hiệu quả đều thuộc các xã đã về đích nông thôn mới như Thanh Tân (Kiến Xương), Độc Lập, Tiến Đức (Hưng Hà), Nam Cường (Tiền Hải).

Ngày 12/12/2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 81/KH-UBND về triển khai thực hiện đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu làm cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức được ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của văn hóa đọc (xuất bản phẩm in và điện tử), đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn tỉnh. 

Với sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Thư viện, UBND tỉnh, của lãnh đạo các cấp, các ngành, sự nhiệt huyết của cán bộ thư viện, tin tưởng rằng trong thời gian tới hệ thống thư viện cơ sở trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước phát triển hơn, phục vụ người dân có hiệu quả hơn, giúp họ có cơ hội và điều kiện học tập suốt đời, góp phần tích cực xây dựng xã hội học tập cũng như xây dựng nông thôn mới.

          Lê Thị Thanh

        (Thư viện KHTH tỉnh)