Thứ 5, 16/05/2024, 03:25[GMT+7]

Làm giàu từ cây dược liệu

Thứ 6, 20/04/2018 | 08:39:21
4,218 lượt xem
Những năm qua, nhiều hội viên cựu chiến binh huyện Tiền Hải đã chuyển sang trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trang trại dược liệu của hội viên cựu chiến binh Phạm Thế Hùng, thôn Phú Lâm, xã Nam Hồng là một ví dụ.

Vườn đinh lăng của cựu chiến binh Phạm Thế Hùng.

Nhìn từ xa, trang trại dược liệu của cựu chiến binh (CCB) Phạm Thế Hùng như tấm thảm xanh trải dài bạt ngàn. Tuy chưa phải là mùa thu hoạch nhưng khu vườn đinh lăng, cà gai leo, hòe, sả... tỏa mùi thơm đặc trưng của các loại dược liệu. Khuôn mặt rám nắng, dáng người nhỏ nhưng săn chắc, giọng nói điềm tĩnh, ánh mắt toát lên vẻ tự tin - CCB Phạm Thế Hùng cho chúng tôi cảm giác thật gần gũi khi lần đầu tiếp xúc. Cứ mỗi bước chân ông lại say sưa kể tên các loại cây dược liệu, cách chăm sóc và chế biến khiến chúng tôi rất bất ngờ, tưởng như ông là một nhà nông học thực thụ. 

Theo lời kể của ông, năm 2010, thực hiện chủ trương của UBND xã không để ruộng hoang hóa, ông nhận đấu thầu vùng đất kém hiệu quả. Sau khi được chính quyền địa phương đồng ý, ông đã thuê nhân công đào ao, quật lập thành vườn để trồng cây. Phát triển kinh tế VAC không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, thiên tai cùng kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt còn hạn chế nên thời gian đầu trồng cây ăn quả thì cây chết, nuôi cá lại không lớn. Nhiều đêm trăn trở, năm 2012, với suy nghĩ khí hậu thổ nhưỡng nơi đây rất thích hợp để trồng cây dược liệu, ông Hùng đi tìm mua các cây giống dược liệu như đinh lăng, cà gai leo, hòe, sả... về trồng thử nghiệm. 

Suốt hơn 1 năm đầu trồng thử nghiệm, hầu hết cây không phát triển tốt, còi cọc chết dần. Không nản chí, ông học hỏi kinh nghiệm thực tế của các trang trại trồng dược liệu ở tỉnh bạn và tài liệu khoa học để đúc kết kỹ thuật trồng như về thời điểm ương giống, xuống giống, chăm sóc và thu hoạch... 

Trời không phụ công người, cây sinh sôi phát triển, trong đó diện tích hơn 2 mẫu trồng đinh lăng mang lại hiệu quả cao nhất. Cây đinh lăng là cây dược liệu có giá trị, quy trình trồng rất dễ, ít tốn kém về phân bón và dễ chăm sóc, không phun thuốc kích thích với mục đích sản xuất dược liệu sạch. Theo kinh nghiệm trồng đinh lăng chỉ cần bón một ít phân chuồng đã hoai mục và thêm chút phân lân là đủ cho cây phát triển tốt. 

Thị trường thu mua loại cây này trong nước hiện nay và dự báo trong nhiều năm tới khá ổn định. Đinh lăng từ khi trồng đến khi được thu hoạch lá và thân khoảng 2 - 3 năm. Hiện đinh lăng được thu mua với giá 45.000 đồng/kg cây giống và 30.000 đồng/kg gồm thân, lá. Riêng phần củ từ 3 năm trở lên có giá 200.000 đồng/kg. Tổng thu nhập từ trang trại dược liệu của ông Hùng đạt trên 200 triệu đồng/năm. 

Với bản tính cần cù, chịu khó, nhờ có hướng đi đúng, cách làm bài bản cùng với sự dám nghĩ dám làm, CCB Phạm Thế Hùng đã xây dựng thành công mô hình trang trại trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao.  

Mạnh Thắng


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày