Thứ 6, 24/05/2024, 09:48[GMT+7]

Khu kinh tế Thái Bình: Đột phá trong phát triển kinh tế

Thứ 2, 02/04/2018 | 09:07:57
2,259 lượt xem
Khu kinh tế Thái Bình là 1 trong 17 khu kinh tế của cả nước giữ vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, tăng trưởng công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hầu hết các nhà máy trong khu công nghiệp Tiền Hải đều sử dụng nguồn khí mỏ vào sản xuất.

Ông Khúc Văn Lượng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Triển vọng nhất khi thành lập khu kinh tế Thái Bình sẽ mở ra điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư. Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế cũng được hưởng nhiều ưu đãi như thời gian thuê đất, mức thuế suất, miễn giảm thuế thu nhập, miễn giảm tiền thuê đất,  thuế xuất nhập khẩu... Ngoài ra, điểm khác với khu công nghiệp, khu kinh tế Thái Bình còn phát triển cả về kinh tế và xã hội, gồm có khu trung tâm điện lực; khu, cụm công nghiệp; khu cảng và dịch vụ cảng; khu du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí; khu phân bố các vùng nuôi trồng thủy sản và rừng phòng hộ ven biển; khu dân cư, đô thị, dịch vụ; khu hành chính... Vì thế khu kinh tế Thái Bình sẽ là khu kinh tế tổng hợp đa ngành mang tính đột phá của tỉnh, nhằm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận.

Theo lộ trình thực hiện, từ nay tới năm 2020 sẽ tập trung kiện toàn bộ máy quản lý, xây dựng giải pháp, chính sách, xúc tiến đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng và sản xuất, kinh doanh cũng như hoàn thiện quy hoạch xây dựng khu kinh tế và các khu chức năng, chuẩn bị quỹ đất và kế hoạch tái định cư. Từ năm 2021 - 2025 tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm; xây dựng hạ tầng các khu chức năng, đào tạo thu hút nguồn nhân lực. Giai đoạn từ năm 2025 - 2030 hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế tương đối đồng bộ và thu hút các ngành công nghiệp hiện đại, công nghệ tiên tiến, phát triển khu đô thị biển hiện đại văn minh gắn kết với các khu chức năng sản xuất, kinh doanh.

Nhà máy nhiệt điện Thái Bình thuộc trung tâm điện lực Thái Bình đã đi vào vận hành ổn định.

Với kế hoạch đó, sau khi quy hoạch chung được phê duyệt, Ban Quản lý sẽ triển khai một số phân khu làm trụ cột, nòng cốt và động lực để phát triển khu kinh tế. Điển hình như khu cảng và dịch vụ cảng sẽ tiến hành làm cầu cảng và đường cảng trước, đồng thời tiến hành nạo vét để tàu từ 30.000 - 50.000 tấn có thể ra vào cập cảng. Lấy đây là tiền đề để lấy ngắn nuôi dài và tạo nguồn lực để phát triển kinh tế. Cùng với đó là phát triển một số khu công nghiệp trọng điểm trong khu kinh tế như khu công nghiệp Thụy Trường, khu công nghiệp thương mại, dịch vụ, đô thị Xuân Hải, khu công nghiệp, dịch vụ Thái Thượng và khu công nghiệp Hoàng Long... Từ đó sẽ có kế hoạch thu hút các nhà máy vào các phân khu dọc từ Thụy Trường (Thái Thụy) tới cồn Vành (Tiền Hải).

Xác định tầm quan trọng của khu kinh tế đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính, đặc biệt là vấn đề kinh phí còn hạn chế song ngay sau khi được phân công nhiệm vụ, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã tập trung kiện toàn, hoàn thiện bộ máy quản lý, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và xây dựng quy hoạch khu kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất hiện nay là nguồn kinh phí và nguồn lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu công việc dẫn tới tiến độ thực hiện còn chậm. 

Theo ông Lượng, muốn có được khu kinh tế ven biển trước hết phải có nguồn lực để đầu tư hạ tầng về giao thông từ khu công nghiệp kết nối với các nơi khác hay đầu tư hạ tầng cung cấp điện, nước cho khu kinh tế... Tuy nhiên, đến nay ngay trong nguồn vốn để thực hiện công tác quy hoạch cũng rất “nhỏ giọt”, chỉ đáp ứng một phần nhỏ.

Theo lời hứa của một số nhà đầu tư nước ngoài, một số khu công nghiệp trong khu kinh tế Thái Bình sẽ được xây dựng thành khu công nghiệp kiểu mẫu, làm điểm ở Việt Nam, tạo điểm nhấn về khu công nghiệp để các nơi khác đến học hỏi.

Khu kinh tế Thái Bình là khu kinh tế ven biển, bao gồm 30 xã và 1 thị trấn thuộc hai huyện là Tiền Hải, Thái Thụy và phần tiếp giáp ven biển, trong đó Thái Thụy có 14 xã và 1 thị trấn, Tiền Hải có 16 xã. Khu kinh tế có diện tích tự nhiên 30.583ha, phía Bắc giáp với thành phố Hải Phòng qua sông Hóa, phía Nam và Tây Nam giáp với tỉnh Nam Định qua sông Hồng, phía Đông giáp biển Đông với hơn 50km bờ biển, phía Tây giáp các xã còn lại của huyện Thái Thụy và Tiền Hải.


  Thu Thủy