Chủ nhật, 26/05/2024, 13:19[GMT+7]

Phòng, trừ bệnh đạo ôn hại lúa

Thứ 4, 28/03/2018 | 08:39:02
1,024 lượt xem
Bệnh đạo ôn thường xảy ra trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, sắp chín, chín sữa, đỏ đuôi. Việc cấy dày, bón thừa đạm vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông, chín hoặc ruộng thiếu nước giai đoạn sau trỗ là những nguyên nhân khiến cho bệnh đạo ôn phát triển, gây hại mạnh.

Nông dân xã Nguyên Xá (Đông Hưng) phun thuốc phòng, trừ bệnh đạo ôn cho lúa xuân.

Hiện nay, lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh, lúa sinh trưởng, phát triển tốt. Diễn biến thời tiết trong thời gian qua tạo thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển và gây hại.

Ở thôn Hồng Phong, xã Nguyên Xá (Đông Hưng), từ 2 - 3 ngày nay bà con nông dân nhộn nhịp xuống đồng phun thuốc trừ bệnh đạo ôn. 

Bà Nguyễn Thị Phượng cho biết: Lúa trên toàn bộ 1 mẫu ruộng của gia đình đang ở thời kỳ đẻ nhánh rộ đã bị nhiễm bệnh đạo ôn. Cách đây mấy ngày, tôi ra thăm đồng thì phát hiện lúa xuất hiện vết bệnh đạo ôn trên lá, lốm đốm ở vài khóm lúa nên đã mua thuốc về phun phòng, trừ. Bệnh diễn biến nhanh nên phải phun trừ kịp thời, tránh lây lan ra cả ruộng. Tôi đã phun xong 5 sào, hết chiều nay nữa là phủ kín diện tích ruộng nhà. Cũng may thời tiết mấy ngày qua tạnh ráo nên việc phun trừ đạt hiệu quả cao. 

Đến ngày 22/3, toàn huyện Đông Hưng có 412ha lúa xuân nhiễm đạo ôn, trong đó diện tích nhiễm nhẹ từ 5 - 10% là 285ha, nhiễm từ 10 - 20% là 127ha. Huyện đã có công văn gửi các địa phương hướng dẫn phòng, trừ bệnh đạo ôn theo nguyên tắc “4 đúng”: đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng nồng độ và đúng kỹ thuật.

Ở Hưng Hà, Tiền Hải, Thái Thụy, bệnh đạo ôn diễn biến phức tạp, trong đó Thái Thụy có 30ha trong tổng số 390ha lúa xuân nhiễm đạo ôn nặng trên 20%. Các địa phương này đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức phun thuốc phòng, trừ.

Bệnh đạo ôn thường xảy ra trong giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, sắp chín, chín sữa, đỏ đuôi. Việc cấy dày, bón thừa đạm vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, làm đòng, trỗ bông, chín hoặc ruộng thiếu nước giai đoạn sau trỗ là những nguyên nhân khiến cho bệnh đạo ôn phát triển, gây hại mạnh. Bệnh thường phát sinh mạnh ở vụ xuân, trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao, ban đêm có sương mù, mưa phùn liên tục trong nhiều ngày, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao. Ruộng gieo cấy giống nhiễm hoặc bón thừa đạm thường bị nặng hơn so với ruộng bón phân cân đối.

Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, bệnh đạo ôn đã và đang phát sinh trên đồng ruộng, trên một số giống lúa nhiễm bệnh như BC15, TBR225, Q5, nếp các loại… tỷ lệ bệnh trung bình rải rác, nơi cao 7 - 10%, cá biệt 30 - 50%. Nhiều ruộng lúa lùn lụi từng khóm. Lúa xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh, bệnh đạo ôn gây hại chủ yếu trên lá, diện tích nhiễm nặng gây cháy lá lúa. Đến ngày 22/3, diện tích nhiễm là 1.702ha, trong đó nhiễm nặng trên 20% là 36,3ha. 

Theo nhận định, trong thời gian tới, bệnh đạo ôn sẽ tiếp tục gây hại, tăng nhanh cả về diện tích và mức độ hại, đặc biệt trên các giống nhiễm và diện tích bón thừa đạm. Để hạn chế bệnh gây hại, nông dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ, những chòm mạ dư và các tàn dư thực vật trên đồng ruộng. Những ruộng đang có bệnh tuyệt đối không bón đạm đơn, không phun chất kích thích sinh trưởng, phân bón qua lá. Điều tiết nước hợp lý, đối với những ruộng bị bệnh tuyệt đối không được để khô hạn. Ruộng bị bệnh nặng cần vơ sạch lá bị bệnh trước khi phun thuốc, sau khi phun thuốc từ 5 - 7 ngày cần kiểm tra lại, nếu thấy vết bệnh mới xuất hiện cần phải phun lại lần 2.

Nông dân Quỳnh Phụ quây nilon tránh chuột phá hại lúa.

Ngoài bệnh đạo ôn, nông dân cần chú ý tới rầy lưng trắng bởi theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, rầy lứa 1 nở rộ trên đồng ruộng cuối tháng 3, đầu tháng 4 mật độ cao hơn trung bình nhiều năm, nơi cao hàng nghìn con/m2; đây là lứa rầy có nguy cơ truyền vi rút lùn sọc đen cho lúa xuân năm 2018. 

Để hạn chế môi giới truyền bệnh lùn sọc đen, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân phun trừ rầy từ ngày 25/3 đến ngày 5/4 bằng một trong các loại thuốc sau: Penalty 40WP, Midan 10WP, Oshin 20WP, Sutin 5 EC, Chess 50WG; thường xuyên thăm, kiểm tra đồng ruộng, khi phát hiện thấy các khóm lúa có biểu hiện thấp lùn, xoắn lá, rễ ngắn thì tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy ngay và cấy dặm lại bằng những cây lúa khỏe.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày