Thứ 3, 28/05/2024, 00:58[GMT+7]

Duy Nhất: Bảo vệ đàn vật nuôi

Thứ 5, 19/04/2018 | 09:06:00
562 lượt xem
Mặc dù đã chăn nuôi nhiều năm nhưng chưa năm nào đàn vật nuôi của gia đình mắc các dịch bệnh nhờ nghiêm túc chấp hành việc tiêm vắc-xin định kỳ.

Tiêm vắc-xin phòng bệnh đỏ cho đàn lợn ở xã Duy Nhất.

Vụ xuân hè năm 2018, xã Duy Nhất (Vũ Thư) có gần 10.000 con gia súc và hơn 18.000 con gia cầm. Nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi, địa phương đã tập trung triển khai đợt cao điểm tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và sớm hoàn thành kế hoạch đề ra.

Theo kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân hè năm 2018, Duy Nhất phấn đấu tỷ lệ tiêm phòng các bệnh đỏ cho đàn lợn và lở mồm long móng cho đàn trâu, bò, lợn nái, lợn đực giống đạt từ 90% trở lên; bệnh tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò đạt từ 80% trở lên; phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đạt từ 70% trở lên so với tổng số con trong diện tiêm phòng; tiêm phòng bổ sung các loại vắc-xin khác theo yêu cầu phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm đến tuổi tiêm phòng.

Để kế hoạch tiêm phòng đạt kết quả cao, Duy Nhất đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, quyết định thành lập các tổ tiêm phòng. Tăng cường tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, yêu cầu cán bộ Ban Chăn nuôi và Thú y xã kết hợp với cán bộ cơ sở thôn điều tra, rà soát, thống kê đàn gia súc, gia cầm thuộc đối tượng tiêm phòng; xây dựng kế hoạch xin cung ứng vắc-xin, vật tư, trang bị phục vụ công tác tiêm phòng; tổ chức tiêm phòng theo kế hoạch của UBND xã. 

Bà Đặng Thị Chiến, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y xã cho biết: Do xã có địa bàn hành chính rộng, gồm 10 thôn, để công tác tiêm phòng kịp thời, bảo đảm tiến độ theo kế hoạch đề ra, Ban Chăn nuôi và Thú y xã đã thành lập 3 tổ tiêm phòng, mỗi tổ 2 người, tập trung tiêm phòng theo hình thức cuốn chiếu từng thôn, thời gian tiêm từ ngày 24/3 và kết thúc ngày 5/4. Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp mà công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn bảo đảm tiến độ, đúng quy trình kỹ thuật và đạt tỷ lệ theo kế hoạch đề ra.

Đưa chúng tôi đi thăm khu chăn nuôi của gia đình, ông Nguyễn Văn Thủy ở thôn Hành Dũng Nghĩa cho biết: Nhà tôi thường xuyên nuôi khoảng 50 con lợn nái và lợn thịt. Không chỉ chú trọng công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi mà mỗi khi xã triển khai kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm thì tôi đều tự giác đăng ký tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Mặc dù đã chăn nuôi nhiều năm nhưng chưa năm nào đàn vật nuôi của gia đình mắc các dịch bệnh nhờ nghiêm túc chấp hành việc tiêm vắc-xin định kỳ.

Ông Phạm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nhất cho biết: Kết thúc đợt tiêm phòng đại trà, địa phương tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh và những con chưa được tiêm phòng trong đợt chính. UBND xã cũng chỉ đạo các ngành chuyên môn thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh và đội kiểm tra liên ngành để kiểm soát các nguồn cung ứng gia súc, gia cầm từ nơi khác vào địa phương; theo dõi diễn biến dịch bệnh trên địa bàn xã, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhằm ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tạo điều kiện để sản xuất chăn nuôi phát triển ổn định và góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thanh Huyền


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày