Thứ 7, 18/05/2024, 23:11[GMT+7]

Trồng rau không cần đất

Thứ 2, 05/02/2018 | 08:37:05
1,290 lượt xem
Đam mê với nghề nông, anh Bùi Văn Vinh, thôn Hải Long, xã Đông Hoàng (Tiền Hải) đã từ bỏ công việc của một y sĩ để xây dựng mô hình trồng rau thủy canh tại địa phương. Với diện tích 1.000m2, bước đầu mô hình cho hiệu quả gấp 4 lần so với phương pháp trồng rau truyền thống.

Mô hình trồng rau thủy canh của anh Bùi Văn Vinh, xã Đông Hoàng (Tiền Hải).

Khát vọng làm giàu trên chính đồng đất quê hương, muốn tìm hướng đi mới trong phát triển nguồn rau sạch, anh Vinh đã mạnh dạn mua lại mảnh đất bỏ hoang để trồng rau thủy canh. Để thực hiện niềm đam mê của mình, anh đi tham quan một số mô hình trồng rau thủy canh ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh) và tự trau dồi kiến thức qua những mô hình trên mạng. 

Anh Vinh chia sẻ: Trước nhu cầu của người tiêu dùng về nguồn rau sạch, tôi đã quyết định tìm hướng đi mới thay vì trồng các loại rau theo phương pháp truyền thống. So với việc trồng theo phương pháp thủ công như nhiều người dân địa phương vẫn làm, trồng rau thủy canh có nhiều ưu điểm hơn. 

Ngoài việc có thể thu hoạch nhiều vụ/năm, chủ động được mùa vụ, ít sâu bệnh và tỷ lệ sống cao, trồng rau bằng phương pháp thủy canh còn giảm sức lao động và tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nông dân. Người trồng rau chỉ mất chi phí đầu tư ban đầu để lắp đặt hệ thống tưới nước tự động và máy lọc nước theo tiêu chuẩn RO. Hiện nay, với 1 vạn cây rau trên diện tích 1.000m2, mỗi ngày tôi chỉ cần hòa dung dịch dinh dưỡng vào bể chứa nước đã lọc rồi bơm lên hệ thống ống dẫn nước. Nguồn nước chứa chất dinh dưỡng được bơm vào các đầu ống trồng và luân chuyển cho tới cuối ống. Mỗi giờ, hệ thống tự động bơm nước 1 lần. Do lắp đặt hệ thống nhà lưới có lót nilon, rau không trồng qua đất nên ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và các yếu tố khắc nghiệt của thời tiết.

Với rau thủy canh, yếu tố quan trọng nhất để sinh trưởng và phát triển tốt là nguồn nước và chế độ dinh dưỡng. Để kiểm tra nguồn dinh dưỡng cho cây, anh Vinh dùng bút đo nồng độ dinh dưỡng hàng ngày. Anh Vinh cho biết thêm: Mỗi loại rau ở từng giai đoạn cây con, cây trưởng thành và cây chuẩn bị thu hoạch lại cần một chế độ dinh dưỡng khác nhau. Vì thế, phải thường xuyên kiểm tra để đảm bảo cây được cung cấp đủ dinh dưỡng. Trên diện tích 1.000m2, anh Vinh trồng các loại giống cây nhập ngoại như: xà lách tím của Ý, xà lách cuộn  Israel, rau muống, cà chua… Sau hơn 1 tháng, một số loại rau đã cho thu hoạch. Cứ 10 triệu đồng tiền giống cho thu về 40 triệu đồng. Hiện rau mới đủ cung cấp cho người dân địa phương và một số khách hàng ở thành phố Thái Bình.

Để rau có vị ngọt, anh Vinh đã phải trải qua nhiều vất vả, thử thách, thậm chí là thua lỗ do chưa nắm vững kỹ thuật. Một số hạt rau không nảy mầm vì lượng nước tưới dư thừa. Rau phát triển chậm bởi không đủ dinh dưỡng… Khó khăn không nản chí bởi số vốn đầu tư đã lên tới gần 500 triệu đồng, anh Vinh tiếp tục tìm hiểu trên các phương tiện thông tin để tìm hướng giải quyết. Nhằm giảm chi phí trong quá trình ươm giống, thay vì dùng xơ dừa, anh đã thử nghiệm gieo hạt trên mút và thành công với tỷ lệ nảy mầm đạt trên 95%. Mỗi hốc cây giống anh đã tiết kiệm được 500 đồng.

Rau mầm trước khi đưa vào trồng bằng phương pháp thủy canh.

Thành công bước đầu đã tiếp thêm động lực để anh Vinh vươn tới những khát vọng xa hơn. Anh dự định sẽ mở rộng thêm diện tích 1.500m2 trồng các loại cây cho củ, quả. 

Ông Hồ Văn Hóa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Hoàng cho biết: Những năm gần đây, nhiều nông dân trong xã áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong số đó có anh Bùi Văn Vinh. Anh đã mạnh dạn mua lại mảnh đất bỏ hoang phát triển mô hình trồng rau thủy canh, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp, góp phần đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi trong xã. Hy vọng, người dân trong xã sẽ có thêm những mô hình phát triển kinh tế mới, hiệu quả, từng bước nâng cao đời sống và làm giàu cho quê hương.

Hoàng Lanh


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày