Thứ 7, 18/05/2024, 16:14[GMT+7]

Tập trung phát triển hạ tầng đô thị

Thứ 3, 23/01/2018 | 10:04:54
3,754 lượt xem
Những năm qua, Thái Bình đã có bước phát triển đồng bộ, đặc biệt trong công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị. Đây là tiền đề thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tạo đòn bẩy phát triển kinh tế đồng thời tạo ra cơ hội đầu tư, thu hút nguồn lực.

Thành phố Thái Bình phấn đấu trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trước năm 2020.

Chương trình phát triển đô thị tỉnh Thái Bình đến năm 2020 được UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 1773/QĐ-UBND ngày 4/7/2016. Mục tiêu của chương trình nhằm xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại; rà soát, bổ sung, nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển đô thị, từng bước hình thành hệ thống đô thị xanh, chú trọng phát triển đô thị xanh là động lực phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, đánh giá thực trạng đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống đô thị của tỉnh; nâng cao chất lượng cuộc sống dân cư, diện mạo kiến trúc cảnh quan các đô thị theo hướng văn minh, hiện đại...

Hết năm 2017, tỷ lệ đô thị hóa của Thái Bình đạt 16,4%. Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 25,4m2 sàn/người, trong đó đô thị đạt khoảng 31m2 sàn/người, nông thôn đạt khoảng 24msàn/người. Đến năm 2020, Thái Bình phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa đạt 32,8%, bao gồm 1 đô thị loại I là thành phố Thái Bình; 5 đô thị loại IV là thị xã Diêm Điền, thị xã Tiền Hải, thị trấn Vũ Thư, thị trấn An Bài, thị trấn Hưng Nhân; 9 đô thị loại V là thị trấn Thanh Nê, thị trấn Đông Hưng, thị trấn Quỳnh Côi, thị trấn Hưng Hà, đô thị Nam Trung, đô thị Vũ Quý, đô thị Thái Ninh và hai đô thị mới là đô thị Tiên Hưng và đô thị Đông Quan.

Khu đô thị Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình).

Để đạt được mục tiêu trên, Thái Bình sẽ tập trung vào các giải pháp như: chính sách về quản lý phát triển đô thị, quy hoạch, nhà ở, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại, nhân lực và nguồn lực đầu tư phát triển đô thị, giải pháp văn hóa - xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị... 

Trong đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý phát triển đô thị, từ công tác nghiên cứu cơ bản đến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch các cấp. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp về hiện trạng phát triển đô thị cấp tỉnh và địa phương, đồng thời ban hành bộ tiêu chí đô thị. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị hiện hữu cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đô thị. Tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, các thị trấn, các khu vực có khả năng phát triển hoặc có khả năng kêu gọi và thu hút nguồn vốn đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh...

Khu đô thị Petro Thăng Long (thành phố Thái Bình).

Hiện nay, mạng lưới đô thị trong tỉnh đã và đang được mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển về kinh tế - xã hội. Công tác lập quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết từng bước được quan tâm, chú trọng. Đây chính là cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án, chỉnh trang, phát triển đô thị, quản lý trật tự đô thị, thu hút các dự án đầu tư góp phần phát triển kinh tế - xã hội. 

Để đẩy mạnh công tác quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, tạo bước đột phá trong phát triển đô thị, trong thời gian tới Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng mới, mở rộng các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư và một số trục đường giao thông. Tăng cường công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch như: quy hoạch chung xây dựng thành phố Thái Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện nâng cấp đô thị Diêm Điền, Tiền Hải đạt đô thị loại IV, quy hoạch mở rộng thị trấn Vũ Thư đạt tiêu chí đô thị loại IV, mở rộng, phát triển một số đô thị mới... Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng sẽ cùng với các ngành, địa phương tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại, tiên tiến; tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương đồng thời phát huy mọi nguồn lực để triển khai thực hiện nhanh các dự án. 

Trong tương lai không xa, Thái Bình sẽ phấn đấu trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại, kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trung tâm thương mại, dịch vụ chất lượng cao và là vùng nông nghiệp hiện đại, phát triển cân bằng và bền vững.

Phạm Hưng