Thứ 6, 17/05/2024, 12:44[GMT+7]

Tích đất làm giàu

Thứ 5, 08/02/2018 | 16:14:41
596 lượt xem
Cùng chung ước mơ làm giàu từ đất, nhiều người dân trên địa bàn huyện Hưng Hà đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và đưa những giống cây, con mới vào sản xuất. Từ đó tạo sinh khí mới cho đồng ruộng đồng thời mang lại nguồn lợi kinh tế cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Trước đây, khu đất bãi rộng 145,6ha ven sông Hồng thuộc địa phận xã Hồng An là diện tích đất canh tác của hơn 2.000 hộ dân. Do diện tích manh mún, nhỏ lẻ rất khó khăn trong việc cơ giới hóa và đầu tư sản xuất tập trung nên người dân chủ yếu trồng ngô, khoai làm thức ăn chăn nuôi, vì vậy hiệu quả kinh tế không cao. Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất trong sản xuất nông nghiệp, các hộ dân đã tích cực dồn điền đổi thửa, tham gia tích tụ ruộng đất, chuyển đổi sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung. 

Điển hình như gia đình anh Bùi Đình Hiếu đã tham gia tích tụ 6ha đất bãi của 110 gia đình, chuyển sang trồng các loại cây ăn quả đặc sản và sản xuất cây giống. Anh Hiếu cho biết: Thực hiện mô hình chuyển đổi từ năm 2014, đến nay trang trại trồng được 3.000 gốc ổi lê, 3.000 cây cam đường canh và cam Vinh, 1.000 cây bưởi da xanh, 1.000 cây táo Thái và 20 vạn cây giống các loại. Bên cạnh đó, khu chuồng trại nuôi gần 1 vạn con gà thương phẩm, nguồn chất thải được tận dụng làm phân bón cho cây trồng. Trang trại tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân từ 3 - 7 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, trang trại thu lãi từ 1 - 1,5 tỷ đồng/năm.

Ông Bùi Hữu Nhàn, Bí thư Đảng ủy xã Hồng An cho biết: Khi bắt tay vào thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, một số hộ dân vẫn còn tư tưởng giữ ruộng khiến cho quá trình tích tụ ruộng đất gặp khó khăn. Cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương đã vào cuộc tuyên truyền, vận động những hộ còn nhu cầu sử dụng đất chuyển sang một vùng sản xuất tập trung, những hộ không còn nhu cầu sử dụng đất sẽ dồn đổi, tạo điều kiện cho các tập thể, cá nhân thuê đất để thực hiện mô hình chuyển đổi. Kết quả, từ vùng đất bãi với hàng nghìn hộ canh tác nay được dồn đổi cho 36 hộ; bình quân mỗi hộ từ 2 - 7ha. Các hộ đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đa số trồng các giống cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như chuối tiêu hồng, ổi, bưởi, cam, chanh… tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào cung cấp cho thị trường, mang lại nguồn thu cho gia đình và địa phương. Đối với những hộ nhượng đất không chỉ được trả tiền thuê đất hàng năm mà còn được tuyển dụng làm công nhân nông nghiệp hoặc lao động trong các khu công nghiệp với thu nhập ổn định. Hiện nay, các mô hình chuyển đổi trên vùng đất bãi tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 300 lao động, góp phần cải thiện đời sống người dân địa phương.

Trang trại của gia đình anh Bùi Đình Hiếu ở xã Hồng An (Hưng Hà) vào mùa thu hoạch cam canh.

Cùng chung niềm đam mê với đồng ruộng, anh Bùi Văn Vũ ở thôn Minh Thành, xã Hồng Minh cũng tham gia tích tụ ruộng đất và trở thành ông chủ của vùng đất rộng 20ha. 

Anh Vũ cho biết: Xót xa trước tình trạng bà con canh tác không hiệu quả và để đất hoang hóa, năm 2015 tôi đứng ra thuê lại 2ha đất chuyên màu để chuyển sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như bí xanh, bí đỏ, cải bắp, khoai tây. Bình quân mỗi năm trồng được 2 vụ bí, 1 vụ cải bắp, 1 vụ khoai tây, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 150 triệu đồng/ha. Đến đầu năm 2017, tôi tích tụ thêm 18ha đất hai lúa canh tác kém năng suất của bà con trong vùng. Vụ xuân và vụ mùa tiếp tục cấy lúa; bước vào vụ đông tôi đầu tư 500 triệu đồng làm đất, mua hạt, cây giống để trồng 8ha cây khoai tây, 6ha ngô ngọt, diện tích còn lại trồng các loại rau màu. Dự kiến vụ đông năm nay cho tổng thu 800 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng. Tôi mong muốn tỉnh, huyện, địa phương tiếp tục có những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ kịp thời để giúp những hộ tích tụ ruộng đất như chúng tôi có điều kiện thuận lợi đầu tư phát triển sản xuất.

Ông Vũ Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà cho biết: Những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã có nhiều gia đình tự nguyện cho mượn, thuê lại ruộng, quy vùng thâm canh để sản xuất hàng hóa tập trung. Đến hết năm 2016, toàn huyện có 25 xã, thị trấn với 466 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia tích tụ ruộng đất với tổng diện tích 571,3ha (chiếm 5% tổng diện tích canh tác). Qua kiểm tra thực tế, hầu hết diện tích đất tích tụ được chuyển sang các mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao cho cả người cho thuê và người thuê, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn huyện. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chuẩn bị vùng sản xuất quy mô lớn từ 500ha trở lên cho doanh nghiệp thuê lại để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, UBND huyện đã chọn địa điểm để quy hoạch vùng sản xuất tập trung khoảng 500ha. Cụ thể: vùng thứ nhất gồm các xã Điệp Nông, Hùng Dũng, Duyên Hải, Dân Chủ; vùng thứ hai gồm các xã Văn Lang, Minh Hòa, Độc Lập, Kim Trung. Kết quả, đến tháng 5/2017 đã có 3.230 gia đình đồng ý cho doanh nghiệp thuê (nếu thỏa thuận được giá thuê giữa hai bên) với diện tích khoảng 259,7ha.

Tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của tỉnh. Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở Hưng Hà tiếp tục tuyên truyền khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất, đầu tư máy móc vào sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, đưa các giống cây, con cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào thâm canh tại các khu vực chuyển đổi. Huyện cũng sẽ thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo đúng quy định để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mở rộng quy mô tích tụ ruộng đất, yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

Thanh Hà

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày