Thứ 2, 20/05/2024, 01:20[GMT+7]

Đầu năm đi lễ chùa Trường Sa

Thứ 2, 05/03/2018 | 09:05:01
1,793 lượt xem
Sự hiện diện của chùa Trường Sa là minh chứng cho tôn giáo, nhất là Phật giáo luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc.

Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống của mỗi người con đất Việt. Ở nơi cửa Phật linh thiêng, lòng người trở nên hướng thiện và cảm thấy thanh thản, bình yên. Với quân và dân trên đảo Trường Sa, đi lễ chùa ngày đầu năm mới không chỉ để cầu may, tìm sự bình an mà còn là để hướng về cội nguồn dân tộc.

Trường Sa ngày đầu năm mới, trong âm thanh dạt dào của sóng và gió biển, tiếng chuông chùa ngân lên rồi tan lẫn vào với sóng nước mênh mông khiến bất cứ ai cũng cảm thấy lòng mình như tĩnh lặng lại và dâng lên niềm xúc động tự hào.

Chùa Trường Sa uy nghi, trầm mặc, tọa lạc ngay trên thềm biển Đông. Một sự bình an, thân thuộc khó nói thành lời, khiến ai đặt chân đến cũng có cảm giác thân quen như đang bước vào ngôi chùa ở làng quê Việt Nam, bởi thế Trường Sa gần gũi, thân thương vô cùng.

Xen lẫn tiếng chuông chùa thiêng liêng, đều đặn vang lên mỗi sớm, đại đức Thích Tâm Tánh, trụ trì chùa Trường Sa tụng kinh, nguyện cầu cho quốc thái dân an, biển, cầu cho quân dân trên đảo được bình yên, gia đình hưng thịnh.

Không đông đúc như ở đất liền trong dịp đầu năm hoặc ngày rằm, mùng một, chùa Trường Sa ngày nào cũng nhẹ nhàng, gần gũi, ấm cúng với những người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Trong ngày đầu năm mới, sau khi chuẩn bị cơm cúng ông bà tổ tiên, người dân trên đảo lại chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất để đi chùa lễ Phật... 

Chị Phạm Thị Như Trinh, hộ dân số 4, thị trấn Trường Sa cho biết: Tôi và gia đình cũng như các hộ dân khác trên đảo luôn cảm thấy hạnh phúc và vinh dự khi được sống ở đảo. Ở ngoài đảo xa xôi, chúng tôi thường xuyên đến chùa để thắp hương hay đến quét dọn, làm việc công quả giúp nhà chùa. Mỗi ngày được nghe tiếng chuông chùa thân quen nên chúng tôi cảm thấy lòng mình thanh thản, thư thái, vơi đi nỗi nhớ đất liền.

Sự hiện diện của chùa Trường Sa là minh chứng cho tôn giáo, nhất là Phật giáo luôn đồng hành cùng với sự phát triển của dân tộc. Ở đâu có người dân sinh sống, ở đó có cuộc sống tâm linh hướng thiện. 

Trung tá Lương Quốc Anh, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết: Trên đảo có các công trình tâm linh như nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sa, chùa Trường Sa... có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. Điều đó thể hiện được nét văn hóa của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Đồng thời, thể hiện được đời sống tâm linh trong sáng, lành mạnh, tạo động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng đảo ngày càng mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường và có đời sống văn hóa quân sự gắn liền với văn hóa khu dân cư trên đảo.

Chính điện chùa Trường Sa.

Ngoài chùa Trường Sa, tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa hiện đã có nhiều ngôi chùa trên các đảo: Sơn Ca, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Phan Vinh... tất cả các ngôi chùa ở huyện đảo Trường Sa, chính điện đều hướng về Thăng Long - Hà Nội như tấm lòng của mọi người Việt Nam hướng về trái tim của cả nước, thể hiện khát vọng hòa bình bao đời nay của mỗi người dân đất Việt.

Người dân trên đảo cầu bình an, hạnh phúc trong năm mới.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa đi lễ chùa ngày đầu năm.

Đi lễ chùa đầu năm mới là hoạt động văn hóa tín ngưỡng quan trọng của người dân và cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa. Bởi ở giữa trùng dương sóng nước mênh mông, được thắp hương họ như được sống giữa đất liền. Nỗi nhớ quê hương vì thế cũng phần nào được bù đắp. Mỗi chiến sĩ, mỗi người dân ở đây như được tiếp thêm sức mạnh từ đất liền, để họ trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.

Nguyễn Thơi