Thứ 6, 17/05/2024, 17:54[GMT+7]

Giải pháp tiết kiệm điện cho các trường học, cơ quan

Thứ 5, 29/03/2018 | 09:16:35
3,511 lượt xem
Làm thế nào để tiết kiệm điện nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu của người dùng là vấn đề được nhiều cơ quan, đơn vị, trường học quan tâm. Đi tìm câu trả lời cho vấn đề này, Thạc sĩ Vũ Thanh Hải và Thạc sĩ Vũ Quang Hòa, giảng viên Trường Đại học Thái Bình đã nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tủ điện điều khiển phòng học thông minh với nhiều tính năng ưu việt.

Thạc sĩ Vũ Quang Hòa lắp ráp các bộ phận của tủ điện.

Thạc sĩ Vũ Thanh Hải cho biết: Thực tế hiện nay cho thấy có lúc, có nơi tình trạng quên tắt điện chiếu sáng và thiết bị làm mát khi ra khỏi phòng vẫn diễn ra. Trong khi đó, các giải pháp tiết kiệm điện chủ yếu tại các cơ quan, đơn vị, trường học là kêu gọi ý thức sử dụng điện của mỗi người và thay thế bóng đèn huỳnh quang, compact bằng bóng đèn led tiết kiệm song hiệu quả chưa cao. Trước thực tế đó, hai giảng viên Trường Đại học Thái Bình đã dùng bộ điều khiển nhiệt độ, cảm biến nhiệt độ, cảm biến thân nhiệt chuyển động để điều khiển tự động hệ thống chiếu sáng và làm mát. Hoạt động chính xác theo trình tự được thiết lập sẵn, dễ dàng sử dụng, giải pháp tủ điện điều khiển phòng học thông minh có thể áp dụng rộng rãi ở các cơ quan, đơn vị, không chỉ riêng trường học. Với hiệu quả kinh tế, bảo đảm tính mới, sáng tạo và nhân rộng, giải pháp đã đạt giải khuyến khích trong hội thi sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật tỉnh lần thứ VII, năm 2016 - 2017.

Thạc sĩ Vũ Quang Hòa chia sẻ: Tủ điện điều khiển phòng học thông minh được thiết kế nhỏ gọn. Bên trong tủ có bộ điều khiển nhiệt độ, rơ le, aptomat. Ở nắp ngoài có công tắc điều khiển, đèn báo chế độ làm việc. Các thiết bị trong tủ điện được nối với hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến thân nhiệt chuyển động và đèn chiếu sáng, làm mát. Tủ có thể điều khiển hệ thống chiếu sáng và làm mát tự động hoặc thủ công qua công tắc điện. Sự tối ưu của tủ điện điều khiển phòng học thông minh đó là khi có người bước vào phòng hệ thống mới kích hoạt. Khi có người bước vào phòng nhiệt độ trên 30 độ và độ sáng nhỏ hơn 300LX thì hệ thống chiếu sáng và làm mát sẽ tự động bật lên. Nhiệt độ dưới 30 độ và độ sáng trên 300LX thì điện chiếu sáng và hệ thống làm mát sẽ không hoạt động. Nếu nhiệt độ trên 30 độ, độ sáng lớn hơn 300LX (đủ sáng) thì hệ thống làm mát sẽ bật, hệ thống chiếu sáng không hoạt động. Ngược lại nhiệt độ dưới 30 độ và độ sáng nhỏ hơn 300LX hệ thống chiếu sáng sẽ tự động bật lên và hệ thống làm mát không hoạt động. Trong trường hợp hết giờ học, làm việc, sau 10 phút phòng học, phòng làm việc không có người hệ thống sẽ tự động tắt hết, bảo đảm an toàn cho các thiết bị điện và tiết kiệm điện năng. Với chế độ điều khiển qua công tắc được dùng khi hệ thống cảm biến của phòng bị hỏng, người dùng có thể xoay công tắc về chế độ điều khiển bằng tay, lúc đó có thể bật, tắt thiết bị chiếu sáng hoặc làm mát cùng lúc.

Em Đỗ Trí Mạnh, sinh viên Trường Đại học Thái Bình cho biết: Được quan sát, tìm hiểu về giải pháp tủ điện điều khiển phòng học thông minh của các thầy, bản thân em cảm thấy rất thích thú. Giải pháp không chỉ tiết kiệm điện, giảm chi phí kinh tế mà còn mở ra hướng phát triển mới cho việc sử dụng thiết bị điện thông minh, phục vụ tối đa nhu cầu của người dùng. Thành công của giải pháp sẽ là nguồn động viên để các thế hệ sinh viên nhà trường học tập, nghiên cứu và cho ra đời nhiều sản phẩm thiết yếu phục vụ cuộc sống.

Dù mới được thử nghiệm tại một phòng học của Trường Đại học Thái Bình trong thời gian ngắn song tủ điện điều khiển phòng học thông minh đã thể hiện sự ưu việt khi hệ thống làm việc hoàn toàn tự động. Sử dụng tủ điện điều khiển thông minh sẽ góp phần tiết kiệm điện, góp phần gìn giữ tài nguyên quốc gia, giảm chi tiêu tài chính trong gia đình, đơn vị, trường học, đồng thời bảo đảm an toàn cho các thiết bị điện, hạn chế rủi ro cháy do điện.

Hoàng Lanh