Thứ 6, 10/05/2024, 16:56[GMT+7]

Du lịch Thái Bình mong chờ thức giấc

Thứ 6, 09/02/2018 | 09:47:01
1,235 lượt xem
Không có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hạ Long, Tràng An hay Phong Nha Kẻ Bàng… nhưng có 56km bờ biển với một số bãi biển còn giữ nguyên được vẻ hoang sơ như Đồng Châu, cồn Vành, cồn Đen cùng hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa phong phú như chùa Keo, đền Trần, đền Đồng Bằng…, theo đánh giá, du lịch Thái Bình hoàn toàn có cơ hội phát triển nếu có chiến lược đầu tư phù hợp.

Điểm du lịch tự phát lên ngôi, du lịch truyền thống ít đột phá

Những ngày cuối năm, mặc cho thời tiết rét lạnh nhưng cánh đồng hoa ở Hồng Lý (Vũ Thư) vẫn thu hút đông các bạn trẻ từ nhiều tỉnh, thành phố đến khám phá, trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên sắc màu. 50ha hoa cải nhuộm một màu vàng rực, ngút ngát, khoe sắc dưới nắng mùa đông không khỏi làm say lòng các vị khách phương xa. 

Ông Trần Xuân Chính, Chủ tịch UBND xã Hồng Lý cho biết: Cánh đồng hoa cải ở Hồng Lý đã có từ lâu bởi cải là cây truyền thống của nông dân địa phương. Nông dân Hồng Lý trồng cải như nông dân các nơi khác trồng dưa, trồng khoai chứ chưa nghĩ sẽ trồng cải để làm du lịch. Mấy năm gần đây, cánh đồng hoa cải thu hút đông các bạn trẻ trong và ngoài tỉnh đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh lưu niệm. Nắm bắt thời cơ này, xã đã quy hoạch, vận động nông dân dịch chuyển các cây trồng xen cải, mở rộng diện tích cánh đồng cải, đầu tư tu bổ đường giao thông nội đồng và thực sự đã đem lại hiệu quả khi số lượng du khách đến Hồng Lý tăng cao trong năm 2017. Điều này cũng mở ra trong suy nghĩ của chính quyền và nhân dân địa phương một hướng phát triển kinh tế mới đó là sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch cộng đồng.

Cùng với cánh đồng hoa cải ở Hồng Lý, một số điểm đến khác trong tỉnh cũng thu hút sự quan tâm của giới trẻ trong và ngoài tỉnh trong mùa đông này là vườn táo các cụ (xã Bình Minh, huyện Kiến Xương) và cánh đồng cỏ lau (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy). Cũng giống như cánh đồng hoa cải ở Hồng Lý, cả hai điểm đến lý thú này đều đã tồn tại khá lâu, không nhờ đầu tư cao nhưng vẫn thu hút du khách một cách bất ngờ, vượt khỏi suy nghĩ của những người trong cuộc. Sự thu hút này có lẽ đều xuất phát từ sự “độc”, “lạ” ở mỗi điểm đến.

Khác với sự “nổi lên” bởi sự “độc”, “lạ” của những điểm du lịch tự phát, các điểm du lịch truyền thống trong tỉnh dường như ít có sự đột phá. Ngoại trừ hai sự kiện lễ hội chùa Keo, lễ hội đền Đồng Bằng được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, các điểm du lịch trong tỉnh ít có sự đột phá. Năm 2017, số lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt 643.000 lượt khách, khách quốc tế ước đạt 5.600 lượt khách. Số lượng khách du lịch đến với Thái Bình thời gian qua có tăng nhưng so với mặt bằng chung trong vùng và cả nước vẫn đạt thấp. 

Theo đánh giá của ngành du lịch, đến năm 2015, du lịch Thái Bình đứng thứ 10/11 tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 46/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Thi têm trầu cánh phượng tại lễ hội chùa Keo.


Thi gói bánh chưng trong lễ hội truyền thống đền Trần.

Giải pháp cho phát triển du lịch

Mặc dù có hệ tài nguyên đa dạng bao gồm cả du lịch sinh thái biển, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng song khó khăn cho sự đột phá trong phát triển du lịch của Thái Bình là các điểm du lịch chưa thực sự đặc sắc, nổi bật; điểm xuất phát, hoạt động quảng bá, quản lý du lịch của tỉnh còn nhiều hạn chế; công tác xã hội hóa trong xây dựng sản phẩm du lịch, dịch vụ còn yếu. Bên cạnh đó, có một nguyên nhân không nhỏ là sự đầu tư cho phát triển du lịch chưa thực sự được quan tâm do chưa thực sự tin tưởng Thái Bình có khả năng phát triển được du lịch.

Tín hiệu vui đối với ngành du lịch là ngày 29/7/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 36/2017/QĐ-TTg về việc thành lập khu kinh tế Thái Bình bao gồm các khu chức năng trong đó có khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Ngày 28/7/2017, Tỉnh ủy đã có Thông báo số 334-TB/TU về việc thống nhất chủ trương quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 8/12/2017, HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 25/2017/NQ-HĐND phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến 2030. Với định hướng phát triển du lịch bảo đảm theo hướng bền vững, hiệu quả, chuyên nghiệp…, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch…, mục tiêu tỉnh đề ra đối với phát triển ngành du lịch là phấn đấu đến năm 2030, du lịch Thái Bình trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cùng với mục tiêu tăng nguồn thu về du lịch, tỉnh cũng đặt ra mục tiêu về việc phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao trên cơ sở hoàn chỉnh khu di tích đền thờ và lăng mộ các vị vua triều Trần và khu di tích chùa Keo thành điểm du lịch quốc gia, đồng thời đầu tư phát triển các khu du lịch sinh thái cồn Vành, cồn Đen và các khu du lịch cộng đồng, trải nghiệm.

Bãi biển cồn Vành.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Để triển khai thực hiện Thông báo của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch tổ chức triển khai, thông tin rộng rãi về nội dung của quy hoạch để các địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân chủ động có kế hoạch đầu tư và thu hút đầu tư. Trong năm tới, Sở cũng đã có kế hoạch xây dựng website riêng về du lịch, tổ chức cuộc thi ảnh du lịch, xuất bản tờ rơi quảng cáo các điểm du lịch trong tỉnh góp phần thúc đẩy hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh. Với các điểm du lịch cộng đồng như Bách Thuận, điểm du lịch mới nổi như Hồng Lý, Sở cũng tăng cường hướng dẫn, quản lý ví dụ như triển khai xây dựng đề án du lịch cộng đồng tại Bách Thuận, tham mưu tỉnh, huyện, địa phương đầu tư xây dựng đường giao thông, thành lập hợp tác xã liên kết các hộ gia đình để đưa hoạt động du lịch cộng đồng tại Hồng Lý đi vào nền nếp, chuyên nghiệp, phát huy lợi thế của cánh đồng hoa cải.

Cánh đồng cỏ lau xã Thái Đô, huyện Thái Thụy - điểm đến mới của giới trẻ.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng doanh thu từ ngành du lịch năm 2017 toàn tỉnh ước đạt 248 tỷ đồng. Nếu so sánh với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh thì trong 3 năm tới, tổng doanh thu từ ngành du lịch cần gấp hơn 3 lần; đến năm 2025 gấp 8 lần và đến năm 2030 gấp hơn 11 lần so với năm 2017. Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều cấp, ngành. Không có đường giao thông thuận lợi nhưng vẫn thu hút du khách đến với cánh đồng hoa ở Hồng Lý. Hoàn toàn hoang sơ, tự nhiên nhưng vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ, đó là cánh đồng cỏ lau ở Thái Đô. Mặc dù đây chỉ là những điểm đến nhỏ, tự phát song qua sự nổi lên của một số điểm đến mới này có thể sẽ là gợi ý mới trong giải quyết bài toán phát triển du lịch. Các bãi biển cồn Vành, cồn Đen của Thái Bình còn rất hoang sơ, đây là một hạn chế song trước xu hướng tìm về sự hoang sơ của thiên nhiên thì đây cũng đang là một lợi thế của Thái Bình. Điều quan trọng là chúng ta sẽ biến hạn chế thành lợi thế như thế nào và thực hiện chiến lược đầu tư ra sao trong phát triển du lịch.

Trần Thu Hương