Thứ 2, 20/05/2024, 05:47[GMT+7]

Lễ hội đền Trần Thái Bình - Nét đẹp văn hóa trên vùng đất cổ

Thứ 2, 26/02/2018 | 09:13:55
6,262 lượt xem
Lễ hội đền Trần Thái Bình (làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) hàng năm là dịp để du khách vãn cảnh, thăm, tưởng nhớ và tìm hiểu rõ hơn về công lao, sự phát triển rực rỡ của vương triều Trần.

Lâu nay du khách đều biết đến quê lúa Thái Bình - nơi có các lễ hội truyền thống và những công trình văn hóa đặc sắc. Điểm hẹn du khách không nên bỏ qua khi tới đây là quần thể di tích khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Vùng đất Long Hưng (nay là huyện Hưng Hà) ngay từ đầu thế kỷ thứ XIII đã được nhà Trần chọn làm nơi dựng nghiệp. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu lục... đều ghi rõ: “Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ XII, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Định) và Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá. Thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha đến vùng đất Thái Đường (nay là xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) định cư, trồng lúa nước, phát triển nông tang. Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp, nơi khởi nguồn trực tiếp của triều đại nhà Trần - nhà nước phong kiến thịnh trị, hùng mạnh bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Thi gói bánh chưng...

Khi đã thành vương triều Trần, vùng đất này được chọn làm nơi xây dựng các đền thờ, lăng tẩm của hoàng tộc nhà Trần. Các vị vua khai sáng nhà Trần đều được sinh ra tại đây, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp. Vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà hôm nay không chỉ là nơi giữ gìn long mạch giúp vương triều Trần hưng vượng mà còn là hậu cứ hiểm yếu luyện binh khiển tướng, tích lũy lương thảo, chế tạo vũ khí, phụ trợ đắc lực cho công cuộc nuôi quân đánh giặc. Cả 3 lần kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược, mảnh đất Long Hưng - Hưng Hà đều là nơi nhà Trần chọn làm căn cứ quan trọng để tập hợp quân sĩ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo. Sau 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, các vua Trần và hoàng tộc đều ngự giá về vùng đất cố hương, tổ chức đại lễ bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ và ăn mừng chiến thắng. Đây cũng là nơi yên nghỉ của các liệt tổ nhà Trần, của Thái tổ Trần Thừa và ba vị vua đầu triều Trần.

Thi vật cầu...

Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình - còn gọi là Thái Đường Lăng với một tổng thể kiến trúc rộng lớn là nơi thờ tự các vua Trần, thờ Đức Thánh Trần, các hoàng hậu, hoàng thân quốc thích nhà Trần. Quần thể kiến trúc đền thờ các vị vua triều Trần có diện tích hơn 32ha, hướng kiến trúc quay về phương Nam. Phía trước có 3 gò ấn kiếm, đấy là Chiêu lăng, Dụ lăng và Đức lăng, phía sau tựa vào thôn Tam Đường. Năm 1999, đền thờ các vị vua triều Trần được xây dựng uy nghi, bề thế. Cổng đền kiểu tam quan cuốn vòm, mái chảy chồng diêm hai tầng, đao song loan cách điệu. Qua cổng đền, sân đền là tòa bái đường. Qua tòa bái đường là sân chầu, nơi diễn ra các hoạt động dâng hương, tế lễ. Tòa đệ nhị là công trình kết nối tòa bái đường và sân chầu. Kết nối tòa bái đường, sân chầu, tòa đệ nhị là tòa hậu cung rộng khoảng 90m2. Đây là nơi thờ linh vị cụ Trần Kinh, Trần Hấp, Trần Lý, Thánh tượng Trần Thừa, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung - những người có công lao khai sinh ra vương triều Trần.

Ngày 27/1/2014, lễ hội đền Trần Thái Bình được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với nhiều nghi lễ, phong tục độc đáo đậm nét văn hóa thời Trần như lễ rước nước, lễ giao chạ, thi cỗ cá thời Trần, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ... Lễ hội đền Trần Thái Bình được tổ chức tại khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần diễn ra từ ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng hàng năm. 

Bà Đinh Thị Hội, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) cho biết: Cứ đến khai hội đền Trần Thái Bình là tôi lại cùng con cháu đến với lễ hội. Đến với lễ hội đền Trần Thái Bình, điều mà chúng tôi cảm nhận rõ nhất đó là cảnh quan môi trường sạch đẹp, lễ hội luôn có rất nhiều trò vui, độc đáo và cuốn hút người xem như chọi gà, đấu võ, thi thả diều, thi nấu cơm, rước kiệu...

Thi pháo đất tại lễ hội đền Trần Thái Bình.

Đặc biệt, hoạt động thu hút được sự quan tâm của hàng nghìn người dân và mang tính truyền thống là lễ rước nước để nhắc lại thuở xưa tổ tiên nhà Trần sống bằng nghề chài lưới. Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức lễ tế mở cửa đền, lễ bái yết, tế mộ trong không khí linh thiêng, tôn kính. Những năm gần đây, lễ hội đền Trần Thái Bình bên cạnh các hoạt động văn hóa truyền thống còn có thêm nét văn hóa mới là tổ chức ngày thơ Việt  Nam. Để bảo đảm công tác an ninh, an toàn lễ hội đền Trần Thái Bình nói riêng và mùa lễ hội năm 2018 nói chung trên địa bàn, lực lượng công an đã được tăng cường, nhất là trong ngày khai hội, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy, gây tắc nghẽn giao thông, hiện tượng gây rối, mất trật tự công cộng. 

Ông Lê Quốc Định, một du khách đến từ Hải Phòng cho biết: Trong những ngày lưu lại lễ hội, tôi thấy lực lượng công an luôn thường trực kiểm tra và giải quyết các sự việc phát sinh nên rất yên tâm.

Được biết, huyện Hưng Hà còn chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra sát sao công tác phòng, chống cháy, nổ; tiểu ban an ninh thường xuyên kiểm tra an toàn đường điện, không để xảy ra tình trạng chập, cháy, nổ gây gián đoạn các hoạt động tại lễ hội. Ngoài ra, khu vực nội tự đền được bố trí lực lượng vệ sinh, thường xuyên thu nhặt vàng hương và bao sái ban thờ. Trong khuôn viên di tích và các con đường dẫn vào đền được bố trí thùng đựng rác ở những vị trí phù hợp nhất, giúp du khách có thể dễ dàng bỏ rác đúng nơi quy định. Những hoạt động đó đã góp phần để du khách tham dự lễ hội đền Trần Thái Bình được tận hưởng cảm giác thư thái, thoải mái, không bị gây phiền hà bởi những hoạt động tín ngưỡng mang yếu tố mê tín dị đoan, góp phần tôn vinh giá trị của lễ hội, tạo được ấn tượng đẹp đối với du khách.

Theo phong tục cổ truyền, ngày 13 tháng Giêng hàng năm là ngày khai mạc tổ chức lễ hội đền Trần Thái Bình. Ý nghĩa hơn, lễ hội năm 2018 cũng là dịp kỷ niệm 730 năm quân dân nhà Trần chiến thắng quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ ba. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân Thái Bình, đồng bào và du khách thập phương về thắp nén tâm nhang tưởng niệm và tỏ lòng tri ân các vị vua triều Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng hoàng thân quốc thích nhà Trần. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, khơi dậy tinh thần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong mỗi người dân đất Việt.



Đồng chí Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

Là vùng đất địa linh nhân kiệt, nhân dân Hưng Hà rất tự hào với bề dày truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương. Phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã nỗ lực phấn đấu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện có 32/33 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2015, Hưng Hà được công nhận là huyện nông thôn mới. Lễ hội đền Trần Thái Bình diễn ra hàng năm nhằm khẳng định và tôn vinh công lao dựng nước, giữ nước của nhà Trần trong tiến trình lịch sử Việt  Nam. Tổ chức lễ hội nhằm giữ gìn những giá trị truyền thống, trò chơi dân gian đặc sắc, riêng có của lễ hội đền Trần Thái Bình, tuyên truyền, giáo dục người dân, nhất là thế hệ trẻ lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của các thế hệ cha ông. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tiếp tục tìm tòi, khai thác và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Vũ Văn Ảnh, Trưởng Công an xã Tiến Đức (Hưng Hà)

Để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho lễ hội, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể cùng các lực lượng chức năng của xã, huyện đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả, giúp người dân và du khách an tâm trảy hội. Chúng tôi đã sớm xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự không chỉ trong dịp tết Nguyên đán mà còn bảo đảm an toàn trước, trong và sau lễ hội đền Trần Thái Bình. Địa phương đã huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ công an, quân sự tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông tại lễ hội. Lực lượng công an huyện cũng được tăng cường nhằm xử lý kịp thời các tình huống, vấn đề phát sinh. Địa phương cũng đã bố trí các bãi gửi xe để nhân dân yên tâm vui chơi tại lễ hội. Thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh dịch vụ trong khu vực lễ hội chấp hành nghiêm các quy định, không bán hàng lấn chiếm vỉa hè cũng như ép giá các mặt hàng.


Anh Vương Văn Hùng, Đông Anh (Hà Nội)

Gia đình tôi năm nào cũng về lễ hội đền Trần Thái Bình bởi lễ hội là dịp để khẳng định những giá trị lịch sử, văn hóa của nhà Trần. Chúng tôi đến lễ hội với mong muốn thể hiện đạo nghĩa hướng về cội nguồn cũng như mong muốn quần thể di tích này ngày càng được khôi phục, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, thực sự trở thành điểm đến du lịch văn hóa tâm linh, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và du khách thập phương.


Mai Thư